Tiếng dạ như Trần Huiền Ân kể, thì không riêng gì ở Phú Yên mà từ mũi Cà Mau ra tận Huế nơi nơi đều dùng y một lối. Không biết ra đến đâu, người Việt Nam mới bắt đầu "vâng"... (TT)



Trần Huiền Ân, “Tản mạn về tiếng dạ”




Tự điển định nghĩa: Dạ là “tiếng lễ phép đáp lại lời gọi, lời nói của người, tỏ rằng mình đã nghe - hoặc tiếng mở đầu của câu nói lễ phép”.

Vậy, dùng với nghĩa nào, gốc rễ của tiếng dạ vẫn là lễ phép (...)

Miền Bắc phân biệt: “Gọi dạ, bảo vâng”.

Phú Yên (...) tiếng vâng ít được dùng. Gọi dạ, bảo cũng dạ. Thế nhưng qua (...) âm thanh ta phân biệt được (nghĩa) rạch ròi. Tiếng dạ bình thường có nghĩa là đã nghe, đang chờ sai bảo. Tiếng dạ hơi cao như ẩn trong đó một dấu hỏi, có nghĩa là chưa nghe rõ, xin nói lại. Tiếng dạ trầm xuống có nghĩa là đã hiểu, xin làm theo.

Người cha đứng hơi xa, gọi con:

- Tư ơi!

- Dạ. (Âm thanh trung bình, nghĩa là đã nghe, đang chờ nghe tiếp)

- Vô nhà bếp lấy cái cuốc đem ra đây.

- Dạ? (Âm thanh hơi cao, nghĩa là con nghe chưa rõ, xin cha nói lại)

Người cha lặp lại câu nói.

- Dạ! (Âm thanh trầm xuống, có nghĩa con nghe đã hiểu, sẽ làm theo ngay)

Nhiều khi người nhỏ tuổi gọi, người lớn tuổi hơn vì trọng học vị hay chức vụ đáp dạ, khiến người nhỏ tuổi áy náy, từ chối.

Có lần tôi nghe một vị trưởng cơ quan trẻ tuổi, người Bắc, gọi một nhân viên lớn tuổi: “Bác Quyến ơi!”. Ông Quyến đáp: “Dạ”. Vị trưởng cơ quan nói: “Không dám, bác dạ Trời... ạ”. Thật là lễ phép và lịch sự.

Ở quê tôi không có câu nói văn vẻ ấy. Thường thì (trong trường hợp đó) người trẻ tuổi xuýt xoa phân trần một cách thật thà: “Trời ơi! Bác dạ vậy cháu mang tội chết”. Nếu xấp xỉ nhau mà dạ, có người nói: “Không dám, trả cái dạ lại cho anh (chị)...”. Ðôi người vui tính thêm ba tiếng nữa sau một giây ngập ngừng: “... để đong lúa” (dân Phú Yên phát âm vâng dạ và giạ lúa như nhau) (...)

Nhà thơ Ðỗ Huy Nhiệm người gốc Phú Yên (...) có bài thơ “Quay về vườn ruộng” tả cảnh đôi vợ chồng kia chán cảnh phồn hoa, trở về nơi thôn dã. Một hôm...

... Ðêm khuya chồng gối lên tay vợ
Khe khẽ ngâm câu biệt thị thành
Rồi nhủ: “Mình ơi, đời Tấn trước
Ðào Tiềm hai bận dứt công danh
Quay về vườn ruộng như ta đó
Mình nghĩ gì không? Nói thực... mình!”
Vợ “dạ”, trở mình cho bớt lạnh
“Suốt đời em chỉ biết theo anh...”.


Tiếng dạ và câu nói của người vợ (...) biểu hiện trọn vẹn niềm chung thủy thâm tình của lứa đôi hạnh phúc.


(Trích Trần Huiền Ân,
Phú Yên miền đất ước vọng, nxb. Trẻ, 2004. Nhan đề phần trích tạm đặt.)