“Ðâu cũng thế. Có người tốt, có người không tốt.” Chắc chắn là thế. Và đâu cũng thế, có hoàn cảnh khiến người dễ tha thiết với người, có hoàn cảnh khiến người dễ quay mặt với người. Những người Kinh nhất định kháng chiến đến cùng tự nhiên rất tha thiết với người Mán, vì cần sự giúp đỡ lâu dài của người Mán. Còn những người Kinh khác thì hững hờ, vì không thấy cần. Về phía người Mán, do nghèo đói và do Tây không giúp đỡ hay hứa hẹn gì với họ, thậm chí còn đối xử tệ, mà họ hết lòng giúp đỡ ta đánh Tây. Tưởng tượng người Mán giàu có no đủ hay được Tây khôn khéo tranh thủ: nếu thế thì những người cách mạng Việt Nam nguy to mất! (Thu Tứ)



Nam Cao, “Nhật ký ở rừng” (4)




Một buổi tối ngồi chung quanh bếp lửa, chúng tôi với anh em đồng chí Chẩn dạy nhau học lẫn tiếng của nhau. Tôi chỉ vào cái nồi đồng hỏi:

- Cẳng Tầy, cẳng ca lăng? (Tiếng Thổ gọi là gì?)

- Mỏ toòng. Cẳng keo? (Nồi đồng. Tiếng kinh gọi là gì?)

- Cẳng keo: nồi đồng. (Tiếng kinh: nồi đồng.)

Anh rán to mắt nhìn tôi. Nồi đồng? Thế còn anh? Sao người ta lại gọi anh là hội đồng nhân dân?

Thật ngây ngô! Nhưng con người “ngây ngô” ấy đã ăn củ hàng tháng để nhường gạo cho những người cách mạng. Cả gia đình anh, cả làng anh, mọi người trìu mến, săn sóc, bảo vệ, chia ngọt sẻ bùi với chúng tôi, cũng chỉ vì coi chúng tôi là những người cách mạng.

Nghĩ như vậy, tôi thấy rất phàn nàn về một bọn người xuôi qua đây, ngủ nhờ một đêm, ở làng này. Họ tranh nhau, đòi mua hết thức nọ đến thức kia, người ta không muốn bán cũng cố vật nài. Trả tiền thì trả rẻ. Lúc ăn, người có ăn, người không có ngồi nhìn. Ăn xong, bày bừa ra nhà, phóng uế bừa bãi ở quanh nhà. Lúc đi, đem cả bát của nhà người ta đi.

Sau khi họ đi rồi, đồng chí Bảo bảo chúng tôi:

- Nó không đàn kết. Nó là cái đàn bò!

Và anh nói những điều nhận xét của anh:

- Các đồng chí với bọn khỏi (bọn tôi) tốt. Các đồng chí ăn, bọn khỏi ăn. Những người kia, không tốt. Người nào có, ăn. Người không có, không được ăn. Không đàn kết.

Chúng tôi đỏ mặt, bới vì chúng tôi thấy nhục lây. Nhưng nghĩ kỹ, chẳng qua bọn này vụng xử đó thôi. Họ không chịu luôn luôn nhớ rằng dân chúng rất chú ý nhìn vào họ để phán đoán về tinh thần của người miền xuôi. Họ không cẩn thận giữ gìn cử chỉ. Họ không phải là cán bộ. Chúng tôi có giải thích cho Bảo hiểu họ chỉ là số ít. Bảo gật đầu:

- Ðâu cũng thế. Có người tốt, có người không tốt. Người Mán cũng có người không tốt. Hồi bí mật, cũng có người Mán bắt cách mạng nộp cho Tây. Người giác ngộ thì tốt.

Gần gũi những người Mán đói rách và dốt nát, thấy họ rất biết yêu cách mạng, làm cách mạng chân thành, sốt sắng và tận tụy, chúng tôi thấy tin tưởng vô cùng. So sánh họ với mấy thằng “bố vấu” mà Khang gọi là trí thức nửa mùa. Khang rất bất bình đối với hạng này. Chúng nó chẳng yêu một cái gì, chẳng làm gì. Chúng nó chỉ tài chửi đổng.

