Từ lâu đã thấy đồ gốm cổ của ta thật “khác vời”, nay đọc lời đánh giá này thật “như cởi tấm lòng”!

Lại nhớ
Sổ tay văn hóa Việt Nam (1978) có chép:

“Chúng ta biết nghề gốm Việt Nam có một lịch sử lâu đời, nhưng đến đời Lý (1010-1225) thì có một bước nhảy vọt. Các loại đồ ngự dụng, dân dụng, nhiều khi cả vật liệu xây dựng, được phủ men nâu, men ngọc, men ngà, được trang trí cành, lá, hoa sen, rồng chìm, rồng nổi, cách điệu hóa hay tự nhiên, rất tinh tế. Đặc sắc nhất là loại bát đĩa men ngọc xanh mà các nhà khảo cổ tìm thấy ở hải cảng Vân Đồn (Quảng Ninh). Thứ men này khác với men xanh Trung Quốc đời Tống, từ chất liệu men đến kỹ thuật chế tác, độ lửa nung (...) Đồ gốm đời Trần nước men càng đẹp, phần nhiều men trắng làm nền và trang trí bằng men nâu da lươn hoặc xanh chàm.”

Ấy là Trương Chính và Đặng Đức Siêu chưa thấy những sản phẩm gốm Chu Đậu trục vớt được ngoài khơi Hội An và nhất là những di vật gốm đào được ở khu hoàng thành Thăng Long...

(Thu Tứ)



Stevenson & Guy, “Gốm Việt nhất Đông Nam Á”




Gốm Việt là một kết hợp độc đáo giữa sáng tạo bản địa và một số yếu tố ngoại lai từ Trung Quốc, Khơ-me, Chàm và Ấn-độ. Các hoa văn trang trí, các loại men, các phương pháp chế tác, có lẽ ngay cả quan niệm về đồ gốm, đều khác hẳn Trung Quốc. Dùng thứ đất sét rất tốt ở châu thổ sông Hồng – mịn, ít tạp chất, sắc xám trắng – người Việt đã tạo ra những món đồ gốm tinh tế nhất vùng Đông Nam Á.

Công trình nghiên cứu tỉ mỉ nhất về gốm Việt từ trước tới nay này là nỗ lực chung của chuyên gia từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ...


(Trích từ
Vietnamese Ceramics: A Separate Tradition (Gốm Việt: một truyền thống riêng), John Stevenson & John Guy, Art Media Resources, Mỹ, 1997. Nhan đề phần trích tạm đặt.)