Dĩ nhiên không phải người cách mạng nào cũng gương mẫu được như Nam Cao. Nhưng cũng chắc chắn những trường hợp bê bối chỉ là ngoại lệ, vì nếu không thì đại sự nhất định đã hỏng. “Bao giờ được rồi, các đồng chí lên chơi”. Phải lên lại chứ, không phải để chơi mà để đền đáp xứng đáng cái ơn cưu mang của đồng bào. Lên, rồi ai có “giú nảy au mê cần đông, thu mà” được, càng tốt (nhưng e về cái khoản này thì các cô gái Mán sẽ thiệt thòi với các cô gái Thổ mất). (Thu Tứ)



Nam Cao, “Nhật ký ở rừng” (5)




20-11-47 - Lớp này rau hiếm lắm. Mỗi lần lên, trông thấy chúng tôi, bà cụ lại cười ngượng nghịu:

- Nắm mì phiếc. (Không có rau.)

Bà có vẻ băn khoăn, bịn rịn vì nỗi không có gì để cho chúng tôi ăn. Chúng tôi cười và bảo:

- Cơm với muối cũng ngon, ké ạ.

Bà cười:

- Cơm với muối, ăn khổ lắm. Các đồng chí ở đây, khổ lắm.

Hôm nay bà đem cho chúng tôi một giúm lớn đậu đen. Không giống hẳn đậu đen ở dưới xuôi. Hạt nhỏ hơn. Tôi hỏi nấu thế nào, bà không đủ tiếng để nói cho tôi hiểu. Khang bảo:

- Chắc lại như món đậu nành: rang qua, cho một tí mỡ vào; đổ nước rồi bỏ muối thôi chứ gì?

Mỡ cũng hết rồi. Tôi cho đậu với nước vào, đun rừ, rồi bỏ muối. Chỉ có thế mà vẫn nuốt nổi năm, sáu bát cơm. Từ ngày chui vào rừng ở, phát minh ra nhiều món lạ!

Và cũng phát minh ra nhiều điều lạ nữa. Lạ nhất là chúng tôi thấy rừng núi chẳng có gì lạ cả! Hồi còn ở dưới xuôi, cứ nghe mấy ông hàng xóm đi bè về nói chuyện rừng rú, hổ báo, gấu, trăn là đủ dựng tóc gáy lên rồi. Mình tưởng lên đến rừng là phải ở nhà sàn thật cao, rào giậu thật kiên cố ở chung quanh, đi đâu phải đông người và phải mang theo cái thanh la để dọa hùm, đêm đến muốn đi đái cũng không dám mở cửa ra ngoài, đành cứ đứng ở trong nhà đái! Bây giờ chúng tôi ở những chỗ sâu thẳm trong rừng rậm, chót vót trên đỉnh núi. Nhà ở không bao giờ đóng cửa, vì không có cửa. Nhiều đêm chỉ có hai người. Ði đâu cũng chỉ có hai người, đôi khi lại chỉ một mình tôi. Cầm chỉ một cái gậy nhỏ, để chống mà trèo núi chứ không phải để phòng thân. Thế mà vẫn ung dung như ở trong nhà mình, đi trong vườn nhà mình vậy. Mà “nhờ giời thương thánh độ”, cũng chưa một anh nào trong bọn chúng tôi được táng hàm hổ cả!

Anh chàng Khang ngạo mạn với các ngài chúa sơn lâm, thỉnh thoảng lại hỏi tôi:

- Mẹ kiếp! Chúng nó đi đâu hết nhỉ? Ở rừng hàng nửa năm giời, chẳng trông thấy mặt chú cọp, chú beo nào cả!

Có đêm con Pú, thằng Lý và cả đến con tăm lơ lơ (con chó nhà con Pú) cũng xuống nhà để mo phi (cúng ma), còn trơ lại hai thằng trên lán. Khang cười, bảo:

- Quái lạ! Sao không có hồ ly tinh nào đến trêu chúng mình?

Một lần tôi hỏi Bảo:

- Rừng này có hổ không?

- Ðã lâu không thấy. Năm ngoái có bắn được một con.

- Sao năm nay không thấy.

- Không biết. Hôm nọ bên Pic Cáy bắn được một con. Nó về tha một con bò, người ta biết.

- Có gấu không?

- Nhiều lắm.

- Sao không thấy?

- Mùa rét nó ở nhà, không đi đường.

- Không ra ngoài, nó lấy gì mà ăn?

- Nó không ăn.

- Không ăn, sao sống được?

