Nhà văn viết được tác phẩm hay thì cả dân tộc có thêm thành tích, chứ đâu phải chỉ riêng nhà văn thêm thành tích. Bất cứ ai phát huy năng khiếu riêng của mình tự nhiên cũng là đóng góp vào sự nghiệp chung. Nước yên thì ai nấy cứ tha hồ làm cái việc mình nghĩ mình có thể làm giỏi. Nhưng hễ nước xẩy chuyện lớn thì mọi người phải dẹp hết những theo đuổi riêng tư mà cùng chung sức giải quyết chuyện lớn. Đại sự thành rồi, bấy giờ từng cá nhân lại tha hồ thi thố tài riêng. Ấy là lý tưởng. Còn thực tế, như trường hợp Nam Cao, ngày đuổi xong giặc Pháp ông có còn đâu nữa mà bắt tay vào việc “viết cái tác phẩm lớn của đời tôi”. Nói chi đến viết. “Tôi (nghĩ) đến vợ con. Những ngày nghèo khổ sống bên nhau. Ngày trở về, gặp nhau... Khao khát được ôm chặt lấy thằng Thiên gầy một cái. Ngoạm cái chân múp míp của thằng Thành đang chúi mặt vào vú mẹ. Vuốt ve mái tóc mềm của con Hồng...”. Sao Nam Cao lại không có ngày trở về, hở ông Trời? (Thu Tứ)



Nam Cao, “Nhật ký ở rừng” (6)




2-3-48 - Từ hôm ra báo, bận việc nhiều, quên hẳn việc ghi nhật ký. Vả cũng chẳng có gì nhiều đáng ghi.

Mỗi ngày ngồi cặm cụi viết bài. Từ bài "phòng" đến một cái tin vặt đều phải cố viết sao cho thật ngắn, thật dễ hiểu, viết xong đưa cho một chú giao liên Thổ đọc trước, hỏi xem có hiểu cả không. Chỗ nào chú không hiểu, viết lại. Chữ nào chú chưa quen thay bằng chữ khác.

Đã từ lâu, tôi mong ước có một tờ báo nhỏ, hợp với trình độ của người mới biết đọc, nghĩa là với số đông. Trước ngày toàn quốc kháng chiến ít lâu, tôi đã bỏ Hà Nội, về một tỉnh nhỏ để làm một cuộc thí nghiệm xem sao. Nhưng tôi đã không tìm được đủ phương tiện để làm. Dịp may mắn cho tôi thử thực hành đã đến đây. Tôi làm rất chăm chú, rất ham thích cái công việc mà giá bốn năm trước đây người ta bắt tôi làm, tôi có thể điên người lên được. Hồi ấy, tôi viết văn để cho người ta biết đến cái tên tôi. Tôi ao ước tạo một cái gì nó sẽ sống lại sau tôi. Tôi thèm lời khen của các bạn văn, của những kẻ sành văn, của những nhà phê bình có tiếng. Những người ấy là tất cả. Tôi không hề quan tâm đến sự được những người sơ học đọc. Họ đọc để làm gì? Họ hiểu thế nào được văn chương? Và văn chương có ích gì cho họ? Họ muốn giải trí thì đã có đố mười, lắc đĩa v.v. Họ không cần đến sách.

Tôi đã nghĩ đến tôi nhiều quá. Sau cuộc Cách mạng tháng Tám, càng ngày tôi càng thấy rằng cái "tôi" của mình thật ra chẳng nghĩa lý gì. Nó có một chút giá trị nào là khi nó biết hòa hợp nó vào với những người chung quanh. Nhiều khi phải biết quên mình đi, quên cái tên tuổi mình, nếu muốn thành một người có ích. Có cần gì phải cầy cục tìm cách ghi tên mình lại trong lịch sử? Tạo ra lịch sử là một việc lớn lao hơn. Nhưng tạo ra lịch sử lại là sự nghiệp của số đông. Ta nên nghĩ đến số đông nhiều hơn ta. Tôi đã cố gắng rất nhiều và vẫn còn đang cố gắng để có thể thích những công việc nhũn nhặn, thầm lặng, nhưng có ích.

