Từ năm 1952, nhà nghiên cứu Mỹ Carl Sauer đã cho rằng cư dân của văn hóa Hòa Bình là những người biết thuần hóa thực vật đầu tiên trên thế giới.

Năm 1971, Wilhelm G. Solheim II phát biểu: "Tôi đồng ý với Sauer rằng việc thuần hóa thực vật xảy ra đầu tiên trên thế giới là do cư dân của văn hóa Hòa Bình, ở một nơi nào đó trong vùng Ðông Nam Á. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu biến cố này có niên đại sớm hơn năm -15000."(1)

"Ý kiến của một số nhà nông học Việt Nam" mà Lê Xuân Diệm dẫn dưới đây phù hợp với ý của Sauer và Solheim II.

(Thu Tứ)

(1) Bài
New Light on a Forgotten Past, đăng trên tạp chí National Geographic, Mỹ, số tháng 3 năm 1971.



Lê Xuân Diệm, “Thuần hóa lúa dại”



(...) theo ý kiến của một số nhà nông học Việt Nam, cư dân văn hóa Hòa Bình còn thuần hóa được lúa dại. Họ đã tạo nên giống lúa tẻ để trồng mà dấu tích còn thấy được khá nhiều trong các di tích hang Xóm Trại (Lạc Sơn - Hòa Bình), một di tích có niên đại C14 phổ biến từ 16000 - 18000 năm (các lớp dưới) (...) Những vết tích lúa ở đây còn lưu lại dưới dạng những vỏ trấu, hạt gạo cháy. Chúng nằm rải rác trong các lớp cư trú từ độ sâu 1m trở lên. Trong đó, tại các lớp trầm tích phía dưới hầu như chỉ thấy tàn tích những vỏ trấu, hạt gạo cháy dạng thon là loại lúa tẻ dạng mới được thuần hóa từ loại lúa dại hạt thon mà ngày nay còn thấy mọc rải rác trên cánh đồng Ðiện Biên (Lai Châu). Từ độ sâu 0,40m trở lên, vết tích vỏ trấu và hạt gạo cháy khá đa dạng, có loại hạt bầu (và có thể có cả hạt tròn) và dạng lúa nếp. Ðáng chú ý là, khi so sánh một loại lúa dạng hạt thon mới thuần hóa với hạt lúa dạng thon trong di tích văn hóa Hòa Bình có tên Thung lũng Cây Ða (Thái Lan) có niên đại C14 vào khoảng 10000 năm cách ngày nay thấy chúng rất giống nhau.


( Lê Xuân Diệm, "Những lớp cư dân đầu tiên", tức chương VII trong
Lịch sử Việt Nam, tập I, nhiều tác giả, Hội đồng Khoa học Xã hội TPHCM, Viện Khoa học Xã hội tại TPHCM, nxb. Trẻ, VN, 2001, tr. 276-277)





___________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.