Võ Phiến, “Truyện Sơn Nam”




Khảo với luận ông có Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Ðồng bằng sông Cửu Long, Cá tính của miền Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Nguyễn Trung Trực, anh hùng dân chài (cùng viết với Ngọc Linh), Người Việt có dân tộc tính không? v.v.

Nhưng viết truyện mới là cái sở trường của ông, nhất là truyện ngắn. Truyện dài, ông viết không xuất sắc (...) Truyện ngắn của ông, nó vượt truyện dài cả về phẩm lẫn lượng (...) Cuối năm 1965, trong cuộc nói chuyện với Ngu Í, ông bảo rằng trước cuốn Hương rừng Cà Mau đã đăng trên Tiểu thuyết thứ năm gần năm chục truyện ngắn khác. Rồi sau Hương rừng Cà Mau, ông đang còn trong tay một số truyện đủ in thêm ba cuốn nữa, dày bằng Hương rừng Cà Mau. Như vậy từ Hương rừng Cà Mau đến cuối 1965 non trăm truyện; trước Hương rừng Cà Mau, non năm chục truyện. Thế rồi từ 1966 đến 1975, trong chín năm ấy hãy cho là Sơn Nam viết ít hơn: chừng trăm truyện nữa thôi. Vị chi hai trăm rưởi cái truyện ngắn. Ấy là chưa kể những cái viết trước 1955 và sau 1975 (...)

*

Văn Sơn Nam hai loại, nhưng lòng ông chỉ có một thiết tha: là quê hương. Dù ông viết gì (truyện ngắn, truyện dài, khảo luận), dù ông viết tại đâu (bên ni, bên tê), đề tài cũng chung quanh một đề tài ấy mà thôi.

- Gì chứ quê hương, ai mà không thương yêu, không thiết tha? Nhất là khi quê hương đang hồi tràn ngập khói lửa?

- Không phải thế. Ðây không phải chuyện Việt Nam quê hương máu lửa. Cái quê hương nói đây không chỉ vào toàn thể nước Việt Nam. Ðây nói về một địa phương thôi.

Chuyện thương nhớ quê hương, nó có nhiều thứ bậc lắm. Có cái thương nhớ của kẻ lưu lạc tận một lục địa xa xôi hướng về đất nước đã xa lìa hàng mấy thập niên kỷ, như đám dân đi làm ăn ở Tân thế giới trước kia, như chúng ta bây giờ. Có những người sống ngay tại Việt Nam mà nhớ Việt Nam, như dân di cư sau hiệp định Genève, như ông Vũ Bằng, sống Nam nhớ Bắc. Lại có những hạng người khác sống ngay tại Miền Nam mà nhớ Miền Nam, sống tại Nam phần mà nhớ Nam phần. Sơn Nam thuộc hạng ấy.

- Ủa, thương nhớ gì kỳ cục vậy?

- Nghe qua thấy kỳ, xét lại không kỳ đâu. Khi Ngu Í đến phỏng vấn, Sơn Nam... đố khách: “Ðố anh biết nguyện vọng thiết tha nhất của tôi lúc này là gì?” Ðố xong, ông tự trả lời ngay: “Ðược trở về sống dưới mái nhà xưa, rồi có nhắm mắt thì gửi thây cho cái đất U Minh ấy giữ!”

- Ối, ông Sơn Nam. Ông ấy thật là một nghệ sĩ đa sầu đa cảm.

