Nguyễn Từ Chi, “Rồng Lý, Trần, Lê, Nguyễn”




Từ khi ra đời cho đến mãi gần đây, con rồng Việt đã trải qua nhiều thăng trầm, đã nhiều lần biến dạng với các chặng đường lịch sử tiếp nối nhau của dân tộc.

Có thể nói rằng con rồng thời Trần là một biến điệu của con rồng Lý (…) từ Lý qua Trần, nó chỉ thay đổi ít nhiều chi tiết (...) kém nuột nà, nhưng lại gần gũi ta hơn trong phong cách thể hiện. Đến cuối Trần (…) lần đầu tiên, ta bắt gặp con rồng trong trang trí của một vài ngôi chùa làng.

Đến Lê sơ (…) con rồng trở lại cung đình: không mấy khi nó còn có mặt trong trang trí chùa làng nữa. Với sự thành lập một chế độ (quân chủ chuyên chế) kiểu mới, trong đó Nho giáo bắt đầu thay chân Phật giáo ở địa vị ý thức hệ chính thống (...) giai cấp thống trị (...) hướng lên phương Bắc (...) Con rồng, biểu tượng của vương quyền (...) cũng bị Bắc phương hóa (...) Từ cuối Trần, con rồng Việt đã bắt đầu tiếp thu bộ sừng và đôi tai của con rồng Tàu rồi, nhưng phải từ Chiêu Lăng (lăng Lê Thánh Tông, ở Thanh Hóa) thì rồng Minh mới ngự ngay trên trán bia và quanh khung bia.

Thế kỷ XVI, với cuộc phân tranh Lê - Mạc kéo dài (...) đồ án rồng (trải qua) một thời kỳ phân hóa cao độ. Ta thấy dần dần xuất hiện ba loại hình rồng: loại hình thứ nhất còn giữ được nhiều hơi hướng Lý – Trần, loại hình thứ hai gần hệt loại hình phương Bắc đương thời, loại hình thứ ba trộn lẫn các yếu tố ngoại lai và bản địa (…) Mẫu số chung cho cả ba loại hình là mức độ dân gian hóa của đồ án. Rồng Mạc (…) khá phổ biến trên kiến trúc tôn giáo ở nông thôn. Rồng bắt đầu làm đẹp cho lọ gốm, chân đèn v.v. Cho đến lúc này, đồ án rồng (...) vẫn “xuất hiện dưới dạng nghiêm chỉnh, uy nghi, trong một bố cục quy phạm” (...)

Từ thế kỷ XVII (Lê trung hưng), nhất là trong thế kỷ XVIII (Lê mạt) (...) khi thế lực (của triều đình) suy yếu đi nhiều (...) đồ án rồng (...) thực sự được dân gian hóa (...) về đến thôn xã, đậu trên kiến trúc đình làng trong “những tư thế thoải mái hơn (...) thậm chí nghịch ngợm (...) trong một số trường hợp nó còn đùa cợt với những con vật “tầm thường” (...) Chồn, sóc, thạch sùng v.v. bắt đầu nô giỡn trên râu rồng ở đền Phù Đổng (Hà Bắc), ở đình Thổ Hà (Hà Bắc), ở đình Liên Hiệp (Hà Tây)...

Rồng Nguyễn (...) na ná rồng Thanh. Điều này không có gì lạ. Vì (...) nhà Nguyễn (...) hướng hơn bao giờ hết về (...) phương Bắc (...) đặt ra những hạn chế khe khắt, xếp hạng rồng tùy theo số móng, cố níu lại cho đồ án này ý nghĩa đề cao vương quyền (...) (nhưng) không thể ngược dòng lịch sử (...) giữ lấy con rồng riêng cho vua nữa. Đến Nguyễn, thì con rồng (...) vào cả nhà tư, dưới những dạng ít nhiều ngụy trang: trúc hóa rồng, cá chép hóa rồng, rồng lá, rồng mây v.v. Rồng bây giờ có mặt khắp nơi, phồ biến đến độ có thơ hài hước: “Đứng lại làm chi cho mất công / Vừa đi vừa đái vẽ nên rồng”.


(Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2003. Nhan đề phần trích tạm đặt.)