“Triết thuyết Trang Tử” (3)

Nguyễn Hiến Lê




TRI THỨC LUẬN

Một lần nữa, ta lại thấy Liệt tử và Trang tử có nhiều điểm giống nhau. Cả hai đều chủ trương có những điều mình không biết được (…)

Trang tử cơ hồ đề cao tinh thần “bất khả tri” (…) “Biết rằng có những điều mình không thể biết được, đó là đạt được cực điểm của tri” (…)

Trang (…) cho rằng ngay đến thị phi, thiện ác, cũng không biết được vì cái thiện lúc này hoá cái ác lúc khác, cái phải ở đây thì không phải ở kia. Cơ hồ ông cho không có gì là chân lí cả.

Cũng như Lão tử, Trang không coi trọng trí tuệ. Lão chủ trương “khí trí” (bỏ trí tuệ đi), “tuyệt xảo” (dứt bỏ sự khéo léo đi) (…) Trang cũng coi sự rời hình thể, bỏ trí tuệ (…) (li hình, khứ trí) là đạt được mức tối cao của sự tu dưỡng (…)

Mục đích là (…) tìm hiểu lẽ tự nhiên (Đạo) rồi sống theo tự nhiên để “hưởng hết tuổi trời”. Công việc tìm hiểu đó chỉ dùng trực giác mà thực hiện được. Dùng trực giác nghĩa là đứng ở cái chốt của Đạo (Đạo xu), tức cái trung tâm, để ứng với cái biến hoá vô cùng trên cái vòng bánh xe (thiên quân) xoay hoài chung quanh.

Dùng trực giác thì đâu cần tới sách vở. Trông thấy năm xe sách của Huệ tử, chắc Trang phải mỉm cười cho bạn là hạng “tiểu trí”, đứng trên cái vòng bánh xe mà phân biệt những cái nhỏ nhặt, chứ không phải là đại trí, đứng ở trung tâm để bao quát được hết thảy (…)

Trang bảo “đừng suy luận gì hết sẽ thấy được Đạo”. Càng suy luận chỉ càng thêm rối mù (…)

Không nên suy luận, mà tranh biện lại càng không nên, vì ngôn ngữ (...) không diễn được Đạo (...)

Vì chủ trương dùng trực giác chứ không suy luận, nên phái Lão, Liệt, Trang không cống hiến gì nhiều cho tri thức luận của Trung Hoa (...)

CHÍNH TRỊ LUẬN

Cũng như Lão và Liệt, Trang chỉ đưa ra ít nguyên tắc, không đi vào chi tiết (cách tổ chức xã hội, trách nhiệm của vua, quan, giáo dục, kinh tế, võ bị v.v.) như Khổng phái, vì chủ trương (...) vô vi (...)

Trong bài VII.3, Trang tử còn cho Người Không Tên nổi giận khi Thiên Căn (tưởng tượng) hỏi cách trị thiên hạ:

“Cút đi! Quân thô lỗ! Hỏi gì mà thấy ghét! Ta giao du với tạo vật, chán rồi thì cưỡi con chim “phiếu điểu” để bay ra ngoài vũ trụ và tiêu dao ở chỗ hư vô tịch mịch, trong cõi khoáng đãng, sao anh lại đem cái việc trị thiên hạ ra làm bận lòng ta!”.

Thiên Căn gặn hỏi nữa. Người Không Tên đáp:

“Anh rán tập cho lòng anh điềm đạm, thần khí anh điềm tĩnh, cứ thuận theo tính tự nhiên của vật, đừng có một chút tư ý, như vậy thiên hạ sẽ thái bình.”.

Người Không Tên đó chính là Trang (…) “Điềm tĩnh, cứ thuận theo tính tự nhiên của vật, đừng có tư ý”, hàng chữ đó tóm tắt được hết tư tưởng chính trị của ông. Tư tưởng đó, ông chịu ảnh hưởng của Lão và của Liệt. Lão là người đầu tiên đưa ra chính sách vô vi (...)

Trang không nói ra, nhưng ta phải hiểu ngầm rằng trong xã hội lí tưởng của Trang chỉ có nông nghiệp là cần thiết: Dân phải ăn cho no rồi mới vỗ bụng đi chơi được; còn về mặc thì chẳng phải nuôi tẳm, ươm tơ, dệt lụa cho mất công (cái đó thuộc về công nghệ rồi), có thể dùng vỏ cây (...) chỗ ở thì đã có hang đá và cành lá trong rừng. Xã hội lí tưởng đó chắc không khác xã hội (lí tưởng theo) Lão tử (...) là bao nhiêu (...)

NHÂN SINH QUAN

Sống ung dung, vui vẻ, thoả thuê, không để cho xã hội bó buộc mình, sống theo bản tính của mình và thuận theo tính của vạn vật, sống cho hết tuổi trời, không quan tâm tới sinh tử, đó là quan niệm “tiêu dao”, thảnh thơi, tự tại của Trang, và Trang không phải vô cớ đã đặt nó ngay lên đầu tác phẩm của mình.

Muốn tiêu dao thì phải:

- Thuận thiên: Trời cho mình làm con chim bằng tung cánh bay được hàng vạn dặm, thì mình cứ đập nước cho tung toé mà lên cao tới trời xanh; nhưng nếu trời cho mình là con chim cút chỉ lên cao được vài nhẫn thì cứ bay liệng trong đám cỏ bồng cỏ cảo, cũng sướng như con chim bằng vậy, ước ao được như nó làm chi? Trời cho mình thọ trăm năm thì cứ hưởng trọn trăm năm, đừng than thở làm sao không được như ông Bành Tổ sống bảy trăm năm, vì có tinh thần không “tự tại” thì dẫu có thọ được như ông Bành Tổ, cũng vẫn chưa thoả mãn, sẽ ganh tị với con rùa thần sống mấy ngàn năm hoặc cây xuân sống mấy vạn năm. Trời cho mình có tài mà gặp thời, được giàu sang tột bậc thì cứ hưởng cảnh giàu sang; có tài mà không gặp thời thì bện dép sống trong căn nhà lá cũng có cái vui riêng của cuộc đời bình dị, tự do.

Thuận thiên còn có nghĩa là tiếp vật theo bản tính của mọi vật, theo luật thiên nhiên (...) Chủ trương thuận thiên là chủ trương của Khổng Mạnh, Lão Trang, có thể nói là xu hướng của dân tộc Trung Hoa nữa, trái hẳn với chủ trương “chế thiên” của Ki-tô giáo và các dân tộc phương Tây, vì trong triết học Trung Hoa cho tới đời Thanh chỉ có một mình Tuân tử là muốn “chế thiên” nhưng học thuyết của ông chỉ thịnh từ cuối Chiến Quốc tới Tần Hán, rồi sau không được nhắc tới (...)

- Bất đãi: không chờ đợi, tức không tùy thuộc một cái gì (...)


(Nguyễn Hiến Lê,
Trang tử và Nam Hoa kinh)