- Không phải mình ông Sơn Nam như thế. Ðám ấy đông. Mỗi hạng có lý do riêng để xa quê. Có hạng bỏ nơi “mệt mỏi” tìm chốn “yên thân”. Có hạng đi làm ăn lang bạt kỳ hồ, bỏ quê lên chỗ thị thành mấy mươi năm chưa về được, như ông Tư, chiều chiều ngậm ngùi trên cầu chữ Y nhớ về Năm Căn, đọc “vè Tà Lơn”:

“Xứ lạ lùng con có một mình,
Cơn nguy hiểm lấy ai phò trợ.” (Thơ Núi Tà Lơn)

Lại có hạng như Tư Có bỏ Vãng Long xuống tận xóm Cà-bây-ngọp xa xôi, “tính bề” dạy học mà chưa có chỗ dạy, cuộc đời tàn dần, gặp bạn “Quốc văn giáo khoa thư” động tấc lòng quê, mừng như gặp cố tri. Lại cũng có hạng như cha con cô Hoàng Mai, tằng tổ họ Trần từng vênh vang áo mão tại triều, nhưng vì quốc sự đã xiêu lạc ẩn mình tận U Minh hạ, ngậm ngùi buồn tủi. Lại nữa cũng có hạng như anh hề hát bội bể hội Kèo Xanh ở Vũng Liêm, trốn lánh nơi rạch Tà Tưng v.v.

Ôi thôi, chỉ trong phạm vi một mảnh đất Nam phần mà kẻ quê nhớ tỉnh người tỉnh nhớ quê, kẻ nhớ cây bần cây đước người nhớ về phố xá xe cộ... Cái nhớ cái thương nào cũng thiết tha cả.

Trong rừng U Minh hạ, ông Năm Hên bắt sấu hàng đàn, dắt sấu đi mà hát những câu rùng rợn:

“Hồn ở đâu đây?
Hồn ơi! hồn hỡi!
Xa cây xa cối,
Xa cội xa nhành,
Ðầu bãi cuối gành,
Hùm tha sấu bắt,
Bởi vì thắt ngặt
Manh áo chén cơm,
U Minh đỏ ngòm
Rừng tràm xanh biếc...” (Bắt Sấu Rừng U Minh Hạ)

Trong khi ấy, trên cầu Chữ Y ở Sài Gòn ông Tư Cà Mau lại than thở:

“Bởi thiếu thốn bao nhiêu đồng nợ,
Nay thân con phải chịu hoành hành...
(...) Việc ở ăn nhiều nỗi đắng cay,
Vái Trời Phật xin về quê cũ...” (Thơ Núi Tà Lơn)

Còn chính Sơn Nam, mở đầu cuốn Hương rừng Cà Mau, ông đã não nuột:

“Ray rứt mãi đời ta
Nắng mưa miền cố thổ
Phong sương mấy độ qua đường phố,
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê...” (Thay lời tựa)

Hạt bụi còn nhớ quê nữa là người. Và chính nỗi niềm nhớ quê ngay tại quê hương, nỗi nhớ nhung ngay tại chỗ ấy đã làm nền tảng sự nghiệp văn chương của Sơn Nam.

Tất nhiên không thể bảo lúc nào ông cũng than thở một điệu như thế. Soạn một bữa tiệc thịt bò người ta còn nghĩ ra tới bảy món, huống hồ trước tác văn chương. Nhớ quê, một tình cảm ấy có thể xuất hiện dưới nhiều dạng vẻ khác nhau. Khi thì Sơn Nam trình ra những cái lạ lùng, ngoạn mục, xảy ra ở chỗ quê mình, làm thiên hạ trố mắt nén hơi mà xem: Hoặc ông dắt ra giới thiệu mấy người dân trần truồng ở hòn Cổ Tron, ngộ quá chừng (Ông Già Xay Lúa); hoặc ông kể chuyện những sân chim ở vùng Thầy Quơn, Cái Nước, Cái Lớn, rộng mười ngàn thước vuông, qui tụ hàng vạn con chim to lớn: bồ nông, già sói, chàng bè, chó đồng v.v., những đêm tàn sát chim con, vất xác từng đống vun lên như những đống lúa ba, bốn trăm giạ (Tháng Chạp Chim Về); hoặc ông thuật chuyện hát bội ở rạch Tà Tưng, khán giả ngồi xuồng xem hát trong rào, sấu và cọp lượn ngoài vòng rào (Hát Bội Giữa Rừng) v.v. Khi khác, ông nhấn mạnh vào cái nghèo cái khổ cái thê lương của dân Miệt Dưới: Lão Bích lúc chết chỉ có chiếc áo mặc trên người, muốn cởi ra để lại cho con mà yếu quá không cởi được, lão chết giữa đồng nước mênh mông, chôn bằng cách bó thây, buộc vào nửa thớt cối xay vất xuống nước (Một Cuộc Bể Dâu). Khi khác nữa, Sơn Nam nói về tấm lòng yêu nước, về gan dạ anh hùng của bà con nơi quê ông, về sự tàn bạo dã man của thực dân Pháp (Miễu Bà Chúa Xứ). Lại có khi khác nữa, ông kể chuyện người tài giỏi nghĩa khí ở quê ông, tài đức đến nỗi ông Tây Rốp phải bái phục sát đất (Sông Gành Hào). Rồi lại có khi khác nữa, ông xoay qua chuyện hò hát lãng mạn tình tứ trên sông trên rạch, có trăng có nước, có trai bềnh bồng bốn biển là nhà, có gái đẹp bùi ngùi tấc dạ (Con Bảy Ðưa Ðò) v.v.

