Tô Hoài có hai bài viết về tết rằm tháng tám. Trong bài in vào Chuyện cũ Hà Nội, ông kể vừa chuyện ăn tết rằm ở quê mình vừa chuyện xem múa sư tử ở Hàng Đào. Trong bài in vào Giấc mộng ông thợ dìu, ông chỉ kể về cái tết quê.

Trích văn sau đây chủ yếu từ bài viết thứ hai, nhưng cũng có vài đoạn từ bài viết thứ nhất (in nghiêng).

(Thu Tứ)



Tô Hoài, “Tết rằm”





Ảnh khuyết danh



Ảnh khuyết danh


Lạ thay, trong một năm, trời đất đến quãng ấy vừa đẹp vừa dễ chịu (...)

Mùa thu trời xanh trong, làn mây trắng tơi trôi bồng bềnh. Ngoài đồng xa, gió giải đồng thổi vào, đem theo hơi mát và mùi lúa đương chín. Chân tay chúng tôi cứ nhẹ tênh, hoa lên từ trong cổng chạy ra (...)


Tôi nhớ lại những tết rằm tháng tám quê tôi xưa ở cái xóm nhỏ ven thành bên hồ Tây (...) Người ta gọi thân mật là tết rằm (...)

Tết Nguyên Đán (...) của mọi người, tết mùng năm cũng tết trẻ con, (trẻ con) được đeo bùa túi, nhuộm móng tay móng chân đỏ bằng lá móng rồi bôi vôi vào rốn và chén quả mận, quả dưa, uống nước dừa tha hồ. Nhưng mùng năm tháng năm chỉ có một buổi sáng, tết chóng quá. Tết rằm tháng tám có những mấy tối đánh trống, gió mát trời sáng trăng (...)



Ảnh khuyết danh


Tôi kể ra đây cả các thứ trong tết rằm. Ngày ấy không phải nhà ai cũng có tiền sắm đủ các thứ ấy, nhưng cứ kể cho đủ lệ bộ mà trẻ nào cũng mong ước.

Trước nhất là cái trống. Không phải trống cái, trống đình, mà cái trống chỉ nhỉnh hơn cái đấu, cái thưng. Mặt trống mới, da bò ngửi còn mùi khét thú vị, lại có miếng da làm quai xách, tang trống bôi phẩm vàng nghệ. Cái dùi trống vót lấy chỉ to hơn chiếc đũa.

Trống được mẹ mua từ phiên chợ trước. Trẻ con, nhất là con trai, thích chơi trống. Tiếng gõ tong tong khắp xóm, rộn rã vui tai suốt ngày đến tận tối.



Ảnh khuyết danh


Rồi đầu sư tử. Không phải to như cái xảo đại, cái thúng đại có người chui vào múa, có người cầm vạt đuôi, có người múa ngọc như đám rước sư tử, đêm rằm giật giải ở chợ. Mà đây là cái đầu sư tử giấy bồi, chụp lên đầu như úp cái rổ. Ấy vậy mà cũng nhấp nhoáng trang kim, hai mắt lồi long lanh với bộ râu trắng không biết bằng rễ cây gì.

Chặp tối, tụ tập đầu xóm, những đứa có đầu sư tử đem ra múa vờn nhau trong tiếng trống đánh giục giã.

Ông tiến sĩ mẹ mua về chỉ bằng cái khay con con. Nhưng cũng áo thụng giấy vàng, thắt đai, mặt gỗ trắng phếch, đội mũ cánh chuồn, có cờ đuôi nheo cắm đằng trước, lọng che sau lưng (...) Mẹ mua cho tôi ông tiến sĩ có ý cầu mong cho tôi học hành tấn tới cho ngày sau thành ông tiến sĩ.

Trên chợ bán nhiều đèn lắm. Đèn ông sao, đèn củ ấu, đèn trống, đèn mũ ông sư, đèn con thỏ. Mẹ mua cho hai cái đèn xếp rẻ tiền bằng giấy đỏ, ở giữa cắm cây nến đỏ (kiêng chơi nến trắng). Chặp tối, đứa nào cũng đem đèn ra ngõ. Tiếng trống múa sư tử, các kiểu đèn chấp chới như sao sa (...) Chúng tôi chơi rước đèn, trông trăng múa sư tử mấy tối trước đêm rằm.

