Cho đến năm 1975 thì nước Việt Nam đã hàng thế kỷ không có điều kiện để phát triển kinh tế. Trong cùng khoảng thời gian ấy, nước Thái-lan có đầy đủ điều kiện để tha hồ phát triển kinh tế. Thế mà chỉ vài mươi năm sau 1975, so sánh tình hình kinh tế hai nước, người ta phải nhận xét rằng người Thái-lan có thể học hỏi nhiều nơi đất nước ta!

Người Thái-lan thuộc dòng giống Âu, cùng trong Bách Việt với ta. Hơn nữa, ta tuy chủ yếu là Lạc nhưng chắc chắn cũng có lai Âu đáng kể. Tức họ với ta chẳng những đồng chủng mà về máu huyết còn gần nhau hơn gần những anh em Bách Việt khác.(1)

Tại sao thành tích “làm ăn” của đôi bên lại khác nhau thế?

Thực ra ta còn hơn hẳn họ trong nhiều lĩnh vực khác chứ không phải chỉ trong hoạt động kinh tế. Nghệ thuật tạo hình, âm nhạc, văn chương v.v., họ không sánh được với ta đâu. Hình như ta chỉ nhường họ về số lượng kiến trúc tôn giáo, cụ thể là số chùa.

Nhiều chùa, ít thành tích trần gian...

Nhưng sao suốt thời Bắc thuộc tổ tiên ta theo đạo Phật mà vẫn không trở nên tiêu cực trong việc đánh đuổi Tàu, sao đời Lý đời Trần cả nước Đại Việt theo đạo Phật mà thành tích trần gian vẫn phong phú?

Chợt nghĩ đến cái tinh thần tiến thủ hết sức mạnh mẽ của dân tộc mà môi trường sống đầy thử thách ở Bắc bộ xưa kia cùng với mối đe dọa ghê gớm từ phương Bắc đã giúp hình thành. Tổ tiên ta hơn những anh em Bách Việt khác ở cái tinh thần đó. Và hẳn chính nó đã khiến khi vào đất ta Phật giáo phải “nhập thế”, sống với dân tộc chứ không kéo được dân tộc vào cơn trầm tư mặc tưởng triền miên...

Thế tại sao vua ta rút cuộc lại bỏ Phật mà theo Khổng? Vì đạo Phật chỉ miễn cưỡng nhập thế chứ không thực thích hợp với nhu cầu cai trị một đất nước nhiều tham vọng. Nho giáo bản chất hoàn toàn thế tục, mới thực là thích hợp.

Tóm lại, nhờ hoàn cảnh sống rất khó khăn mà người Việt có thái độ sống rất tích cực, rồi nhờ thái độ sống ấy mà ta lập được nhiều thành tích sống xuất sắc.

(Thu Tứ)

(1) Ngoại lệ là người Lào. Người Thái-lan với người Lào coi như một: cùng là Âu Việt từ Vân Nam di tản xuống.



Fry, G.W., “Việt Nam và Thái Lan”




Ở Đông Nam Á, về kinh tế Việt Nam đã trở thành một đối thủ lợi hại của Thái-lan trong nhiều lĩnh vực: du lịch, điện tử, dệt, xuất khẩu gạo và các loại thực phẩm khác (kể cả hải sản) v.v. Chẳng hạn, Thái-lan vốn là nơi công ty Nike (Mỹ) đặt nhiều cơ xưởng, bây giờ phần lớn hoạt động sản xuất của công ty này đã chuyển sang Việt Nam (...)

Năm 1986 Việt Nam quyết định “đổi mới”, theo kinh tế tư bản. Từ bấy đến nay, kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Với dân số hiện giờ là 91 triệu rưỡi (gấp đôi dân số năm 1975) Việt Nam có một nguồn lao động lớn, giá rẻ, lại rất hăng hái, để huy động vào việc xây dựng một nền công nghệ hiện đại...

Về nhiều mặt, đất nước Việt Nam ngày hôm nay làm tôi nghĩ đến Nhật Bản trước kia (...) Việc “con cọp mới” Việt Nam đang ráo riết phát triển kinh tế là một thách thức, đồng thời cũng là một cơ hội cho người Thái (cải tiến kinh tế nước mình).


(Trích dịch từ bài
“Thais can learn much from Vietnam” của Gerald W. Fry, giáo sư khoa Lãnh đạo Tổ chức, Chính sách và Phát triển, Đại học Minnesota, Mỹ, đăng trên trang nationmultimedia.com ngày 27 tháng 8 năm 2012)