Cứ thế ông thiên biến vạn hóa, đọc tới mê tơi luôn. Cho hay không cần phải chuyện Tây du thỉnh kinh xông pha vào rừng ma động quỉ, chiến đấu với yêu với tinh, không cần phải là chuyện di tản buồn lưu lạc khắp năm châu v.v... Di tản dù tới tận cùng quả đất mà nói huyên thiên vụng về, không khéo có kẻ ngờ vực, khẽ thắc mắc kêu: “Phét!”, đâm buồn lòng nhau thôi. Cả đời chỉ quanh quẩn từ Cà Mau lên Sài Gòn mà vẫn có chuyện lạ làm say lòng người, ấy mới tài.

Vả lại, Sơn Nam không phải chỉ yêu mến địa phương mà thôi. Ở ông còn có một niềm tin tưởng sâu xa gần như kỳ bí vào địa phương mình. Ông bảo: “Chẳng biết có phải tôi nặng tình địa phương không mà tôi cứ tin tưởng miền lưu vực sông Cửu Long là miền phước địa (các tu sĩ thì cho là thánh địa)(...) Và miền trù phú đặc biệt này sản xuất ra những nhân vật lạ lùng, khác thường (...) Dân gian dưới ấy tin rằng thánh nhân sẽ xuất hiện miền này để cứu dân cứu nước, chẳng phải là không có lý. Phần tươi trẻ, liều lĩnh nhất của dân tộc ở vào cái thế được ưu đãi đặc biệt thì chắc chắn thế nào cũng sản xuất những đứa con phi thường” (trong Sống và viết với... của Nguyễn Ngu Í). Có lẽ sức lôi cuốn của ông một phần do cái mê say kỳ bí của “đứa con phi thường” đối với địa phương mình chăng?

*

Về kỹ thuật, Sơn Nam có hai chủ trương.

Nói chuyện với Ngu Í, ông tiết lộ rằng khi sáng tác để đăng báo hàng ngày ông tập trung viết loại truyện rùng rợn, ma quái ở đồng quê, cho dễ ăn khách. Ông mong “anh em” hiểu giùm cho hoàn cảnh của ông, đừng trách ông “chậm tiến” hay “xuống dốc”. Chỉ khi viết bài cho các tạp chí ông mới được chọn lựa đề tài rộng rãi, nhờ đó may ra có được một số truyện “sống đời” (...)

Những truyện “sống đời” của ông thực ra lắm truyện cũng chứa yếu tố quái lạ. Quái mà do ma thì “chậm tiến. Nhưng có những cái quái cái lạ không cần đến ma: chỉ là người cũng quái chán, lạ chán. Cảnh “len” trâu trên núi Ba Thê thật lạ; chuyện người tay không bắt sấu thật lạ, người trói sấu dắt đi từng đàn vừa đi vừa hát thật là quái đản; chuyện nửa đêm giong đuốc bắt chim vặn cổ ào ào thật lạ...

