“Bàn về chương Tề vật luận”

Nguyễn Hiến Lê




Chương này là chương quan trọng nhất, chứa nhiều tư tưởng độc đáo nhất trong bộ sách. Trang tử trình bày vũ trụ quan của ông (...) vạn vật tuyệt đối bình đẳng (...) và (từ đó rút ra) một phép xử thế: không tranh luận (...)

- Trang tử (...) không chấp nhận có một vật hữu hình sinh ra vạn vật (...) Mới đầu chỉ có một cái gì đó (...) mà ông gọi là Đạo. Đạo siêu thời gian, vô hình sắc, mà biến hoá vô cùng (...) Đạo không có tên gọi, khi Đạo mà đã minh thị ra rồi thì không phải là Đạo ((ý này chính là ý của Lão tử trong Đạo Đức kinh: “Đạo khả đạo phi thường đạo”) (...)

- Đạo gồm vạn vật, vạn vật hợp nhất vào Đạo (...) chúng ta chỉ là một phần tử của Đạo, không thể biết được Đạo (một phần tử làm sao biết được toàn thể), không thể chỉ rõ, giảng nó là cái gì (...) Tuy không hiểu được Đạo, nhưng hạng đại trí (...) biết rằng vạn vật hợp nhất ở trong Đạo, nên không phân biệt vật này, vật khác, mình với vật (...) Mặc tử bảo phải yêu mọi người như mình, nghĩa là còn phân biệt người và mình. Trang thì không: người là mình, mình là người. Yêu hay ghét không thành vấn đề nữa (...) cùng là những phần tử của Đạo cả, nên vạn vật ngang nhau (...) mọi vật đều biến thiên (...) sống cũng là chết, chết cũng là sống (...) mộng có thể là thực mà thực cũng có thể là mộng (...)

- Cơ hồ như Trang tử chủ trương tuyệt đối hoài nghi, tuyệt đối vô vi (...) không hoàn toàn như vậy (...) “…Thánh nhân bỏ thành kiến đi để theo lẽ trung dung” (...) Như vậy là Trang cũng nhận có một thái độ “phải”, thái độ đó là vượt lên trên quan niệm “thị phi” của người đời, tùy hoàn cảnh mà tìm cái “thị” trong cái “phi”, cái “phi” trong cái “thị”. Có thể gọi thái độ đó là “siêu thị phi”, là dung hòa, gần gần như thuyết “trung dung” của Khổng tử (...) Khổng và Lão đều có tinh thần dung hoà; nhận rằng mọi thuyết, mọi vật có thể cùng hoạt động (tịnh hành hay “lưỡng hành”) mà không trở ngại nhau (...) thái độ của dân chúng Trung Hoa cũng như Việt Nam là chấp nhận cả tam giáo: Khổng, Lão, Phật (...)

- Trang tử sống cùng một thời với Mạnh tử. Thời đó là thời Chiến Quốc, thời đại loạn, nhưng cũng là thời tư tưởng Trung Quốc phát triển rất mạnh, thời “bách gia chư tử”. Ngôn luận được hoàn toàn tự do, ai cũng muốn đưa ra một thuyết để cứu nguy cho thiên hạ, mà các vua chúa cũng muốn tìm hiểu tất cả các thuyết để xem có thể áp dụng được không, cho nên trọng đãi các triết gia, mời họ làm cố vấn, coi họ như thầy nữa, như Tề Tuyên vương, Lương Huệ vương, Đằng Văn công đối với Mạnh tử. (Chính Trang tử cũng được Sở Uy vương mời làm tướng quốc mà ông từ chối.) (...) Trong số các triết gia đó, có độ mươi nhà rất nổi danh như Mạnh tử, Tuân tử, Huệ tử, Công Tôn Long, Trâu Diễn… (không kể Trang tử), nhưng ảnh hưởng lớn nhất, theo Mạnh tử, là học thuyết của Dương và Mặc: “Học thuyết của Dương Chu và Mặc Địch lan tràn thiên hạ khi bàn bạc, người nào không theo Dương thì theo Mặc” (...) Những học phái đó đả kích nhau, khuynh loát nhau, cho nên càng nhiều càng loạn, từ vua chúa tới dân chúng đều hoang mang, không biết theo ai. Mạnh tử hăng hái nhất, tự cho mình cái sứ mạng bảo tồn, phát huy đạo của Khổng tử, muốn đánh đổ các thuyết khác, đặc biệt là thuyết “vị ngã”, “vô quân” của Dương Chu và thuyết “kiêm ái”, “vô phụ” của Mặc Địch (...) Trang tử cho rằng họ lầm lẫn hết, nên ông không đả riêng một nhà nào (có lẽ một phần vì vậy mà Mạnh tử không nhắc gì tới ông cả), chỉ cảnh cáo họ rằng biện luận chẳng những vô ích mà còn có hại (...) Vì biện luận chỉ thấy được một khía cạnh thôi (...) càng tranh biện, càng làm cho chân lí mờ tối đi, vì thành kiến của mỗi bên (...)

- Tư tưởng bình đẳng tuyệt đối (...) của Trang tử trái ngược hẳn với tư tưởng của Mạnh tử mà cũng khác tư tưởng của Hứa Hành, một triết gia đương thời (...) Mạnh tử bảo: “Bản chất của mọi vật là không đều nhau” (Phù vật chi bất tề, vật chi tinh dã). Người thì có hạng “quân tử” – tức hạng có tài đức – lo việc trị dân, và hạng “tiểu nhân” – tức hạng bình dân – lo cấp dưỡng cho hạng trên. Vật thì có vật đáng giá gấp mười, gấp trăm, gấp ngàn, gấp vạn vật khác (...) Hứa Hành cho rằng vua không quí gì hơn dân, cũng bình đẳng với dân, cũng phải cày cấy lấy mà ăn, tự dệt chiếu, tự bện dép lấy mà dùng (...) Hai nhà đó đứng về phương diện xã hội, chính trị, còn Trang đứng về phương diện bản thể luận (...) Mạnh tử đả đảo kịch liệt thuyết của Hứa Hành (coi chương Đằng Văn Công – thượng – trong Mạnh tử) mà tuyệt nhiên không nhắc gì tới thuyết (tề vật) của Trang tử, có phần quá khích hơn Hứa Hành nữa. Điều đó làm cho tôi hơi ngạc nhiên. Mạnh tử không biết thuyết của Trang tử chăng? Hay mà biết mà cho rằng nó vu khoát, không thuộc về chính trị luận mà thuộc về vũ trụ luận, chẳng làm hại ai, nên chẳng cần phải đả?


(Nguyễn Hiến Lê,
Trang tử và Nam Hoa kinh)