Văn hóa Việt Nam vốn có truyền thống phồn thực, rất thoải mái về chuyện tính giao.

Trong cuộc sinh tồn, văn hóa ta đã hai lần gặp thứ văn hóa không giống mình.

Ðầu tiên, ta gặp văn hóa Tàu, “căng” hơn ta về chuyện ấy.

Rồi ta gặp văn hóa Tây, càng căng hơn ta về chuyện ấy (đây nói Tây trước kia, không phải nói Tây bây giờ).

Tây căng quá rồi hóa ẩn ức, thì mới cần được chữa bằng phép phân tâm (do Tây phát minh). Bệnh gì chứ bệnh ẩn ức sinh lý thì dân quê Việt Nam xưa kia không hề có mắc đâu, xin được miễn chữa!

(Thu Tứ)



Nguyễn Văn Trung, “Ẩn ức gì đâu”




tr. 148-151:

Khi bàn đến nguyên nhân hiện tượng tục trong thơ nôm được gán cho Hồ Xuân Hương (...) có quan niệm gắn liền cái tục với những hiện tượng ẩn ức (...) u hoài chua chát (...) ám ảnh bệnh hoạn, khát vọng tiềm thức và do đó chủ trương dùng phân tâm học của Freud để giải thích nguyên nhân cái tục (…)

Theo chỗ chúng tôi nhận định đó là một ngộ nhận lớn về cái tục và về Freud.

Ngộ nhận vì đã gắn liền cái tục với hiện tượng ẩn ức trong quan niệm phân tâm học của Freud (...) Thực ra, nếu muốn áp dụng phân tâm học vào việc tìm hiểu, phân tích văn học, thì không phải vào thứ văn chương tục, mà là vào thứ văn chương thanh (...) vào người không dám văng tục, chửi tục (...)

tr. 160:

Cái tục của người Việt Nam xuất phát từ một thái độ rất lành mạnh, một tình trạng quân bình về tâm trí.


(Nguyễn Văn Trung,
Ngôn ngữ và thân xác, nxb. Trình Bày, Sài Gòn, trước 1975. Nhan đề phần trích tạm đặt.)