Tôi biết tôi còn phải cố gắng nhiều lắm nữa. Vẫn còn những lúc thằng nghệ sĩ cũ trong người tôi vùng dậy. Tôi chợt thấy buồn rầu vì luôn mấy năm nay không viết được một tác phẩm nào khiến cho các bạn tôi nhắc nhở. Hết làm chủ tịch làng thì lại đi tuyên truyền lưu động, làm báo i tờ! Bao giờ đây, cuốn tiểu thuyết lớn, không mấy đêm tôi không nghĩ đến, luôn mấy năm nay?

Nhưng cái tác phẩm mơ ước ấy, có phải tận đến bây giờ tôi mới phải gác nó lại đâu? Tôi đã gác nó lại ngay từ ngày nó mới chớm nở trong óc tôi. Phần lớn thì giờ của tôi trước đây đều dùng vào việc viết những truyện ngắn, truyện dài tôi không vừa ý một chút nào nhưng lại giúp tôi moi được tiền của bọn buôn văn, để đem về nuôi cái thân tôi và nuôi vợ, nuôi con. Nước mình còn nô lệ thì tiếng nước mình còn bị chê khinh và bọn nhà văn còn bị rẻ rúng, bạc đãi, coi như một hạng người không có cũng chẳng thiệt thòi gì. Tôi đã làm ngược hẳn ý muốn của tôi, chỉ vì cần duy trì đời sống của tôi. Sao tôi lại không thể dằn cái ý muốn kiêu căng của tôi xuống, để góp sức vào công việc "không nghệ thuật" lúc này chính là để sửa soạn cho tôi một nghệ thuật cao hơn. Nếu tôi có đủ tài để viết cái tác phẩm lớn của đời tôi, nó sẽ được hàng chục triệu người đọc chứ không phải chỉ vài ba nghìn người như trước nữa.

Chiều chiều, các anh, các chị Thổ ở các lán chung quanh đến lán chúng tôi nói chuyện hay đọc báo. Tôi càng có dịp hiểu trình độ hiểu biết, lời ăn tiếng nói, cách làm ăn và những băn khoăn, mong muốn của họ hơn. Dựa vào đấy, tôi uốn nắn lời văn và tìm ra những đầu đề viết. Nói được một điều thiết thực, đăng được một cái tin làm người ta phải kể lại với nhau, làm được những câu ca dao thật mộc mạc nhưng không đến nỗi thành vè, viết được một bài thật ít lời nhưng vẫn đủ ý và đọc lên đàn bà, trẻ con nghe cũng hiểu, tôi cũng thấy sung sướng như viết được một truyện ngắn chính tôi ưng ý. Đôi lúc, anh em và chính tôi cũng lo rằng lối viết như vậy có thể làm hỏng lối văn tiểu thuyết đã có ít nhiều người thích của tôi. Nhưng số người đọc tờ báo nhỏ của chúng tôi cứ mỗi ngày một tăng lên. Các bạn tuyên truyền, các cán bộ cho biết nó rất hợp với đồng bào ở trên này. Những bạn đọc mới của tôi có đến bốn, năm nghìn. Bốn năm nghìn người này ít ra cũng đọc hay nói lại cho bốn, năm nghìn người khác nghe. Làm sao có thể nói được rằng hàng vạn độc giả trực tiếp lẫn gián tiếp mới này không đáng cho tôi chú ý bằng bốn năm nghìn người đọc những tiểu thuyết của tôi ngày trước. Lúc nào tôi cũng rất băn khoăn về ảnh hưởng những tác phẩm cũ của tôi. Bây giờ đây, tôi thấy yên lòng về những bài cỏn con của tôi hơn. Nó chẳng nói được những điều gì sâu sắc lắm đâu. Nhưng nó làm cho người đọc hiểu biết hơn, tin tưởng vào chính nghĩa của ta hơn; nó khiến họ cũng thấy hăng hái và gợi cho họ những việc họ có thể làm để giúp ích cho cuộc kháng chiến của toàn dân. Tôi chỉ mong có thế.