4-11-47 -- Mở mắt ra, trăng lấp ló qua kẽ mái bên mặt. Lạnh, gió to, nghe ở lán bên cạnh có tiếng thổi lửa phù phù, chúng tôi cũng dậy đốt lửa cho đỡ rét.

- Dên lai! (Rét lắm!)

Khang kêu lên thế. Mấy người đàn bà ở lán bên cười, nhắc lại:

- Dên lai!

Nướng mấy củ sắn, ăn xong, vừa sáng hẳn. Sau khi rửa ráy, Khang mài đá, mài mực, viết. Tôi ghi nhật ký. Gà bay loạn xạ, kêu quang quác ở chung quanh. Có tiếng máy rền: ô-tô hay máy bay?

Có lẽ Tư đi Pic Cáy, hay đi hội nghị tỉnh ở Lùng Trang? Nếu ở nhà, thế nào chẳng lên. Ðịnh để ngày nay đọc sách. Nhưng chẳng biết có thì giờ đọc không. Lát nữa, phải đi chặt củi. Sắp sửa thổi nấu ăn. Rồi gì nữa? Có lẽ cũng nên hạ sơn, lấy thêm gạo hay một thứ gì để luyện chân cho dẻo.

6-11-47 -- Ðêm qua, thằng bé bên cạnh khóc, nghe giống Thành khóc quá. Buồn. Nhớ con.

Sáng nay, trời u ám. Tập thể thao và tắm xong trời hơi mưa. Ðọc nốt một quyển sách (...)

Hai thằng xuống nhà đồng chí Chẩn lấy gạo. Bà cụ nhìn khắp nhà, chẳng tìm được thức gì cho, đong cho một ống gạo rẫy và đưa cho một củ gừng. Lên lán được một lúc thì mưa to. Rừng có biết bao nhiêu lá! Lá rừng rên rỉ dưới những giọt mưa tới tấp. Thanh âm rậm và buồn.

12-11-47 -- Tư gửi một con vịt lên, rồi lên định ở với chúng tôi vài ngày. Tôi lấy làm ưng ý vì thấy mình tự nhiên thành một tay đầu bếp khá. Pha thịt gọn. Rán vịt khéo. Thổi cơm nếp đậu xanh không nát. Món bí ngô nấu với đậu xanh và gạo nếp để làm món ăn tráng miệng, anh em cho là tuyệt lắm. Làm bếp đã thành một cái thú. Tôi là tay bếp trên “cơ quan Một” này.

Ô-tô giặc chạy rầm rập dưới đường. Súng nổ nhiều. Lắm lúc nghe như ngay ở chân núi chúng tôi. Nhưng Tư bảo: thật ra còn cách những năm quả núi. Chúng tôi cứ ung dung hút thuốc lá và nói chuyện.

Bỗng noọng Liễu, em gái Chẩn và Bảo, lên tìm Tư xuống. Có người muốn gặp. Cơ quan dưới đã gặp sự gì chẳng hay chăng? Chúng tôi rất nóng ruột, vì công việc xếp đặt mãi chưa xong. Tờ báo định ra vẫn chưa ra được. Cơ quan “nhận tin” cũng chưa bắt đầu làm việc được. Hàng tháng nay, chỉ biết ít tin tức quanh vùng, do Tư liên lạc với các cơ quan địa phương, lấy về. Một tiểu đoàn hoạt động ở quãng này. Một đại đội luôn luôn chú ý bảo vệ mấy cơ quan, trong đó có cả cơ quan của chúng tôi. Ðịch chết lẻ tẻ khá nhiều. Nghe chừng, chúng chẳng ăn thua gì cả. Ta chặn giữ, chúng không tiến được. Mặt Cao Bằng, nhờ mượn đường của Tàu (Quốc dân đảng Trung Hoa) để tiến, chúng lợi thế hơn, nhưng cũng bị mấy vố điếng người rồi. Bắc Cạn tuy chiếm được, nhưng chẳng hoạt động được mấy. Ở chợ Mới, chợ Ðồn, chúng nó thiệt nhiều. Ðánh Việt Bắc quả là chẳng dễ. Mình hở cơ tí chút, một vài cơ quan bị thiệt hại ít nhiều. Thế thôi!