Cái quái lạ của sự việc, kể được cái đó một cách có nghệ thuật đã là hay. Nhưng hay hơn tài hơn, là bắt được nói được cái quái lạ trong lòng người.

Một phái viên từ Sài Gòn xuống Cà Mau, tìm một độc giả để thu tiền báo thì có gì là quái? Hai người nhớ lại mấy trang sách học ngày nhỏ, đọc nghe chơi, thế có gì là quái? Vậy mà từ đó Sơn Nam dựng lên được một thiên truyện vừa ngộ nghĩnh lôi cuốn vừa cảm động. Mấy câu sách giáo khoa khơi động cả một cõi tâm sự sâu xa mông lung. “Không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim. Tuổi của họ đã quá ba mươi! Nước chảy mãi mà sao đá không thấy mòn? Sợi dây cưa mãi, gỗ chưa đứt mà sợi dây sắp đứt trước. Sự nghiệp của họ nào đã có gì: kẻ mến cái thú ở nhà quê, người lận đận với cái thú ở kẻ chợ.” (Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư). Thình lình đụng đầu với một khía cạnh bất ngờ như thế của tâm hồn mình, không chừng người độc giả thích thú không kém khi nghe chuyện bắt chim bắt sấu.

Như vậy, truyện “sống đời” của Sơn Nam không luôn cần đến yếu tố bất ngờ, mà có thể sống chỉ bằng cái thâm thúy.

Có khi Sơn Nam “dám” đem ra viết truyện những cái hết sức bình thường. Ðám hành khách gồm những thầy thợ từ quê ra tỉnh làm ăn, cứ mỗi trưa thứ bảy là ra bến xe, lên chiếc xe hàng quen thuộc về thăm gia đình. Chiếc xe đò cũ kỹ, già nua, đời CU. Người chủ xe kiêm tài xế cũng già trên ngũ tuần. Xe chạy lắc la lắc lư. Khách hàng ngồi kể chuyện xưa cho nhau nghe đỡ buồn dọc đường. Gần đến nhà, có người nóng ruột nhắc tài xế cho xe chạy lẹ một chút. Ông ta buồn buồn: “Con ngựa này già quá rồi. Vài năm nữa cho nó vô nhị tì xe hơi của chệt ve chai ở đường Cây Mai. Còn tôi thì về vườn, xuống lỗ...”. Tới đây tác giả có mấy lời kết thúc: “Nhưng khách bộ hiền (?) sẽ về đâu? Họ cúi đầu xuống, hình dung cái lúc mà xác chiếc xe CU này hóa ra con quỉ vô thường, từng bộ phận của nó sẽ trở thành những mảnh sắt vụn, cái đục, con dao yếm, như khi con trâu chết thì phân thây ra làm con cờ, lược chải đầu, mặt trống. Sanh kế sẽ đưa đẩy họ về đâu? Họ còn được về quê hương mỗi cuối tuần một lần, đúng ngày thứ bảy. Hay là họ sẽ phát tài, dời cả gia đình lên thủ đô để ngày đêm đầm ấm trong cửa rộng nhà cao? Hoặc là một trường hợp não lòng sẽ xảy ra. Họ không về quê nữa, phó mặc việc sinh sống của vợ con cho vợ con đảm nhận. Rồi họ lê gót khắp đô thành, từ Bàn Cờ, Phú Nhuận, Hòa Hưng, Tân Sơn Nhứt, ăn gởi nằm nhờ, nhìn lá me rụng bên vệ đường, nhìn bóng mát cây trứng cá nhà ai rồi hững hờ dang tay hái trộm thử một trái để tự an ủi.” (Ðường Về Quê)

Chao ôi, bùi ngùi thương cảm biết chừng nào cái hình ảnh bàn tay dang ra hững hờ hái thử một trái trứng cá “nhà ai”. Xin thú thực là ngót bốn chục năm xa làng xóm quê nhà, tôi vẫn bị hình ảnh nọ ám ảnh dai dẳng (Sơn Nam viết truyện này năm 1955).

