Trần Huiền Ân, “Tháng ba, mùa hoa đỗ”




Tháng ba rồi. Nói như ông Vũ Bằng: “Trời trong như ngọc. Đất sạch như lau...” Mây tụ nhiều hơn, trắng hơn, cây lá đậm đà. Tất cả những lộc non nhô màu đỏ vào dịp tết Nguyên Đán nay đã chuyển sang màu xanh mạnh mẽ, xếp thành một tầng dày bên trên lớp lá già sẫm. Lúc này thường có những trận mưa. Nắng sau mưa bốc nhẹ hương thơm, chiếu những vạt hồng lan rộng trên đầu núi, làm rực rỡ những chòm rừng.

Ai đi trên đường làng mà không dừng chân đứng lại? Không phải với cái bao la của Trời - Non – Nước mà với một tán bàng, một ngọn sầu đâu, một cội vông đồng. Lượm trái vông đồng khô làm chiếc bánh xe đẩy đi khắp xóm và bất chợt nhận rõ màu đỏ của lá bàng. Thuở ấy, chưa có một suy nghĩ gì, nhưng tôi đã bắt đầu biết cảm cái đẹp của lá bàng, để sau này trưởng thành bâng khuâng ngắm những cây bàng ở Võ Miếu, nhớ về thôn xóm.

“Sầu xưa héo trên ngọn bàng úa đỏ
Lòng hoang mang thêm chạnh tưởng hương phần”
.

Bàng ở làng Vân Hòa quê tôi là loại bàng cành chĩa ngang, tán lá xòe ra, có vẻ như già trước tuổi, trịnh trọng, bao dung.

Trên đường làng còn có hoa dầu trảo nhỏ nhoi rắc trắng. Lẫn cùng hoa sầu đâu màu tím. Buổi chiều, mỗi nhà đều quét sạch đoạn đường trước ngõ, đất trân màu nâu sẫm hơi bóng lên. Qua một đêm, sáng ngày hoa dầu trảo và hoa sầu đâu lại phủ kín mặt đường, bàn chân ta bước lên lớp thảm hoa.

Tháng ba, mùa hoa đỗ. Hoa đỗ đủ màu, xanh vàng tím, đều nhạt cả, quyến rũ từng bầy chim. Bầy chào mào mũ nhọn, cánh mướt, dưới đuôi đỏ tươi. Bầy quành quạch ẩn lớp lông vàng đất. Con chim khách đen tuyền chững chạc, con chát là lớn tiếng ồn ào. Gài bẫy chim ngay trong đám đỗ, trên tầng hoa đỗ, mồi nhử là chùm ớt chín mọng hay chiếc hoa bí nở vàng. Cái thú bắt chim mắc bẫy: vừa chạy đến vừa nghe tiếng chim kêu la, ngây ngất trong mùi hoa đỗ, men rượu cũng chẳng sánh bằng! Ngày nay, nhiều khi buổi trưa nằm nhắm mắt tịnh tâm, định thần, tôi vẫn nghe như mùi hoa đỗ thoang thoảng chung quanh.

Lại những buổi sáng thật sớm đi hái bông bí. Lá bí còn ướt đẫm sương đêm. Những trái bí non mơn mởn, lăn lóc, ngổn ngang. Người phụ nữ quê tôi hát ru con:

“Thương chồng nấu cháo le le
Nấu canh bông bí, nấu chè đỗ đen”.


Tháng ba, mùa hái đỗ. Mùi trái đỗ già tự nứt vỏ trong nong, rồi mùi thân đỗ ngã xuống, khô cùng rơm rạ, mùi đất ẩm lâu ngày giờ lộ mặt ra phơi nắng, lẫn vào nhau, ấm áp, nồng nàn.

Tháng ba, mùa gặt chính trong năm, cả ruộng rộc và ruộng gò. Mỗi sân nhà là một sân lúa. Tháng ba đi nơi nào cũng nghe ngào ngạt hương thơm. Khi thóc lúa vào bồ cả rồi, lũ chim dồng dộc bay xa, bỏ lại chiếc ổ treo tòn teng trên ngọn tre cao, màu sợi đế khô vàng (ở đây hình như thiếu không biết nhiều ít chữ) cùng nhau vào suối tát cá. Bữa ăn trưa trên bờ suối, ngồi bệt lên đá, thác nguồn phun trắng rì rào.

Và đã quá xa những tháng ba trống xuân kỳ thôi thúc rộn đình làng. Tế xuân có hát làng. Bỗng nhiên phía ngoài rạp trở thành phường phố. Quán xá dựng nhanh. Già trẻ trai gái cùng tụ về. Xem tế, xem hát rồi ra quán. Rượu không say, rượu chỉ tăng phần hưng phấn cho các chàng trai khi đứng trước bạn gái. Đôi má rám hồng buổi nắng chuyển sang hè, ôi, cũng đủ làm quán đổ rạp nghiêng.


(Trích Trần Huiền Ân,
Phú Yên miền đất ước vọng, nxb. Trẻ, 2004. Nhan đề phần trích tạm đặt.)