Người tìm Tư chỉ là một chú giao thông, nghe súng sợ tái mặt, chạy một mạch lên đây. Tư cáu lắm. Không thể nhút nhát, hoảng hốt như thế được. Cơ quan đặt sát địch, cần những người gan dạ, luôn luôn bình tĩnh. Tư tin rằng địch chưa dám tiến vào chỗ cơ quan dưới.

Anh lại lên họp mặt với chúng tôi. Cơm chiều xong, đốt lửa. Ðốt lửa thật to rồi nằm nhìn, đó là một cái thú mới của chúng tôi. Hôm nào ấm, không đốt lửa được, hơi buồn. Ba thằng nằm, hát bố láo đủ mọi thứ bài, từ cổ chí kim, nhiều bài chỉ nhớ một vài câu. Lũ trẻ bên cạnh cùng hát với chúng tôi. Chúng thuộc (...) trọn bài Tiến Quân Ca (...) gặp nhau nhiều nhất, chỉ ở bài quốc ca.

Quên chưa nói rằng: tối hôm nay, hàng xóm đông hơn. Có lẽ vì tiếng súng nổ dữ lúc ban chiều. Thêm ba đứa trẻ nữa. Và bà cụ nhà đồng chí Quân.

Thằng con đồng chí Quân mặt mũi sáng sủa, nhưng bẩn lắm. Những đứa kia cũng bẩn. Riêng con Pú, ở với chúng tôi luôn, đã theo chúng tôi rửa mặt hàng ngày và rửa cả cho thằng Lý, em trai nó, cho nên hai đứa sạch sẽ hơn. Chúng nó cởi truồng. Con gái cũng vậy, tuy đội khăn và đeo vòng, nhẫn. Có đứa trần truồng ngồi sưởi, mặc dầu trời rét. Quần áo thiếu.

Họ cho chúng tôi gạo nếp, bánh chưng, chanh, sắn, bí, rau. Ai có gì, cho thức ấy. Họ cho luôn. Chúng tôi có gì ở dưới gửi lên cho, cũng cho lại họ. Thân mật như người nhà. Nhiều khi con Pú nấu đậu nành, cũng đong cho chúng tôi một bát. Cười, lẳng lặng đưa, không nói, bởi vì nó không biết tiếng Thổ. Lần đầu, cầm cho vui lòng nó. Lần sau, từ chối, vì sợ nó cứ cho mãi, tốn kém cho nhà nó.

Hát, đùa với lũ trẻ một lúc, thấy mệt và buồn. Tư nghĩ đến làng, đến những nơi làng quê ngày trước di gặp gỡ người yêu. Khang nghĩ đến Hà Nội, ánh sáng của Nhà hát lớn, sân khấu, người xem. Tôi, đến vợ con. Những ngày nghèo khổ sống bên nhau. Ngày trở về, gặp nhau... Khao khát được ôm chặt lấy thằng Thiên gầy một cái. Ngoạm cái chân múp míp của thằng Thành đang chúi mặt vào vú mẹ. Vuốt ve mái tóc mềm của con Hồng. Nghĩ đến những lúc ở nhà, mình mắng mỏ con Hồng, thương nó quá... Nghĩ loăng quăng, đôi lúc nhớ đến Sâm. Ôi! thằng đàn ông!...

13-11-47 -- Tư đổi ý. Anh sốt ruột. Anh không thể nằm đây nghỉ vài hôm, như đã định. Cơm sáng rồi anh đi.

Khang và tôi bắt đầu in truyền đơn cho cô Vẩu. Chúng tôi gọi đùa chị là cô Vẩu. Hơi vẩu thật, nhưng thùy mị và nhanh nhẹn. Con nhà đặc! Người mảnh khảnh, da trắng xanh, đã sốt rét khá nhiều, nhưng say mê công tác, có tư cách và hăng hái lắm. Chị thuộc vào lớp cán bộ đầu tiên, xung phong lên Việt Bắc. Ðồng bào địa phương rất mến.