Ngoài thì giờ viết báo, tôi đọc sách. Chúng tôi tổ chức những lớp học trong nhóm anh em cùng trình độ và mở những lớp huấn luyện cho các anh em trình độ kém ở "cơ quan ẩn". Buổi tối, ngồi bên bếp lửa, tôi dùng lối hỏi chuyện, giảng những điều thường thức về địa dư, lịch sử, chính trị v.v. cho chú giao thông Thổ ở với tôi. Và nửa đêm, trong lúc chú giao thông ngủ, tôi lặng lẽ chui ra khỏi chăn, cầm lấy ống tre đi chân không lần từng bước xuống một cái dốc khá trơn để lấy nước ở một cái vũng nước nhỏ, ban ngày cạn vì nhiều người lấy quá. Từ chủ nhiệm, chủ bút, đến giao thông, tiếp tế, chúng tôi ăn ở với nhau thân mật và bình đẳng, hòa thuận hơn anh em ruột. Vì vậy mà ai cũng hết lòng, cố gắng. Và mặc dầu khí hậu độc, ăn ở khổ, lương rất ít, xa gia đình quê hương, chúng tôi đều vui vẻ và lưu luyến cơ quan lắm. Đồng bào ở chung quanh trông vào có lòng yêu. Nhiều người đem con em nhờ chúng tôi dạy học hay xin cho vào hẳn trong cơ quan, vừa học nghề vừa học chữ. Họ hứa cơ quan đi đâu, họ bằng lòng cho con họ theo đi đấy.

Trong khi ấy, Tư giao thiệp mật thiết với chính quyền, với các đoàn thể dân chúng và đồng bào địa phương. Anh nhận làm giảng viên các lớp huấn luyện và làm cán bộ phụ trách việc dân trong vùng ấy. Khang mở một lớp dạy in đá và trình bày báo cáo cho anh em tuyên truyền ở mấy tỉnh chung quanh về học. Cuộc đời cũng khá vui. Và cũng chẳng thay đổi gì nhiều. Thỉnh thoảng anh, chị em Mán xuống thăm cho rau cải, nấm hương, hạt bí, sắn, gừng hay thịt gấu.

Chúng tôi gọi đùa trên Mán là nhà quê của chúng tôi. Tết đến, Tư và tôi phải cố bỏ một ngày "về quê" đi chúc tết cả mọi nhà. Vớ được trong cái va-li của một anh bạn gửi, mấy cái kiềng, xuyến mạ vàng, chúng tôi đem theo làm quà cho mấy cô con gái chưa chồng và lũ trẻ con. Những bà mẹ trông thấy mừng rú lên. Thịt lợn sống để từ hôm não hôm nào ở trong bồ, họ lấy ra xào nấu cho chúng tôi ăn. Cũng phải cố ăn. Anh chàng Tư ăn quá thực thà, đêm hôm ấy bị nôn mửa và đi tả. Tôi nhờ lẩn khéo chỉ ăn toàn đậu nên không việc gì.

Mấy ngày nghỉ tết, tôi dùng để viết một truyện ngắn cho đỡ nhớ. Truyện "Tiên sư thằng Tào Tháo!". Nhưng sau tôi đặt cho nó một cái tên giản dị và đứng đắn: "Đôi mắt".

6-3-48 - Lợi nhận được thư nhà. Vùng ấy lập tề rồi. Thế là nửa năm giời, thằng Tây nhích được vừa đúng một làng! Nhưng nếu nó tiến song song cả hai mé sông như truớc, thì làng tôi cũng ở trong vùng địch mất rồi. Tôi nghĩ đến bố mẹ, anh em, nhà cửa, ruộng vườn. Tôi nghĩ đến các đồng chí thanh niên. Các anh có còn giữ vững được tổ chức không? Các anh hãy bảo vệ lấy làng yêu quý của chúng ta...

Hồi Tây, tôi ghét làng tôi. Từ ngày độc lập, tôi thấy yêu làng tôi tha thiết. Khang và Tư đã khổ lắm vì cứ phải nghe tôi kể lại chuyện làng tôi và chuyện các anh thanh niên làng tôi.

7-3-48 - Trời mưa. Lớp này mưa nhiều quá. Vắt vào tận trong nhà.

Tôi xắn cao quần, mặc áo mưa, chống gậy đi sang một làng bên, nói về tình hình thế giới và trong nước cho một lớp huấn luyện, thay Tư có việc vừa về xuôi.

Hơn hai chục học viên vừa trẻ, vừa già. Toàn anh em Thổ, Mán. Có người đã ngoại năm mươi, bệ vệ như chánh tổng. Hầu hết, chỉ biết vừa đủ tiếng Kinh. Giảng cách nào đây?

