Bậc “đại nhã” nắn sửa lịch sử để răn đời, còn “bọn ngồi lê đôi mách” thì bóp méo vo tròn, phóng to thu nhỏ, thậm chí dựng đứng, “nước lã khuấy nên hồ”, để làm vui lòng những đám “tiểu trí ở chốn quê mùa”…Tuy cũng có táy máy với sự thực, chính sử trung thực hơn dã sử nhiều. Dã sử rất xa sự thực nhưng truyền rất rộng. Nó vẫn tiếp tục ra đời. Hình như có chỗ khác là “bọn” xưa sáng tác hồn nhiên nhằm “làm vui”, còn nay có những kẻ cố ý viết tiểu thuyết xuyên tạc lịch sử nhằm gây hoang mang dư luận. (Thu Tứ)



“Người Tàu xưa mê sử”

Nguyễn Hiến Lê




(Đầu) đời Chu cách đây trên ba ngàn năm, họ đã đặt ra chức sử quan (...) từ đó trở đi, việc chép sử thành một cái lệ. Ngay cả những nước chư hầu (...) cũng có sử quan. Nhờ vậy mà ngày nay ta hiểu về đời Xuân Thu, đời Chiến Quốc hơn là người phương Tây hiểu về cổ sử Hi-lạp. Mà sử gia Trung Hoa (...) rất được tôn trọng: người ta buộc họ phải có đức, phải trọng sự thực, phải là “uy vũ bất năng khuất” (...) Môn sử được quý đến nỗi có bộ sử được gọi là “kinh” như kinh Thư, còn loại truyện tưởng tượng thì bị khinh, gọi là tiểu thuyết (1) (...)

Văn nhân thì ưa chép sử, mà dân chúng thì ưa đọc sử, nghe sử. Những bộ truyện lớn nhất, danh tiếng nhất, được truyền bá rộng rãi nhất (...) là những bộ Tam Quốc chí, Thủy Hử, Đông Chu liệt quốc, Tây Hán chí v.v. Một phần lớn các vở tuồng cũng mượn đề tài trong sử (...)

Sử gia đầu tiên của Trung Hoa là Khổng Tử. Ông san định kinh Thư và soạn bộ Xuân Thu.

Kinh Thư thực ra không phải là một cuốn sử theo nghĩa ngày nay, không chép những việc xảy ra trong các triều đại mà chép những mệnh lệnh, những lời khuyên răn, những phép tắc v.v. từ đời Nghiêu, Thuấn đến đời Đông Chu. Nó gần như một cuốn đạo lý về chính trị, và xét nội dung của nó, ta thấy người Trung Hoa có quan niệm rằng chính trị và sử học đều phải có tính cách luân lý.

Xuân Thu trái lại, đúng là một bộ sử, một loại sử biên niên chép chuyện nước Lỗ từ Lỗ Ẩn Công đến Lỗ Ai Công, tức từ năm 722 tới năm 481 trước Tây lịch. Tất nhiên (...) cũng chép luôn cả chuyện các nước chư hầu khác liên quan tới nước Lỗ (...) bộ đó có chứa một triết lý về chính trị (...) là “chính danh, định phận”: vua phải ra vua, bề tôi phải ra bề tôi, mỗi người phải cư xử, hành động xứng với danh phận của mình thì danh phận mới chính đáng (...) Có thể Khổng Tử (...) chép sai sự thực một chút để hợp với chủ trương chính danh định phận của mình (...) ông đã soạn sách với một chủ ý răn đời. Răn đời là mục đích phổ biến của tất cả các sử gia chân chính thời đó, chứ không phải của riêng ông.

Sau Xuân Thu tới bộ Tả truyện, cũng gọi Tả thị Xuân Thu. Theo truyền thuyết, tác giả là Tả Khâu Minh, làm quan thái sử nước Lỗ, đồng thời với Khổng Tử. Bộ đó có thể coi là công trình chú giải bộ Xuân Thu (...) Một việc xảy ra, trong Xuân Thu chỉ chép vắn tắt một hàng thì trong Tả truyện chép thành năm mười hàng, một hai trang.

Một bộ nữa cũng có giá trị là bộ Quốc ngữ (...)

Ngoài ra còn những bộ Công Dương truyện, Cốc Lương truyện (...) và bộ Lữ thị Xuân Thu, do môn khách của Lữ Bất Vi viết trong đời Tần Thủy Hoàng, chú trọng về văn hóa, tư tưởng hơn là về sự kiện lịch sử.

Sau cùng còn bộ Chiến Quốc sách mà các học giả ngày nay nghi ngờ giá trị về sử liệu, cho là một tác phẩm có tính cách luận thuyết hơn tính cách ký sự (...)

Chắc chắn Tư Mã Thiên đã dùng tài liệu trong những bộ sử đó.


(Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê,
Sử ký của Tư Mã Thiên, nxb. Văn Học. Nhan đề phần trích tạm đặt.)










___________
(1) Tiểu thuyết bị coi là “tiểu đạo” (con đường nhỏ), là cái mà “bọn ngồi lê đôi mách làm ra để cho bọn tiểu trí ở chốn quê mùa đọc, không đáng đưa vào nơi đại nhã”. (NHL)