Bây giờ thì nhiều người Việt đã quen mắt lắm rồi, thấy tự nhiên lắm, thậm chí chính họ cũng y như thế.

Là nói cái chuyện người Tây phương nói bằng cả cơ thể. Cái gì mà cứ hễ miệng mở là trán nhăn mày nhướng, mặt quay qua quay lại, đầu gục gặc, là hai bàn tay giơ ra, múa máy như làm ảo thuật! Tổng thống trình bày quốc gia đại sự múa tay, mục sư giảng đạo múa tay, đến ca sĩ hát thì ôi thôi, múa nẩy lắc ngoáy không chừa một bộ phận nào!

Dưới mắt người Á Đông xưa, như thế là rất khó coi. Các cụ ta quý cái vẻ ôn tồn, điềm đạm.

Vẻ mặt vẻ người, triết lý hiện hình đấy! Khác nhau bởi triết Ðông xem nhân loại là một phần nhỏ mọn của vũ trụ, còn triết Tây thì đặt nhân loại ngay giữa trung tâm vũ trụ.

Vẻ mặt vẻ người cũng là văn hóa. Tây nghĩ nhiều cảm ít. Ta nghĩ ít cảm nhiều. Trông những bàn tay “hùng biện” của Tây, thấy lý kia lẽ nọ. Nhìn vào những mắt “rất diễn cảm” của ta, thấy một trời cảm xúc.
(Thu Tứ)



Pierre Huard, “Người Việt nói bằng mắt”




Bộ mặt người Việt không diễn cảm lắm (...) thản nhiên, thậm chí không thể hiểu nổi (...) Ðôi mắt họ rất diễn cảm.


(Dẫn theo Nguyễn Văn Huyên,
Văn minh Việt Nam, nxb. Hội Nhà Văn, 2005, nguyên tác tiếng Pháp in năm 1944, bản dịch Ðỗ Trọng Quang. Pierre Huard là hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội từ 1947 đến 1954. Nhan đề đoạn trích tạm đặt.)