Thư tình là lá và hoa, hòm thư là hốc cây, lãng mạn làm sao cho hơn. Thư không gửi mà người được “gửi” vẫn nhận được. Thư không bỏ vào bì mà vẫn kín như bưng. Anh Khừm lấy ra rồi nhớ để lại đúng chỗ cho người ta nhé… Nhưng đi rừng mà nghĩ nhiều về hoa và lá, coi chừng rừng sẽ nhắc nhớ “thực tế” đấy. Dưới chân vừa vấp gốc cây, trên mũi cũng vừa “va” luôn vào một “luồng thơm”, cái quãng tập tễnh nó có được ướp cho một chút “nước hoa đắt giá”, thôi cũng được… “Tôi” kể cho “anh” nào đó nghe “mẩu chuyện rừng” rồi khiêm tốn bảo “chưa lường được khả năng gợi cảm của nó”, rồi lại bảo nó như “chiếc lá rừng xa tôi nhặt về (…) anh cho nó vào cuốn sách mà ép lại”. Chúng tôi đọc bài ký này đã lâu, nay mở sách ra đọc lại, thấy độ gợi cảm vẫn như xưa. Vài chục năm rồi mà “chiếc lá rừng xa” còn “xanh xanh tợ thuở mới hái”, ngộ ghê. (Thu Tứ)



“Loáng một luồng thơm”

Nguyễn Tuân




Khừm đã đứng dậy, đi vòng một gốc cây to bây giờ tôi mới chú ý đến. Khừm chém chém con dao rừng vào vỏ, tước ít vỏ, tìm được một cái hốc ở cạnh khóm rễ nổi lên mặt đất. Khừm bảo: “Cây này lúc cần, có thể dùng làm trạm liên lạc đây. Dùng làm liên lạc bí mật được đấy.” Tôi ngắm cái cây bưu điện giời sinh đó và hỏi lại Khừm: “Và lúc hòa bình, dùng cái cây này làm hòm thư riêng của người con gái và người con trai hẹn tìm nhau cũng được chứ?”. Khừm cười đắc ý, lấy ra từ lòng hốc cây một cánh hoa rừng và một nắm lá, rồi dõng dạc: “Đây, thư họ gửi cho nhau đây. Chắc của anh chị nào ở cái bản ban nãy ta đi qua định vào mua bưởi. Đúng là của anh chị nào nhắn nhau gì đấy. Họ lấy hoa lấy lá ra mà nói lóng với nhau, chả có đoán được đâu” (...)

Chặng này nhiều hoa. Mắt không trông thấy nhưng mũi thì luôn luôn bắt được luồng hương, nhất là quãng quá trưa. Rồi bẵng đi hàng chục cây số rừng không đánh hơi thấy gì. Mình tưởng như chúa rừng vừa ra nhật lệnh buộc tất thảy hương phấn quãng này phải rút vào bí mật, để rồi lúc nào đó sẽ đột kích lại vào người bộ hành. Chiều xế xế. Khừm và con ngựa rút nhanh bước đều đều. Tôi sải bước dài hơn cái bóng tôi hắt về phía trước. Đi rừng, đến hay nghĩ đến cái này cái nọ, chuyện này chuyện khác!

(...) Xa xôi, ngan ngát, lăn tăn lá reo gió thầm. Ấy chính lúc đó chân tôi vấp vào một cái cọc nhọn. Một gốc cây con gẫy mục ở giữa lối mòn. Bàn chân dại điếng hẳn đi, tôi tập tễnh mất một quãng. Cùng một lúc đó, mũi tôi đánh hơi bắt ngay vào một mùi thơm. Hương thơm sặc lên như, đánh bốp một cái, đâu đây một dược sĩ nào vừa đánh rơi chai nước hoa cốt mới chế ra. Nó sặc ngát một cách thật là loáng nhanh, rồi lặn đi mau lẹ hơn tiếng động. Nó là một luồng hoa bay, vụt tạt ngang lối rừng giông giống cái ánh chớp trên nguồn. Tôi cố bắt theo tàn dư luồng thơm để lại trong khinh không một buổi chiều đang nhạt nắng. Như có người bôi nước hoa đắt giá thoắt rẽ mất vào rừng sâu. Như có người trêu mình, mà nhìn quanh thì không có vết chân nào, chỉ toàn là rêu rừng và ánh hoàng hôn. Tôi có cái tật đi rừng chợt thấy mùi thơm chỗ quãng vắng là hay trờn trợn (...)

Rừng chiều mù tung lên những bụi vàng khè. Con ngựa quệt móng qua một khoảng rộng ùn lên những đống mạt cưa. Vẫn đều đều cái tiếng xè xè hiệp thợ xẻ đưa từ vùng xuôi Sơn Tây lên, mỗi người mang theo một gánh: chàng, đục, quả dọi, dây mực, giũa, cưa. Họ đang chéo chân trên những súc gỗ còn hăng mùi nhựa cây vừa mới bóc bìa. Anh Khừm reo lên: “Châu ủy và ủy ban xây cơ quan mới rồi!”. Đêm châu ủy đó, tôi ngủ cạnh những người bạn mới quen. Mấy anh chị thanh niên đoàn địa chất. Một sĩ quan chuyển ngành lên đây nghiên cứu lại tuyến đường mở đường nối ra phía hữu ngạn sông Hồng. Và một anh cán bộ tiền trạm đứng tuổi của đoàn khảo sát Trung ương về đây chuẩn bị cho đoàn lên nghiên cứu mọi mặt trữ lượng kinh tế của địa phương. Đêm châu ủy không đốt lửa như nhà sàn, nhưng sao ấm quá. Chả bù với quãng rừng chiều ngát nước hoa lành lạnh (...)

Tôi tạm kể hết mẩu chuyện rừng (...) tôi chưa lường được khả năng gợi cảm của nó đối với anh. Anh tạm coi nó như (...) chiếc lá rừng xa tôi nhặt về (...) anh cho nó vào cuốn sách mà ép lại. Như kiểu ngày nhỏ còn đi học, gặp ngày chủ nhật được về chơi vùng quê, hay ép lá lưu niệm bỏ kín vào vở vào sách ấy. Này, có nhiều người đầu đã trăng trắng rồi, mà nay sách nhỏ mỗi lần mở lại vẫn giữ vẹn cái lá học trò xanh xanh tợ thuở mới hái!


1964


(Trích từ bài “Đố ai quét sạch lá rừng” trong tập
Ký Nguyễn Tuân, nxb. Văn Học, 1986. Nhan đề phần trích tạm đặt.)