Sơn Nam có nhiều truyện như thế. Ông Từ Thông ra hòn Cổ Tron ở từ nhiều thập kỷ. Thui thủi một mình. Một hôm, ông thấy rạo rực, nẩy ý muốn về đất liền thăm bà con. Vừa tới bờ, ông bị bắt giữ vì thiếu giấy tờ. Cò đưa qua quận, quận chuyển xuống xã, xã giao cho hương quản, hương quản đổ lại cho hương tuần v.v., ông Từ Thông lần lữa bị giam hoài. Riết rồi người ta chán sự giam giữ, bèn thả ông ra. Ông tìm ghe về hòn Sơn Rái. Từ đó, ở chỗ quê hương, “chiều chiều khi ra biển để câu cua, đẩy xịp, người ta nhớ ông Từ Thông như nhớ một cái vỏ ốc xa cừ ngũ sắc tấp vào bãi bùn. Như nhớ vài trang sách Phong thần tình cờ lượm được trong ngăn tủ bỏ quên, những trang sách rách nát hơi khó hiểu vì thiếu hồi thứ nhứt và không có hồi sau phân giải” (Hòn Cổ Tron).

Rời khỏi một thiên truyện như thế, độc giả cũng cảm thấy bâng khuâng như rời khỏi các truyện Ông Già Xay Lúa, truyện Một Cuộc Biển Dâu, truyện Con Bảy Ðưa Ðò v.v.

*

Truyện ngắn của Sơn Nam (...) cái rốt cuộc để lại dư vang lâu dài trong lòng người đọc, để lại một rung động sâu xa và kín đáo (...) là một cảm tưởng ngậm ngùi trước những thân thế tàn phai, trước những suy lụn theo thời gian (...)

Sơn Nam bảo mình vững một niềm tin vào miền phước địa; nhưng cái tin tưởng lạc quan ấy không xúc động người đọc, mà đọc ông ta lại thấy thấm vào tâm hồn một nỗi buồn man mác. Những truyện sống đời, nó sống đời vì cái man mác ấy, có thế chăng? (...)

10 – 1993


____________
Năm 1962, khi cuốn Hương rừng Cà Mau vừa ra đời, chúng tôi có mấy lời nhận xét.(1) Hơn ba mươi năm sau, xin nêu lại cái nhìn buổi ấy, vào ngay lúc xuất hiện tác phẩm thành công nhất của Sơn Nam (...)

Giọng kể truyện của tác giả thường khi rất giản dị, không có chút gì trau chuốt. Ông bắt đầu: “Câu chuyện xảy ra tại rạch Bình Thủy, làng Lung Truyền, tỉnh Cần Thơ, đâu cũng vào khoảng năm 1939 hoặc 1940 gì đó” (Cô Út Về Rừng) (...) Tác giả kể thoăn thoắt rất nhanh: trong vòng 171 trang giấy, ông kể đến 18 câu chuyện! (...) Ðôi khi cuối những truyện vắn tắt ấy tác giả rút ra một bài học (...) có vẻ như hơi vội vàng, cạn cợt.

