Tức là, kết quả nghiên cứu khảo cổ học ủng hộ ý kiến của Đào Duy Anh, Bình Nguyên Lộc, Trần Quốc Vượng v.v. rằng địa bàn cư trú nguyên thủy của cái đại chủng trong đó có dân tộc Việt Nam đã rất mênh mông.

Ðọc trình bày sau đây, thấy có đôi điều cần nêu:

Thứ nhất, Hoa Nam là phần Trung Quốc phía nam Hoàng Hà chứ không phải phía nam Trường Giang. Phía nam Trường Giang gọi là Giang Nam.

Thứ hai, đại chủng nói trên xưa kia đã ở cả phía bắc Trường Giang chứ không phải chỉ phía nam. Bởi lưu vực sông có hai bên chứ đâu phải một. Như nước Sở thì phần lớn diện tích là thuộc phía bắc Trường Giang.

Như Hà Văn Tấn viết trong lời giới thiệu: “Nói là nam Trung Quốc nhưng Trình Năng Chung chỉ tập trung trình bày có ba tỉnh là Vân Nam, Quảng Tây và Quảng Ðông. Nói là thời tiền sử nhưng Trình Năng Chung (...) chỉ đề cập đến thời đại đá...”.

(Thu Tứ)

(1) Xem chẳng hạn, “Nền văn hóa chung rất xưa” của Ðào Duy Anh.



Trình Năng Chung, “Hoa Nam xưa và ta”



Cho đến nay đã có thể khẳng định mối giao lưu, tiếp xúc văn hóa nhiều chiều giữa khu vực bắc Việt Nam với khu vực nam Trung Quốc trong thời tiền sử. Do vị trí địa lý tự nhiên mà so với nhiều nước khác trong khu vực, Việt Nam là nơi diễn ra nhiều đợt giao lưu sớm nhất và mạnh mẽ nhất. Ðặc biệt là trong giai đoạn tiền sử khi mà con người không bị ràng buộc bởi môi trường xã hội, vào đường biên giới lịch sử. Sống trong một môi trường sinh thái chung rộng lớn, những cư dân tiền sử đã hình thành những mối liên hệ, giao lưu tự nhiên hoàn toàn tự nguyện, chủ động. Trong quá trình tiếp xúc, họ đã trao và nhận ở nhau những yếu tố văn hóa, kỹ thuật cần thiết cho cuộc sống.

Nghiên cứu mối quan hệ văn hóa thời tiền sử giữa bắc Việt Nam và nam Trung Quốc giúp ta thấy rõ những cơ sở vật chất (...) (đã khiến) hình thành khối tộc người Bách Việt.

(...)

Về điều kiện tự nhiên, miền bắc Việt Nam và miền nam Trung Quốc có chung nhiều nét. Xét cấu tạo địa chất cũng như địa hình địa mạo, vùng nam Trung Quốc gắn liền với khu vực Ðông Nam Á lục địa nhiều hơn là với khu vực phía bắc Trường Giang. Lịch sử địa chất cho thấy vùng núi và cao nguyên phía bắc Việt Nam thực chất là điểm cuối cùng về phía đông nam của cao nguyên Vân Quý.

Khí hậu hai khu vực về cơ bản khá giống nhau, đều thuộc khí hậu á nhiệt đới và nhiệt đới gió mùa (...) Chính những đặc điểm này đã góp phần không nhỏ tạo nên những đặc trưng văn hóa gần gũi giữa hai vùng trong suốt thời tiền sử và sơ sử.

(...)

Nghiên cứu nam Trung Quốc và Ðông Nam Á thời tiền sử, chúng ta thấy (...) những cư dân cổ ở khu vực này đã có truyền thống chế tác cuội từ rất xa xưa (...) Ðặc trưng này khiến cho diện mạo văn hóa tiền sử vùng Hoa Nam khác với vùng Hoa Bắc, nơi mà kỹ nghệ mảnh ngự trị khá bền vững trong suốt thời đại đá (...) Có thể coi nam Trung Quốc là một bộ phận khăng khít, rất quan trọng của văn hóa Ðông Nam Á thời tiền sử (...)


(Trích Trình Năng Chung, “Thay lời kết”,
Mối quan hệ văn hóa thời tiền sử giữa bắc Việt Nam và nam Trung Quốc, nxb. Khoa Học Xã Hội, VN, 2009. Nhan đề phần trích tạm đặt.)