Giò lụa lá chuối, cốm lá sen, bánh chưng lá dong, nem chua lá vông lá ổi, cơm nắm mo cau... Cái dùng để gói ngày xưa không trơ trơ như giấy như nhựa mà tích cực góp phần làm miếng ngon thêm ngon. Nó là những thứ “gia sắc”, “gia hương” tế nhị! (Thu Tứ)



“Cơm nắm”

Băng Sơn







Ðêm trở trời, nằm trong nhà bỗng nghe đánh “bộp” ngoài sân. Mẹ lụi cụi ra nhặt tầu cau vừa rụng, cắt bỏ phần lá để đun, còn cái mo cau giữ lại, cất đi. Ngày con đi xa mẹ lấy tấm mo cau đã khô, đem dấp nước, bới cho con nắm cơm vừa xới ở nồi ra, thơm ngát. Mẹ cũng gói theo một dúm muối vừng gói trong lá chuối tươi đã lau sạch. Vừng thơm lựng (...) vừa bùi vừa ngậy, ăn với cơm nắm nó hợp nhau như cau với trầu, như cốm với hồng, như dưa hành với bánh chưng (...)

Trên chuyến tầu thủy chạy dọc dòng sông mênh mông (...) tôi giở nắm cơm ra ăn (...) Gạo mới thơm ngọt mùi cốm, hòa vào mùi thơm của muối vừng (...) tôi nhai thong thả miếng ngọc thực ấy giữa hơi ngòn ngọt của dòng sông đầy phù sa, giữa hơi của mo cau đã mềm (...)

Cùng khoang tàu với tôi cũng có người giở cơm nắm ra ăn (...) Cách ăn khác nhau. Có người dùng tay bẻ ba tư nắm cơm rồi cầm lên mà cắn những miếng thật to. Có người dùng con dao thật sắc cắt nắm cơm thành từng thỏi nhỏ, vuông vức, trông như những khẩu giò lụa trắng tinh. Nhìn những thỏi cơm đặt bên nhau đều tăm tắp, cảm giác ngon, thèm ăn tăng lên đến mấy lần (...) Nắm cơm mà bẻ ra thì quả là mất ngon. Nó chỉ còn là những tảng những vừng cơm cạnh nồi (...) Phải gọt phải cắt, phải ăn thong thả (...)

Một lần khác tôi đi xa, ngồi nghỉ dưới bóng mát một cây cổ thụ ở lưng đèo. Giở cơm nắm ra ăn, gió đồng đưa hương lúa từ dưới thung lũng lên, gió núi đưa mùi hương cây dại từ trên núi xuống, đất đỏ thấm vào gan bàn chân, cây xanh tỏa bóng mát trên đầu... Càng thấm thía vị cơm nắm mẹ cho mang theo dọc đường xa ngái (...)


1990


(Trích
Thú ăn chơi người Hà Nội của Băng Sơn)