Thái là tên mới của Âu, một chi lớn trong Việt tộc mà địa bàn xưa kia là đại khái các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quí Châu, Tứ Xuyên của Trung Quốc bây giờ.

Âu có nhiều nhóm. Ở Bắc bộ có hai nhóm. Nhóm thứ nhất gốc Quảng Tây, hậu duệ là người Tày ở Việt Bắc. Nhóm thứ hai gốc Vân Nam, hậu duệ là người Thái ở Tây Bắc.

Thiết tưởng “người Thái” nói sau đây thuộc nhóm Âu gốc Quảng Tây chứ không phải nhóm Âu gốc Vân Nam.
(Thu Tứ)



“Vai trò của Âu”

Nguyễn Từ Chi




Thục An Dương vương là ai? Câu chuyện này cần phải nghiên cứu lâu dài, nhưng tạm thời có thể kết luận: trước Bắc thuộc có một cộng đồng người ở xa sông Hồng (...) đã đến đầu tam giác châu xây dựng tổ chức xã hội như một nhà nước, (lãnh tụ của họ) tự xưng là An Dương vương và (...) đã xây nên thành Cổ Loa (...) Thành Cổ Loa đắp ba vòng tương tự ba vòng thành Xán Mứn của người Thái (mường Thanh) (...) Tại Cổ Loa có (...) một loạt tên địa phương được dùng để gọi các chi tiết của thành (...) Anh Cầm Trọng cho biết những từ trong tiếng Việt không có nghĩa ấy đều là tiếng Thái (...) Những nét cơ bản của văn hóa đồng bằng sông Hồng từ nông nghiệp đến xây thành đến cơ cấu xã hội đều có tiền đề Thái.

Người Thái xuất phát từ "Xíp xoong pản nà" ở Vân Nam. Họ cũng cư trú ở vùng thung lũng chân núi, làm ruộng giống người Việt từ chiếc cày đến hệ thống thủy lợi. Các danh từ nông nghiệp hiện nay của người Việt đều vay mượn từ Thái (...) Ta có quyền giả thuyết ruộng nước của người Kinh là kiểu Thái (...)

Theo tài liệu của người Hán, người Giao Chỉ làm thủy lợi theo thủy triều, giống như những hình thức ta còn bắt gặp ở Nam bộ. Trên thực tế ở sông Hồng ta chỉ gặp kiểu thủy lợi Thái chứ không gặp kiểu thủy triều. Phải chăng người Thái đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp, trong cách xây thành, trong ngôn ngữ. Sự có mặt của người Thái ở sông Hồng là rõ ràng.


(Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2003. Nhan đề tạm đặt.)