Tôi rất sung sướng khi thấy đôi mắt rất chú ý của một đồng chí có tuổi đột nhiên loè sáng vì hiểu được điều tôi nói. Đến giờ nghỉ, đồng chí ấy vui vẻ bảo tôi:

- Giờ tôi mới được biết đấy. Trước kia không hiểu gì đâu. Không có báo đọc. Đọc không hiểu hết.

9-3-48 - Vẫn ở lớp huấn luyện. Ngồi bếp, hút thuốc lào, nói chuyện với anh em (...) Các anh kể lại những chuyện Pháp khủng bố ngày xưa...

- Người đi hoạt động khổ một phần, người ở nhà khổ mười phần. Nhưng đến lúc chúng nó đem gia đình các cán bộ tập trung cả vào một chỗ để giam giữ, thì các cán bộ không cần gì nữa. Không lo cho gia đình nữa. Càng hoạt động già (...)

16-3-48 - Mới nắng được ba ngày, lại mưa. Mưa nhiều quá. Mùa xuân miền núi là mùa của mưa và của vắt. Không có sách thì buồn chết được! (...)

19-3-48 - Vẫn mưa. Đêm qua càng mưa dữ dội hơn. Bị nước lọt qua màn rỏ vào mặt, tôi thức giấc, quay đầu lại phía chân. Cố thu hẹp người lại để tránh nuớc từ trên mái nhà dột xuống. Rất lâu không ngủ được. Mưa đến từng đợt như đợt sóng. Ào ào rồi ngớt, rồi lại ào ào, rồi lại ngớt. Nước không gõ trống trên lá nữa. Nước chảy thành thác trên lá rậm. Dòng suối dưới gầm sàn như một cái nhọt vỡ mủ, ăn loang trong đêm tối.

Ôi chao! Cái giống bọ vô hình ở cái chăn bông rách bò ra, ngứa ran trên mặt, trên cổ. Không sao ngủ được. Cố nhiên là lại nhớ đến Liên, nhớ các con. Những lần mưa trong đời mình. Đời mình như toàn mưa cả. Mưa vào những dịp quan trọng. Mưa vào những ngày bước ra đi. Mưa! Mưa! Cái đêm mưa trên thuyền mía. Những đêm mưa nhà dột trong cái lều nhà bà cụ Xoan...

Nhưng mỗi lúc ngớt mưa, lại nghe tiếng súng nổ ran. Tiếng súng đã nổ ran suốt ngày hôm qua, mặc dầu mưa. Trong cái đêm mưa tầm tã này, súng vẫn nổ như thường. Súng không biết có giời mưa. Lòng súng không ỉu xịu bao giờ. Ôi súng! Ôi những cây súng thép! Ôi những anh vệ quốc quân! Tôi biết các anh nhiều khi phải nhịn cơm ăn cháo, đứng dưới mưa suốt ngày, suốt đêm mà đánh giặc. Lòng các anh cũng là lòng súng thép. Mưa có bao giờ làm ỉu xịu một tấm lòng bằng thép tôi già. Tôi xấu hổ cho tâm hồn ủy mị của tôi. Vẫn chưa mạnh hẳn ư? Các anh! Các anh chiến sĩ không tên! Các anh hãy dạy tôi biết hy sinh, biết chiến đấu, chiến đấu lặng lẽ, chiến đấu không nghĩ gì đến tên mình, không nghĩ gì cả đến thân mình nữa. Các anh hãy rọi vào lòng tôi ánh nắng rực rỡ trong đôi mắt và cõi lòng của các anh. Lòng tôi vẫn còn u ám lắm. Những đám mây đen xưa cũ vẫn còn lởn vởn. Các anh hãy quét sạch chúng hộ tôi. Quét sạch! Để cho tâm hồn quang quẻ và mới hẳn!....

Súng vẫn nổ ròn. Tôi lắng tai, cố nghe tiếng súng. Tiếng súng máy cười khành khạch. Hôm qua hai lính Pháp ở Phú Thông ra hàng. Chúng nó chịu làm sao nổi cảnh u ám và những ngày mưa ở miền rừng! Chúng nó chịu làm sao nổi cảnh ăn cháo đánh nhau! Mưa! Mưa! Mày cứ mưa mãi cho tao! Chúng nó sẽ còn ra hàng nhiều nữa.


(Trong
Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1977)