Trần Huiền Ân, “Cút, đa đa, cuốc, giẽ”





Chim cút, ảnh khuyết danh


Chim ăn dưới đất loại lớn có con đa đa, loại nhỏ có con cút. Cút chỉ lớn bằng cán dao, sống ở đồi cỏ, cây thưa và thấp, khi đồng lúa gặt xong lủi vào ruộng gò lượm lúa đổ. “Một con cút nhỏ chở nổi một trái đu đủ lớn”, người dân quê nói vậy vì một con cút bé xíu nấu với cả trái đu đủ vẫn dư sức ngọt (...) Có chuyện vui, rằng: Một hôm con cút thẩn thơ trên đường, thấy một nhà sư, nghĩ đó là con người thánh thiện, cút chẳng đề phòng, thế là bị nhà sư chụp được. Nhưng may thay, nhà sư chụp đằng đuôi và chòm lông đuôi sút ra, cứu mạng nó. Nhà sư dụ dỗ: “Con cút cụt đuôi! Lại đây tao trả lông đuôi cho mầy!” Lần này, rút được kinh nghiệm, biết rằng đã gặp hổ mang, cút thưa: “Thôi thôi, tôi cảm ơn thầy. Còn da lông mọc, còn chồi lên cây”. Thế nhưng còn da mà lông không mọc được và cho đến bây giờ con cút vẫn là con cút cụt đuôi, chỉ giỏi lủi không biết bay xa.




Chim đa đa, ảnh khuyết danh


Chim đa đa còn gọi là “gà cơm cát” vì tiếng gáy của nó: “chát cha chát... chát cha cha” với sự tích: Ngày xưa có đứa bé mồ côi mẹ, cha nó tục huyền, bà dì ghẻ khắc nghiệt, thường trộn cát vào cơm cho nó ăn. Mỗi ngày lượng cơm một ít đi, lượng cát tăng lên, đến một hôm ăn không được nữa, đứa bé ngã ra chết, hóa thành con chim kêu lên những tiếng thảm thiết xé lòng: “Xúc cơm cát trả cho cha... xúc cơm cát trả cho cha...”. Gà cơm cát cũng kém chuyện bay xa, thường xuống ăn ven ruộng, ăn trái gạc nai tròn như viên bi (...) thường sống trong các lùm cây đa đa là loại cây thấp có nhiều gai để tránh chồn cáo, do đó có câu hát mở đầu là: “Chim đa đa đậu cành đa đa...”.




Chim cuốc, ảnh khuyết danh


Chim ăn dưới ruộng, đầm, ao, vũng... thì có chim cuốc và chim giẽ. Con đa đa được Bà Huyện Thanh Quan gọi là “gia gia” để đối với con cuốc là “quốc quốc”:

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.

Ai đã đi qua những đoạn đường tranh đế vào buổi trưa nắng vàng lóa mắt nghe tiếng kêu của chim đa đa mới cảm thấy trong bài thơ Thanh Quan đắt nhất là hai tiếng “mỏi miệng”.

Câu bài chòi Trách Thân thì ví: “Anh bây giờ như con cuốc kêu tu hoa, nó lẻ đôi nó lẻ bạn, úy chui cha là buồn!”.




Chim giẽ, ảnh Phạm D.


Con cuốc kêu tu hoa lẻ đôi lẻ bạn thật là buồn, trái lại khi trời vừa xế, nồm lên, con chim giẽ gáy vang trong ruộng thật là vui. Chỗ này gọi re re... chỗ kia đáp lại re re... Nghe tiếng thách thức, giẽ băng bờ chạy đến. Gài cạm trên bờ ruộng để bắt chim giẽ. Điều thích thú tuyệt vời của tuổi nhỏ khi đi thăm cạm không hẳn chỉ là việc bắt được con chim mà... lúc ấy nắng vàng gió mát, tiếng con giẽ gù, con giẽ rằn gáy vang khiến ta như ngây ngất (...)


(Trích Trần Huiền Ân,
Phú Yên miền đất ước vọng, nxb. Trẻ, 2004. Nhan đề phần trích tạm đặt.)