- Sống, nhưng nó không có mỡ. Ði ăn được, nó nhiều mỡ lắm.

Mấy hôm sau, họ rủ nhau đi giết gấu. Tôi hỏi:

- Ở đâu?

- Ở rẫy đồng chí Quân. Nó đến ăn ngô. Bẫy được.

Chẩn trả lời tôi vậy. Rồi anh hỏi:

- Ðồng chí có thấy nó không?

- Không.

- Nó đi qua lán đồng chí đấy.

- Sao biết?

- Xem vết chân. Nó ở trên núi đi qua đây để xuống rẫy đồng chí Quân. Nó ăn ngô. Ái già! Nó ăn mất nhiều ngô lắm. Ðêm nào cũng ăn.

Khang cười:

- Cũng lạ! Người anh em toàn đi ăn mảnh. Qua nhà mà không vào rủ chúng mình cùng đi, làm mấy bắp nướng ăn.

Chúng tôi bảo nhau: từ rầy coi chừng, đêm đừng lơ mơ ra ngoài mà có khi nát mặt. Nhưng chỉ giữ được mấy hôm, rồi lại cứ ra vào bạt mạng. Và tắc lưỡi:

- Bao nhiêu Giải phóng quân hồi trước, có thấy nói đến một người nào chết vì hùm, vì gấu đâu?

23-11-47 - Ðang sốt ruột mãi chưa ra được báo thì Tư và Tâm lên. Hai cậu mang theo một con vịt, măng khô, một nắm thư, sách báo mới và tin tức.

Quí nhất là tin tức. Quân ta thắng lớn ở sông Lô. Hạ máy bay ở Cao Bằng. Các mặt trận khác cũng lãi rất nhiều. Các anh em đã về đến cơ quan mới đều được vô sự và đã bắt đầu làm việc ngay.

Ở vùng chúng tôi, địch đã bỏ mấy đồn. Ở những đồn còn giữ, chúng chỉ cố thủ, không dám xông xáo nữa. Tiếp tế hoàn toàn bằng máy bay.

Tình hình như vậy, chúng tôi phân tán lắm, chỉ mất thì giờ. Chúng tôi sắp hạ sơn để tiện việc hơn. Cơ quan dự bị.

Khang thấy sắp phải rời chỗ tu tiên, ngày nào cũng đem giá vẽ ra, chăm chú vẽ.

30-11-47 - Nhà in đã có thể bắt đầu làm việc được rồi. Cơ quan nhận tin điện cũng gần xong. Chúng tôi xuống ở nhà đồng chí Chẩn đã hai hôm, đợi ngày trở về làng. Nay mai, báo ra chúng tôi sẽ bận hơn. Có lẽ khá lâu không có thì giờ đến chơi đây. Chúng tôi muốn xuống ở hẳn với họ mấy hôm để được chuyện trò với họ nhiều hơn.

Tối hôm nay, ngồi quây quần chung quanh bếp lửa với gần đủ mặt cả làng, chúng tôi hỏi họ về các đồng chí hoạt động bí mật hồi còn đế quốc. Họ nói đến đồng chí Văn, đồng chí Tống.(1) Họ tả lại mấy trận đánh đồn. Họ hát lại những bài hát cách mạng hồi ấy cho chúng tôi nghe.

Chúng tôi nói với họ về miền xuôi, về Hà Nội, những ngày khởi nghĩa, về Trung bộ, Nam bộ, có ý cho họ hiểu nước mình rộng lớn thế nào, nhiều người nhiều của thế nào (...) Câu chuyện mỗi lúc thêm náo nhiệt. Mắt những người Mán ngồi với chúng tôi sáng và nhanh nhẹn hẳn lên. Một cái gì như vừa mới thức dậy trong những tâm hồn rừng núi âm u. Chẩn và Bảo hát vang. Họ bảo nhau: khi nào kháng chiến thành công sẽ kiếm tiền may mấy cái áo tốt, về dưới xuôi chơi. Triệu Vân Hương cũng hứng chí lên, nói toang toang. Anh ta hứa sẽ cố bắn một con hươu, lấy da may áo để mặc về Hà Nội.

Liên (Liễu, em gái Chẩn và Bảo?) cũng tươi tỉnh hẳn lên. Cô thiếu nữ mảnh người như liễu ấy rất hay nhìn trộm Tư. Khi những tiếng cười nói đã ngớt rồi, cô rủ rỉ bảo Tư:

- Kháng chiến thành công, đồng chí Tư giú nảy au mê cần đông, thu mà. (Kháng chiến thành công, đồng chí Tư ở đây rồi lấy vợ người Mán mà làm ruộng.)

