Có thể dẫn chứng bằng chiếc áo dài, mà chính Trần Ngọc Thêm đã rất xác đáng cho rằng có chứa yếu tố Tây phương.(1)

Cái ngực nổi là Tây, nhưng cả cái áo lại hiển nhiên ta, hay ở chỗ đó!

Làm sao thời ấy ta hay thế nhỉ?

Vào thời tiền chiến, nội lực văn hóa của dân tộc Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn. Ta còn hóa nổi người, như đã làm trong suốt hai ngàn năm.

Than ôi, đầu thế kỷ 21 tình hình khác rất xa.

Vì nhu cầu phát triển kinh tế, nước Việt Nam phải “mở cửa”. Cửa mở thì đủ thứ hợp đồng rất có lợi cho kinh tế nước ùa vào, nhưng cũng vào theo là đủ thứ văn hóa phẩm của phương Tây. Khác hẳn trước, lần này nhờ những phương tiện truyền thông cực kỳ tối tân, văn hóa Tây không phổ biến giới hạn trong một thiểu số nào cả mà đánh sâu đánh rộng khắp các thành phần nhân dân Việt Nam bất kể sống ở đâu trên đất nước Việt Nam. Ở thôn quê ta bây giờ thanh thiếu niên đang tha hồ xem phim Mỹ, nghe nhạc Mỹ!

“Giặc” lần này đánh tận gốc, làm tiêu tan bao nhiêu nội lực dân tộc ta đã công phu luyện trong đằng đẵng thời gian!

Cứ đà này, chắc chắn sẽ không bao giờ ra đời cái gì như chiếc áo dài nữa đâu.

(Thu Tứ)

(1) Xem bài Khêu Gợi Tế Nhị của TNT trong mục Nghiên Cứu / Văn Hóa Việt Nam.



Trần Ngọc Thêm, “Không thu nguyên con”



Nét độc đáo của văn hóa Việt Nam là khi tiếp thu một hiện tượng văn hóa ngoại lai, nó không tiếp nhận nguyên cả hệ thống mà thường tiếp nhận các yếu tố riêng lẻ (...) để rồi cấu tạo lại theo cách của mình lập nên một hệ thống mới


(Trích Trần Ngọc Thêm,
Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, nxb. TPHCM, VN, 2001, in lần 3, tr. 496. Nhan đề phần trích tạm đặt.)