Đọc mấy đoạn văn sau đây, nhớ Nguyễn Hiến Lê rồi nhớ Thôi Hộ.(1)

Nhớ cả Thế Lữ: “Cái thủa ban đầu lưu luyến ấy...”.

Thực ra đây còn trước “thủa ban đầu”. Chỉ mới là “họa sĩ đi tìm cảnh đẹp”. Tuy “cảnh” cứ “động trông thấy bóng anh chàng là lẩn vào nhà”, nhưng cũng không khỏi bị “ký” thành nhiều bức. Tiếc, “con gái hái hoa” chưa kịp thôi lẩn thì đã phải rời khỏi vườn hoa rồi...

(Thu Tứ)

(1) Xem bài Hoa Đào Năm Trước của Nguyễn Hiến Lê.



Thanh Châu, “Con gái hái hoa”





Ảnh khuyết danh


Một buổi trưa – hồi đó Lê Chất hai mươi bốn tuổi, còn là họa sĩ nghèo mới ở trường ra – một buổi trưa đạp xe về các vùng lân cận Hà Nội, Lê Chất rẽ vào làng Mọc với giá vẽ buộc trên xe. Người thanh niên ấy đi tìm cảnh đẹp.

Mà cảnh đẹp đây là một thiếu nữ chàng mới gặp chiều qua.

Đến gần một ngôi nhà cũ kỹ, trông ra dáng biệt thự dùng làm chỗ nghỉ ngơi của một quan hưu, Chất hãm xe, nghển cổ nhìn qua một hàng rào cây tốt um tùm. Chiều qua, lúc Chất đạp xe qua đó, tình cờ liếc mắt vào nhà, bỗng thấy một thiếu nữ đứng trên một chiếc ghế cao, đang với tay lên những dây hoa đỏ trên giàn nứa. Người con gái mặc áo cánh lụa cụt tay, hở cổ, để lộ một màu da khỏe mạnh, như thứ da thường ra nắng của những cô gái nhỏ. Hai má ửng hồng, vài sợi tóc trên vừng trán, cảnh “con gái hái hoa” ấy như một bức tranh thu hút khiến người họa sĩ phải dừng chân ngắm không chán mắt. Khuôn mặt đều đặn, vẻ đẹp thông minh, nhất là đôi môi có một nét vẽ lạ, đó là thứ nhan sắc hiếm hoi, ai trông thấy một lần đều in sâu trong trí nhớ. Thiếu nữ vô tình, bận gỡ hoa trên giàn đã để Lê Chất có thì giờ nhìn ngắm kỹ. Đến khi cô gái bước xuống đất, sắp vào nhà, đưa mắt nhìn ra đường thấy có người đứng nhìn mình, mới cau mày tỏ vẻ không bằng lòng.

Nhưng từ hôm đó, hôm nào họa sĩ cũng đạp xe vào làng Mọc, giá vẽ buộc trên xe, mà chẳng vẽ bao giờ, vì còn bận quanh quẩn gần biệt thự. Thiếu nữ động trông thấy bóng anh chàng là lẩn vào nhà.

Lê Chất chỉ được trông thấy nàng vài lần nữa rồi thôi, bởi ngôi nhà hình như sau đó không có người ở nữa, ngày nào cũng chỉ thấy có một ông già cuốc cỏ trong vườn.

Rất lâu, Lê Chất mơ màng đến người thiếu nữ. Anh cố nhớ lại khuôn mặt, thân hình, hai cánh tay đẹp để trần, nhất là đôi môi của thiếu nữ. Anh đã vẽ nhiều bức ký họa cất trong an-bom để ghi giữ lại, rồi dần dần cũng quên đi...


(Trích "Hoa ti-gôn". Nhan đề phần trích tạm đặt.)