Muốn tránh tất cả những sự lôi thôi có thể làm chúng tôi mất cảm tình của đồng bào địa phương, từ đấy, mỗi lần ở đâu lâu, chúng tôi thường tìm cách khéo, cho mọi người biết tất cả chúng tôi đều có vợ, có con rồi. Nhưng khổ cho chúng tôi, những anh chàng trai trẻ vẫn khát khao chuyện yêu đương nhưng lại phải luôn luôn kiềm chế lòng mình! Các cô con gái Thổ da trắng đó, mắt rất xinh và cử chỉ rất hồn nhiên lại rất hay cười đùa, bảo chúng tôi:

- Không phải đâu! Các anh chưa có vợ. Việt Minh không lấy vợ.

Có những lúc con người cũ của chúng tôi chồm dậy. - Con người phóng túng và ích kỷ. Những lúc ấy là những lúc chúng tôi bảo nhau, nửa đùa cợt, nửa chua chát:

- Giá chúng mình không phải là Việt Minh!

Nhưng cử chỉ đứng đắn, lễ độ của chúng tôi khiến mọi người chung quanh rất mến phục. Có người khi nói chuyện với chúng tôi, đã đem cái tư cách gương mẫu của chúng tôi so sánh với những thằng Tây đồn ngày xưa, bắt các làng phải thay phiên nhau nộp con gái thật đẹp để hầu hạ và quạt cho nó ngủ. Chúng tôi lại càng thấy sự giữ gìn tư cách là cần lắm. Và mỗi khi gặp một người đẹp chỉ đành thở dài vụng thôi!

2-12-47 - Hôm qua xuống núi, cả làng Mán quyến luyến tiễn đưa. Nhà đồng chí Chẩn cho chanh, đậu nành với trứng gà. Bà ké nhà đồng chí Quân chạy theo, đưa cho một bó rau cải thật to. Ði được một quãng còn thấy thằng con trai đồng chí Minh đuổi theo, gọi ơi ới. Tưởng quên gì. Nhưng không. Nó vừa thở hồng hộc, vừa đưa cho một xâu gừng. Tuy đã “thồ” đủ mọi thứ nặng chết người, vẫn còn phải cầm tất, để cho vừa lòng họ. Mọi người dặn: bao giờ được rồi, các đồng chí lên chơi.

Chiều hôm ấy, xuống đến chân núi! Những anh em đã lâu ngày chưa gặp chúng tôi, mới trông thấy chúng tôi, đều phải kêu lên. Họ cho rằng chúng tôi tu tiên đã gần đắc đạo, nghĩa là gần hóa ra gấu cả rồi. Tóc gần lấp cả tai, trờm xuống gáy. Da và quần áo ám khói, vàng khè. Râu ria tua tủa. Chúng tôi có cảm giác như chợt đến một chỗ đông đúc, sáng sủa, văn minh lắm. Trông người nào cũng đẹp, quần áo ai cũng như mới cả. Ði đường ria núi, bờ ruộng đã cho là bằng phẳng lắm.

Hôm nay, đi mượn một cái “tông-đơ”, húi đầu lẫn cho nhau. Nhẹ hẳn người. Ra một cái suối thật to, ngụp cả đầu xuống gội. Khoái lắm, tuy rét tím cả da. Mặc quần áo mới đi về, thấy mình đã hoàn toàn lột xác. Gặp một chuỗi cô gái Thổ đi sau một ông già vào lán bí mật, mình chào:

- Chào ông ké! Chào các đồng chí!

Ông ké gật đầu, ừ. Các cô líu ríu:

- Chào hai đồng chí!

Một cô nói thật to:

- Ðồng chí đẹp lắm.

Các cô phá lên cười. Mình đỏ mặt lên, sướng tỉnh người. Tiếc rằng không tìm đâu ra một cái gương để soi xem mình có đẹp thật không. Nhưng ngay buổi chiều, tôi trở về biết rõ mình hơn. Bởi vì Tư cho rằng có đến quá nửa số anh em trong cơ quan được các cô khen là đẹp. Non nửa kia chưa được cái may mắn gặp một cô nào cả. Vai lệch lại trở về vai lệch!


(Trong
Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1977)




















__________________
(1) Bí danh của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Ðồng ngày trước, quãng năm 1940-1941 ở khu giải phóng. (Chú thích của nxb.)