Bóc tờ giấy ở phiến đá lên, Khang có vẻ vừa ý lắm:

- Rõ và đẹp lắm. Cô Vẩu tha hồ thích nhé!

Giọng anh âu yếm. Lần đầu tiên tôi thấy anh như vậy. Quen anh rất lâu, tôi chưa nghe thấy anh nói chuyện trai gái bao giờ. Người họa sĩ đã ngoài ba mươi tuổi ấy hình như chưa bao giờ nghĩ đến tình. Anh ghét vẽ đàn bà. Ðứng trước một phụ nữ, mặt anh lạnh như tiền. Nói theo Tư thì giáp mặt mỹ nhân, mấy cái râu chuột trên mép anh không hề động đậy. Cảnh hiu quạnh hay cái gì đã xui dại anh buột miệng ra câu nói êm ái ấy? Tôi cười nụ.

Chúng tôi vừa in vừa cắn hạt bí bà cụ Quân cho. Bà cụ sang xem chúng tôi in, nói chuyện. Người phúc hậu, mặt đẹp. Hay chuyện. Âu yếm cháu.

Buổi chiều, thấy chúng tôi không có rau ăn, chỉ có một ít nấu canh lõng bõng, bà ái ngại. Bà chạy vào rừng, lấy về một cái hoa chuối và một nắm lá gì giống lá ngội. Bà gọi là phiếu phan - rau phan vậy. Bà bảo chúng tôi đợi bà xào cho một bát. Ăn hơi chát, vì hoa chuối không luộc trước. Cũng cứ khen là ngon đi! Một lần Chẩn mời ăn thịt chuột nướng rồi nấu với muối và nước lã. Tư cũng gắp ăn không nhăn mặt và khen ngon.

Tối nay, nôn nao và mệt rũ. Làm nhiều? Hút thuốc lá nhiều? Hay say hạt bí?... Ði nằm sớm, chuyện lẻ tẻ. Lửa tắt cũng không buồn dậy thổi. Nhưng một lúc sau, buồn quá, tôi lại dậy thổi lửa, chất thêm củi cho cháy thật to, cuộn thêm một điếu thuốc lá nữa, trầm ngâm hút. Có lửa, vui hơn một chút.

Con hươu lại kêu. Nó kêu luôn mấy đêm rồi. Tiếg man rợ và thảm thiết. Nghe gần lắm. Sao không ai đi bắn nó?

14-11-47 -- Trẻ con, người lớn lại xuống hết cả, trừ con Pú, thằng Lý và thằng em chúng nó, địu trên lưng con Pú. Vắng. Thức ăn hết, cơm gạo tẻ trộn lẫn đậu xanh, rắc vừng. Tư và Khang vẫn gọi đùa tôi là bác sĩ, vì khi ăn tôi hay tính xem bữa ăn có đủ chất bổ không. Thiếu thịt tôi cố tìm đậu để thay. Chất mỡ ở vừng. Ðủ lắm.

Hôm nay nghỉ in li-tô, đọc sách. Tôi muốn nhân lúc này, học thật nhiều, để có đủ một số vốn tri thức giúp tôi, khi cần, có thể trông coi một tờ tuần báo chẳng hạn.

Chiều nay lại nôn nao và mỏi mệt. Viết nhiều? Thuốc lá? Ký-ninh vàng? Ðói? Hay thể thao nặng quá?

15-11-47 -- Ðêm qua, bà ké Chẩn ho nhiều, rên và lảm nhảm nói mê luôn. Thằng bé con anh Chẩn ho rũ rượi, ho như xé phổi, ho không còn khóc được.

Sáng nay, súng liên thanh nổ ran. Chừng hơn chục phát đại bác tiếp theo. Nghe rất gần. Súng tắt một lúc, có tiếng động cơ.