Nguy nga nhất là cái đèn kéo quân. Trong xóm chẳng nhà ai sắm được đèn kéo quân, mặc dầu có loại đèn kéo quân mỏng manh bốn mặt cũng không đắt mấy. Chập tối chúng tôi kéo lên chợ xem nhờ ở các hàng xén, hiệu tạp hóa.



Ảnh khuyết danh


Cái đèn kéo quân đồ sộ được bầy ở trước cửa hàng, trên một bàn cao. Đèn lục lăng sáu mặt dán giấy tàu bạch. Ngọn nến đỏ ở trong giữa được châm lên, có đèn thắp bằng đĩa dầu lạc có bấc. Lửa lên làm gió thổi quay các hình trên vòng ở trong. Có lẽ vì quay vòng thế mà đèn này còn có tên là đèn cù. Ô kìa, hình lên mặt giấy tàu bạch bóng con voi, con ngựa, người quảy lúa, người dắt trâu, nhiều nhất hình người lính tập đội nón chóp, lính nhiều quá, có lẽ vì thế mà đèn này thường gọi là đèn kéo quân.

Chợ tết rằm mới có hàng bán bánh dẻo, bánh nướng. Bánh nướng làm ở đâu đem ra bày bán. Bánh dẻo thì nhào bột, đóng bánh cho người ta mua ngay đấy. Mẹ mua hai chiếc bánh dẻo về bày cỗ.

Mỗi nhà một mâm cỗ trên bàn hay chõng. Mâm cỗ nhà tôi bày trên án thư. Chẳng có mấy thứ, nhưng thủa ấy trông đã sướng mắt. Cái đèn xếp vẫn xách đi chơi được treo lên vách, ngọn nến đỏ sáng le lói. Lại đốt mấy xâu hạt bưởi phơi khô cháy như nến, chỉ phải cái khói và khét, nhưng mà người ta đương thích thì chẳng để ý.



Ảnh khuyết danh


Giữa bàn cỗ, ông tiến sĩ ngồi chễm chệ. Cái trống để dưới chõng, chốc lại gõ mấy tiếng tong tong vui vui. Hai chiếc bánh dẻo phong giấy điều đặt hai đầu bàn. Bốn quả bưởi vỏ đỏ bốn bên, hai quả bưởi đào đã bổ sẵn bóc cùi chốc nữa phá cỗ thì chén. Trên bàn la liệt những mía đỏ đã được tiện khẩu lại bổ đôi như cái mũ ông tiến sĩ, chỉ thiếu hai cánh chuồn.

Đấy, mâm cỗ tết rằm. Chốc nữa khi trăng lên đến ngọn cau thì phá cỗ, được nhai mía, lại ăn bánh, vừa gà gà mắt ngủ, ngoài kia tiếng trống, tiếng hò reo và ánh trăng rằm sáng trắng bạch (...)

Những cái vừa kể là tết rằm của trẻ con. Người lớn có tết Trung thu không? Có chứ. Nhà nhà mua thịt lợn, giết gà, thổi xôi, trên giường thờ thắp hương cúng. Nhà tôi quấy nồi bánh đúc lá giềng xanh lét. Mẹt bánh đúc đặt ra giữa sân. Ốc nhồi hồ Tây tháng tám đương béo, mẹ mua về bung một nồi với chuối xanh. Bữa cỗ tết rằm, cả trẻ con người lớn cùng vui chơi trăng.

U tôi bưng dưới bếp lên một rổ ốc luộc còn nghi ngút khói. Có nhà làm bún ốc, chuối xanh bung ốc nhồi, ăn với bánh đúc xắt từng miếng. Mẹt bánh đúc to bằng mặt trăng trên kia. Bánh đúc quấy với lá gừng, xanh mát mắt. U tôi đã mua mớ ốc vặn từ phiên chợ trước, đem bỏ vào chậu nước vo gạo. Ốc ngâm nước vo, nhả hết bùn nhớt, ốc mỡ màng hơn. Ốc vặn, ốc bươu luộc rồi lấy gai bưởi nhể ra, chấm nước mắm giấm ớt giã vào một miếng gừng cay, vừa ăn vừa húp giấm, suýt soa. Tháng bảy, tháng tám ăn ốc hồ Tây trông trăng lại nhớ mùa này, ốc các đầm hồ đương béo. Chúng tôi châu đầu nhể ốc (...) khói luộc đượm mùi lá chanh bốc hơi thơm ngát.




Ảnh khuyết danh




Ảnh khuyết danh



Ảnh khuyết danh