Nhưng chỗ tài tình của Sơn Nam là sau cái bề ngoài giản dị như vậy, ông vẫn tỏ ra là một người hóm hỉnh sắc bén, ông diễn tả được những sự thực tâm lý tế nhị. Trong truyện Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư, một thầy phái viên nhà báo ở Sài Gòn xuống thu tiền từ một độc giả ở tận một miền quê heo hút dưới Rạch Giá. Ðôi bên gặp nhau lần đầu, sau bữa cơm chiều, độc giả buông mùng mời thầy phái viên cùng chun vào trò chuyện cho vui. Thầy phái viên ngượng nghịu, nhưng rồi cũng rón rén dở mí mùng chun lẹ vô, vì ở đây muỗi nhiều quá. Hai người cùng thuộc làu nhiều đoạn trong sách Quốc văn giáo khoa thư, kẻ này đọc “Chốn quê hương là đẹp hơn cả” người kia tiếp đọc “Ai bảo chăn trâu là khổ”, cả hai vui thích, "tâm đầu ý hợp" như đôi bạn chí thân. Nhưng sau khi vui vì có dịp gặp lại nhau ở cái tuổi thơ ấu, cùng nhau gợi lên những ngày xa xưa hồi còn cắp sách tới trường, sau đó, “không ai bảo ai, hai người lại nằm xuống lim dim. Tuổi của họ đã quá ba mươi! Nước chảy mãi mà sao đá không thấy mòn? Sợi dây cưa mãi, gỗ chưa đứt mà sợi dây sắp đứt trước. Sự nghiệp của họ nào đã có gì...”. Nỗi vui của họ thực hồn nhiên, mà nỗi buồn của họ cũng thực là thấm thía. Ít khi một cảnh “không có gì” như thế lại gợi được một cảm tưởng mênh mông đến thế về đời sống. Cho nên tác giả chỉ vì nhanh nhẹn quá mà đôi khi “có vẻ” cạn cợt, kỳ thực ông thực là tinh tế.

Ði tiên phong lập nghiệp ở đất mới, có kẻ buồn vì tàn một cuộc đời lận đận ở xóm Cà-bây-ngọp xa xôi. Lại có kẻ cuộc đời kết thúc quá thê thảm.

Truyện Một Cuộc Biển Dâu kể một cậu bé chèo xuồng chở người cha bị bệnh qua vùng ruộng sạ đang ngập nước không bờ không bến. Người cha chết, quạ kéo tới quanh xuồng. Cậu bé gặp người giữa đường có lòng tốt lo liệu việc chôn cất thây cha mình. Cậu hỏi: “Thưa bác, chôn ở đâu?”. Người kia đáp: “Nói là chôn cho đúng tục lệ chớ đất ở đâu mà chôn? Tư bề là nước. Có hai cách: Một là xóc cây tréo ở giữa đồng rồi treo trên mặt nước, chờ khi nước giật mới đem chôn lại dưới đất. Như vậy mất công lắm, diều quạ hoành hành. Chi bằng bó xác lại rồi dằn cây dằn đá mà neo dưới đáy ruộng...”.

“Thằng Kìm đập đầu xuống sàn nhà, hai tay bứt tóc:

- Trời ơi, phải biết vậy, ba tôi đi tới xứ này làm chi...

Bà Hai Tích rưng rưng nước mắt:

- Cháu đừng khóc. Trời định vậy. Ở đây ai cũng vậy; người có của, ai tới xứ này? Trách cha, trách mẹ, trách Trời, là thậm tội. Cháu thắp nhang đi...”.

Xác người dìm dưới nước, rữa ra, xương người lẫn với xương trâu rải rác. Mỗi mùa cày ruộng người ta mỗi gặp những bộ xương ấy, đành “cứ tưởng đó là xương của người hồi đời Bàn Cổ”. Tưởng như vậy cho khỏi phải đem suy nghĩ về phận làm người của chính mình! (...)

Truyện của Sơn Nam viết tuy giản dị, nhiều chỗ dễ dãi nữa, nhưng phần nhiều có thể làm bận trí người đọc bằng những suy nghĩ (...) về miền Nam (...) (và về) đời sống (...)



(Trích bài viết về Sơn Nam trong bộ
Văn học Miền Nam)







_____________
(1) Ðăng tạp chí
Bách Khoa, SG, số 130, ra ngày 1-6-1962.