Trời giở mưa. Con Pú mải mốt cầm dao đi chặt lá chuối về che lán. Em vẫn địu ở trên lưng. Con bé mới tám, chín tuổi mà làm đủ việc: kiếm củi, thổi cơm, giữ hai em. Nó làm nội trợ. Bố mẹ nó đi ruộng, đi rẫy suốt ngày. Nó phải quán xuyến tất cả công việc ở nhà. Ðứa em bé không lúc nào rời lưng nó, có thể vẫn ngủ lắc lư cái đầu ngoẹo xuống hết bên nọ đến bên kia trong khi con chị làm các việc, kể cả việc chặt những cành cây súc. Thằng em lớn muốn khóc lúc nào thì khóc, rồi khắc lắng. Mới độ ba, bốn tuổi, nó đã và cơm lấy. Tôi thấy nó gắp mấy miếng bí ngô xào, chấm muối ớt, rồi trộn vào bát cơm gạo rẫy, lắm nhựa như cơm nếp. Trên này, ớt như muối vậy; trẻ con cũng ăn mà không hề xuýt xoa. Ớt nướng có một cái vị hay hay, chúng tôi thích lắm.

Mưa. Mưa thì buồn. Nhà có thể dột. Rừng nhiều vắt, lần mưa trước, tôi đã bị một con vắt chui vào tận háng lúc nào không biết, máu đẫm đũng quần và chảy đến tận chiều mới cầm lại được.

19-11-47 -- Nhiều lần chúng tôi bắt gặp lũ trẻ đọc khá đúng những bài học trong quyển sách học quốc ngữ của Bình dân Học vụ. Tưởng chúng nó học, nhưng chạy sang xem, không thấy sách. Chúng nó đọc thuộc lòng. Chắc là nghe người lớn học. Ai? Chỉ có Bảo đã học hai mươi ngày ở cơ quan bí mật của cán bộ bên rừng Vàng Kheo ngày trước.

Anh chàng ấy tối hôm qua lên chơi với chúng tôi. Nhân tiện mang cho chúng tôi cái va-li sách chúng tôi chưa kịp đem lên. Nói chuyện lan man, có lúc Bảo nhỏ giọng cho biết rằng cả nhà đồng chí Quân có ma gà. Có ma gà, không tốt. Hay “làm cắn” lắm. Ðến nhà ai cũng “làm cắn”, không trẻ con thì trâu, bò, gà, lợn.

Ma gà là thế đấy! Người trên này, ai chẳng có vi trùng sốt rét trong người? Bệnh có thể đến bất cứ lúc nào. Ốm đột ngột là thường. Họ bảo ma làm.

Vô phúc cho anh, nếu luôn mấy lần, sau khi anh đến chơi nhà một người nào, tự nhiên một người trong nhà sinh ốm, hay lợn, gà nhà ấy chết. Họ nhất định bảo: anh có ma gà. Tiếng dữ ấy đồn đi. Mọi người sợ anh, ghét anh, coi anh như người hủi. Có ma gà là một cái khổ, cái nhục của ông cha truyền lại. Không ai muốn có. Không ai muốn lấy vợ, lấy chồng có ma gà. Con trai có ma gà chỉ còn một cách là lấy vợ có ma gà, như người có mả hủi lại lấy người mả hủi. Người ta cho rằng có ma gà thì phải cúng nó và mỗi năm nhuận, ít nhất phải cho nó vật chết một người hay một con gì, nếu không có thì nó vật chết người nhà hay gà lợn của nhà.

Tôi hỏi:

- Ðồng chí Quân làm ma gà cắn tôi có được không?

Bảo trả lời:

- Muốn làm thì cũng được.

- Ma gà cắn có chết không?

- Trẻ con chết. Người lớn, cúng thì khỏi.

Thật là dễ hiểu. Trẻ con, sức chống bệnh yếu, dễ chết. Người lớn khỏe và đã quen với bệnh hơn, ốm ốm, khỏi khỏi là thường. Cứ theo Bảo thì trong số những người Mán chúng tôi quen, có đến sáu, bảy người có ma gà. Tôi thấy họ đều rất hiền lành. Chưa ma gà, ma rừng nào cắn chúng tôi. Tôi cười, bảo người bạn Mán:

- Chúng tôi mới chập tối đã vào màn, mỗi tuần lại uống ba viên ký-ninh vàng, ma không làm ốm được.

Cố nhiên là Bảo không tin. Trách gì anh? Chán người miền xuôi, học khoa học hẳn hoi, nhưng vẫn sợ ma gà đấy!


(Trong
Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1977)