Nguyễn Từ Chi, “Về con rồng Lý”




Cho đến nay, chưa ai phát hiện được một đồ án rồng của những thời trước Lý. Nếu quả thực con rồng ta chỉ mới xuất hiện từ thời này với tư cách là một hình tượng nghệ thuật thì, lạ thay, ngay từ buổi mới ra đời nó đã được quy phạm hóa ngay: về mặt kết cấu tạo hình mà nói, con rồng Lý nào cũng hầu như con rồng Lý nào (...) Mặt khác (...) ta chưa thấy con rồng Lý xuất hiện ở những nơi nào khác ngoài các di tích gắn liền với (…) vua, chủ yếu là tại những công trình kiến trúc vừa là chùa vừa là hành cung. Tính quy phạm và tính cung đình không loại trừ nhau; trái lại (...) ta dễ dàng lấy tính này để giải thích tính kia (...)

Đồ án rồng thời Lý (...) mang trong kết cấu của nó đôi nét ngoại lai (...) cái vòi dài trên mồm, mà ta có thể tạm ngỡ rằng những nghệ sĩ thời Lý đã vay mượn từ cái vòi của con makara thường thấy trong nhiều nền mỹ thuật ở Đông Nam Á (và) tư thế cũng như vị trí của bốn chân rồng (…) có thể nhận ra nguyên mẫu nơi con rồng Tống (…) Nhưng (trong khi) từ Chiến Quốc cho tới Nam Tống (...) thân con rồng phương bắc cơ bản là thân của một con vật bò sát có bốn chân, thuộc loại kỳ đà, thì thân rồng Lý rõ ràng là thân rắn, với những khúc cuộn được nhấn mạnh để thể hiện chuyển động đặc thù của loài rắn (...) Bốn chân của con rồng Lý (...) hướng về (...) chân gà (...) trong khi chân rồng Tống là chân của loài bò sát (...) Đầu rồng Tống có sừng có tai; đầu rồng Lý không có, nhưng lại được bổ sung bằng cái vòi dài (...)

Khác biệt giữa thân rồng Lý và thân rồng Tống (...) có tầm quan trọng lớn lao (...) có thể định vị trên bình diện ý thức hệ. Căn cứ vào các tài liệu khảo cổ học và dân tộc học, ta biết rằng con rắn vốn là biểu tượng có sẵn trong vũ trụ luận của nhiều cộng đồng cư dân ở Đông Nam Á thời cổ. Dù xuất hiện dưới dạng rắn hổ mang có nhiều đầu, như hình tượng naga mà người Khơ-me và người Chàm cổ đã tiếp thu của nền văn minh Ấn-độ, hay dưới dạng rắn nước có mào trên đầu, như hình tượng khú trong vũ trụ luận Mường, hay “ông Dài – ông Cụt” trong tín ngưỡng dân gian Kinh, thì con rắn ở Đông Nam Á vẫn là biểu tượng của thế giới bên dưới, thế giới của bóng tối, của những tiềm lực (...) phải chờ xúc tác của những sức năng nổ thuộc thế giới trên trời mới có thể dấy lên thành sức mạnh phồn thực, sức sinh sôi nẩy nở của thiên nhiên (...)

Phải chăng, để xây dựng (...) biểu tượng của vương quyền (...) (nghệ sĩ cung đình) Lý đã thông qua (...) những nghệ sĩ bình dân đương thời mà tiếp nhận hình ảnh con rắn vốn có từ trước trong vũ trụ luận dân gian của người Việt, rồi thêm vào (...) một số chi tiết vay mượn từ các nền mỹ thuật láng giềng? (...) Có lẽ chính trên cơ sở những suy nghĩ tương tự, mà gần đây, một nhà lịch sử mỹ thuật đã viết về con rồng Lý như sau: “Con rồng là hình tượng tổng hợp những nếp suy nghĩ chắc hẳn lâu đời nhưng trước kia e còn tản mạn của người Việt (...) về nguồn sức mạnh hộ trì cho (...) muôn người muôn vật” (nhà nghiên cứu này là Trần Mạnh Phú, ý kiến phát biểu năm 1974).

Được nạp sẵn ngay lúc ra đời một liều lượng nhân bản tính tiếp nhận từ tiền thân của nó, con rắn phồn thực, rồng Lý, dù là một biểu tượng của vương quyền cũng không thể xuất hiện (...) hung hãn, dọa nạt, như con rồng Tống. Rất nghiêm chỉnh vì đã sớm được quy phạm hóa, nó vẫn phơi phới cuộn mình giữa những viên ngọc lửa, những nền hoa dây, những tinh thể. Đấy, cái thoải mái rất dân gian trong phong cách, mà cung đình vẫn giữ lại trên con rồng Lý!


(Nguyễn Từ Chi,
Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, nxb. Văn Hóa Dân Tộc, 2003)


Ảnh sưu tầm:






Gốm Lý - ảnh Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam