“Triết thuyết Trang Tử” (2)

Nguyễn Hiến Lê




VŨ TRỤ LUẬN VÀ CĂN BẢN LUẬN

Ở đây tôi (...) gom góp những ý rải rác trong mỗi chương của Nội thiên về bốn vấn đề: vũ trụ luận và căn bản luận, tri thức luận, chính trị luận và nhân sinh quan, để độc giả thấy hệ thống tư tưởng của Trang (...)

Ông đã được nghe nhiều thuyết về vấn đề khởi thủy của vũ trụ; bài II.6 ông ghi lại ba thuyết:

“Cổ nhân có người tri thức đạt được tới cực điểm. Cực điểm đó ở đâu? Ở chỗ cho rằng thời sơ khởi vũ trụ không có vật: đó là điểm cực xa, cực cao mà tri thức đạt được, không thể thêm gì được nữa. Hạng người thấp hơn cho rằng thời sơ khởi đã có cái gì đó, nhưng cái đó không nhất định. Hạng thấp người hơn cho rằng cái đó đã nhất định nhưng nhận rằng không có thị phi (phải trái, xấu tốt)”.

Đọc đoạn đó ta ngờ rằng ông cho thuyết khởi thủy không có gì cả - tức chủ trương “hữu” từ “vô” mà ra của Lão tử, và Liệt tử – là cao hơn cả, thâm thúy hơn cả, chấp nhận được.

Nhưng qua bài sau, II.7, ông lại tỏ vẻ nghi ngờ (...) Quả là ông không có ý kiến gì cả. Ông nhận rằng không giải được vấn đề hữu vô người trước đã đặt ra.

Bài II.2: ông cũng không biết được chủ tể của vũ trụ là gì, có chủ tể hay không? “Ví thử có một chủ tể thực đi thì chúng ta cũng không thấy dấu hiệu, vết tích gì của nó. Thấy tác động mà không thấy hình thể nó.”

Nó không có hình thể, vậy nó là “phi vật” – không phải là vật – không phải là ông trời, là Thượng đế, nhưng quả nó có tác động. Ông theo Lão tử, gọi nó là Đạo.

Nó “phi vật” còn có nghĩa nó là “tự gốc của nó”, trước khi có trời đất đã có nó rồi. Tác động của nó là “tạo ra quỉ thần, Thượng đế, nó sinh ra trời đất, vạn vật. Nó ở trên thái cực mà không cao, dưới lục cực mà không sâu, có trước trời đất mà không phải là trường cửu, có trước thời thượng cổ mà không phải là già. (VI.1)

Nó không có hình trạng, nó ở khắp nơi, vì mọi vật đều từ nó mà ra rồi hợp nhất với nó (II.4). Tuy nó tác động khắp nơi như vậy mà nó vẫn là “vô vi”, không làm gì cả, vì nó tự nhiên mà tác động (không có ý thức, không dụng tâm), nó là “tự nhiên” (VI.5).

Trang tử đặt vào miệng Hứa Do những lời dưới đây để ca tụng nó, mà ông gọi là Đại tôn sư của ông (VI.1):

“Hỡi đại tôn sư của tôi, đại tôn sư của tôi!
Người làm cho mọi vật điêu tàn mà không phải là vì nghĩa,
Người gia ân cho tới vạn đại mà không phải là vì nhân.
Người có trước thời thượng cổ mà không phải là già,
Người che chở trời đất, đục đẽo mọi hình thể mà không phải là khéo (…)” (...)

Đạo sinh ra vạn vật mà ta là một trong những vạn vật đó, nên không biết được nó, nhưng dùng kinh nghiệm và trực giác, chúng ta có thể nhận xét tác động của nó để thích ứng với nó.

Tác động của Đạo là biến hoá. Từ khi mới biết suy nghĩ, loài người tất đã thấy sự biến hoá trong thiên nhiên rồi, chẳng những biến hoá mà còn tuần hoàn nữa, hết một vòng rồi trở về nguyên thuỷ: hết ngày rồi tới đêm, hết đêm lại trở lại ngày; hết xuân tới hạ, tới thu, đông, hết đông lại trở về xuân.

Lão tử có lẽ là người đầu tiên coi luật đó là một biểu hiện của Đạo, khi ông bảo: “Phản giả, Đạo chi động” (chương 40). “Động đó tức là biến hoá. Liệt tử trong bài 1.10 nhận thấy rằng vạn vật cứ sinh sinh hoá hoá, vận chuyển hoài không ngừng, giảm ở phía này thì tăng ở phía khác, đầy ở kia thì vơi ở đây, cứ chầm chậm mỗi ngày một chút. Không đột nhiên tăng lên, không đột nhiên giảm đi”. Còn Trang tử thì nói: “Hình thể của con người chỉ là một hình thức của hàng vạn sự biến hoá của vũ trụ” (VI.1). Chắc ông cũng nghĩ như Liệt tử rằng người và vạn vật, đều từ cái hỗn luân mà biến thành “khí”, “khí” lại biến thành “hình”, “hình” biến thành “chất”, cho nên trong bài VI.4, ông cho sinh tử là sự tuần hoàn của cái “khí”.

Lúc đó ông buồn về sự biến hoá hoài không ngừng đó, như trong bài II.2:

“Khi ta đã nhận được cái hình hài của ta rồi thì ta giữ nó cho tới khi chết. Nó với những vật khác đâm nhau, mài cọ vào nhau, cùng bôn tẩu như những con ngựa, mà không có gì làm cho ngừng được. Buồn thay! Suốt đời khó nhọc mà không thành công gì cả; tân khổ, mệt mỏi mà không biết để đi tới đâu. Đáng thương thay! Như vậy mà bảo là sống, thử hỏi có ích gì không? Hình hài mà biến hoá thì tinh thần cũng biến hoá. Đó chẳng phải là điều rất thương tâm ư?”

Lần đó ông chán đời (...) Chứ bình thường ông vui hơn, như trong bài VI.1:

“Có hình thể con người cũng đủ cho ta mừng rồi. Mà hình thể con người chỉ là một hình thức của hàng vạn sự biến hoá của vũ trụ. Vậy thì ngắm những biến hoá vô cùng của vũ trụ còn thích đến đâu! Cho nên thánh nhân muốn trở về cái gốc chung của vạn vật (tức Đạo)”.

Ông nghĩ rằng vạn vật vì đều là con của Đạo cả, cho nên tuy khác nhau mà cũng chỉ là một:

“Xét chỗ dị biệt của vạn vật thì lá gan và trái mật khác nhau cũng như nước Sở và nước Việt; xét chỗ giống nhau thì vạn vật chỉ là một.” (V.1).

Cũng như khi gió thổi thì cả vạn hang lỗ đều gào thét, mỗi hang, mỗi lỗ thành một thanh âm khác nhau, nhưng hết thảy đều là “tiếng thở của đất cả” (II.1).

Cho nên “vật nào cũng là chính nó mà đồng thời cũng là vật khác. Phân biệt vật và mình thì không thấy được lẽ đó, hoà đồng với vật thì thấy được” (II.3). Quan niệm hoà đồng với vạn vật này, Trang mượn của Liệt tử.

Liệt tử có bốn bài ngụ ngôn diễn cái ý hễ hoà đồng với vạn vật thì vạn vật không hại được, mà còn giúp ta nữa, ta có thể vô lửa mà không bị cháy, vô nước mà không bị chìm, ta có thể để cho không khí nâng ta, gió đưa ta đi, có thể bay được, trường sinh được.

Trang tử có lẽ cũng nghĩ như vậy (coi bài I.1, VI.1), nhưng thái độ ông “triết” hơn. Ông hoà đồng với vạn vật để coi vạn vật như mình chứ không cầu trường sinh bất tử, vì ông đã “tề sinh tử”. Có lần ông nằm mê thấy mình hoá bướm, tỉnh dậy ông tự hỏi ông mộng thấy hoá bướm hay bướm mộng thấy hoá ông.

Giá ông không hoá bướm mà hoá cục đá, cành cây hay con bọ hung đi nữa thì ông cũng cho là thường, vì vật nào cũng là con của Đạo.

Bài III.6 chỉ có một hàng: “Chỉ cùng vi ư tân, hoả truyền dã, bất trị kì tận dã” mà tôi dịch thoát là “Hết thanh củi này tới thanh củi khác, nhưng lửa vẫn lan tới vô cùng”.

Câu đó có nhiều cách hiểu (...) Diệp Ngọc Lân cho rằng củi trỏ hình thể, ngọn lửa trỏ tinh thần, hình thể mất mà tinh thần không. Tôi cho rằng lửa ở đây trỏ sự sống: chết là bỏ cái thể xác hiện thời của ta mà lấy một thể xác khác. Sự sống cứ truyền như vậy tới khi nào ta trở về với Đạo, như trong bài II.4 Trang đã nói: “Không vật nào có sinh thành huỷ diệt cả vì rốt cuộc đều hợp nhất ở Đạo” (...)

Phải, cái gì cũng trở về bản căn hết. Các nhà khoa học đã nhận thấy từ lâu trong vũ trụ không có cái gì mất đi, cái gì tạo ra; chỉ có biến đổi từ thể này qua thể khác, từ hình này qua hình khác… Trang tử không phải là nhà khoa học, mà thời ông sống, đạo Phật chưa truyền qua Trung Hoa, ông không biết các luật khoa học, và thuyết luân hồi, nhưng ông đã cảm thấy một cách sâu sắc luật biến hoá trong vũ trụ. Ông nghĩ rằng chúng ta chết rồi có thể biến thành bất kì một vật nào khác như đổi căn nhà (VI.6) mà vật cũng vậy, cũng có thể biến thành người, và dù biến thành gì thì vật và ta rốt cuộc cũng trở về Đạo, “qui căn”, hợp nhất với Đạo. Đó là một tư tưởng đặc sắc của ông, làm căn cho thuyết không phân biệt ta và vật, trọng thiên tính và sự tự do của vạn vật. Biến hoá như vậy có theo một trình tự nào không? Không, ông không tin rằng có một trình tự nào cả, chẳng hạn như từ con kiến thành con sâu, con chim, con ngựa, con khỉ, rồi người, thánh, thần, vân vân… Vì vạn vật đều ngang nhau, đều là một cả, sao lại có trên có dưới được (...)

Vậy thuyết của Trang (...) là thuyết biến hoá, không phải là thuyết tiến hoá (...) cả vũ trụ chỉ là một sự biến hoá không ngừng và do luật biến hoá đó mà không biết đâu là thuỷ là chung, là sinh là tử, như trên một bánh xe quay tròn.

“Người ta phân biệt sống và chết. Sự thực sống cũng là chết” (II.3), vì chết thì chỉ như đổi nhà, chỉ là sống một đời sống khác ở trong một thể xác khác; xét về kiếp trước thì là tử, mà xét về kiếp sau thì là sinh. “Cái kia tự cái này mà ra, cái này cũng tự cái kia mà ra”, chung từ thuỷ mà ra, thuỷ lại từ chung mà ra, chung cũng là thuỷ, mà thuỷ cũng là chung.

Không có cả thị phi nữa, vì thị hay phi là tương đối. Cái “phải” (thị) biến hoá hoài mà cái “không phải” (phi) cũng biến hoá hoài. Biến hoá tuỳ theo thời đại. Ở thời đại săn mồi, hái trái chẳng hạn, hiếu chiến là một đức tốt vì người ta phải tranh nhau con mồi; qua thời đại nông nghiệp, hiếu hoà mới là đức tốt vì có yên ổn mới có trồng trọt được. Rồi trong thời đại kĩ nghệ của chúng ta, nhiều giá trị thời nông nghiệp đã suy tàn, như chế độ gia đình, quan niệm hiếu và trinh… và chúng ta lại có những giá trị khác: ganh đua để thành công, nghĩa là để kiếm được nhiều tiền, sản xuất cho mạnh mà tiêu thụ được nhiều. (Coi “Bốn thời đại của nhân loại” trong Những vấn đề của thời đại – 1974).

Quan niệm thị phi còn thay đổi tuỳ nơi (...) Liệt tử (...) nói: “Người nước Viêm khi cha mẹ mất thì cắt lấy thịt liệng đi, còn xương thì đem chôn. Người nước Cừ, cha mẹ chết thì chất củi mà thiêu, khói bốc lên cao, bảo cha mẹ lên cõi xa” (...) hành động khác nhau như vậy mà người các nước đó đều cho là báo hiếu cả (...)

Tốt hay xấu cũng vậy, không có “chính xứ”, “chính vị”, “chính sắc”, như Vương Nghê nói với Niết Khuyết trong bài 10 Tề Vật Luận:

“Chẳng hạn một người nằm chỗ ẩm thấp (trong bùn) mà đau lưng tê liệt nửa người, nhưng một con lươn thì có sao không? Một người ngồi trên ngọn cây thì run rẩy sợ sệt, nhưng con khỉ có vậy không? Chỗ ở của người và hai con vật ấy, chỗ nào là lí tưởng (chính xứ)?

Người ta ăn thịt dê, bò, chó, lợn; hươu nai ăn cỏ; rết thích ăn rắn con; cú mèo và quạ thích ăn chuột. Khẩu vị của bốn loài đó, khẩu vị nào là lí tưởng (chính vị)?

(...) nàng Mao Tường và nàng Lệ Cơ được mọi người khen là đẹp, vậy mà thấy họ tới thì cá lặn sâu, chim bay cao, hươu nai chạy dài (...) cái đẹp nào là lí tưởng (chính sắc)?”

Cũng không biết được đâu là hoạ, đâu là phúc:

“Nàng Lệ Cơ con gái viên quan giữ biên giới ở đất Ngãi. Khi vua Hiến Tông nước Tấn đón nàng về cung, nàng khóc tới uớt đẫm vạt áo, nhưng về tới hoàng cung, cùng vua đồng sàng, nếm cao lương mĩ vị, nàng hối hận giọt lệ ngày xưa. Vậy làm sao tôi biết được khi chết rồi, người ta lại không ân hận rằng trước kia ham sống?” (II.11).

Mà làm sao biết vật nào hữu dụng, vô dụng?

Chương Tiêu Dao Du có hai bài – 4 và 5 – xét lẽ đó. Một người nước Tống chế được một thứ thuốc bôi ngón tay cho khỏi nứt nẻ (...) Gia đình người đó làm công việc đập lụa, chỉ biết dùng thuốc để bôi ngón tay cho mùa đông khỏi nứt nẻ mà đập lụa được. Một người mua lại phương thuốc, đem bán cho vua Ngô. Mùa đông, Ngô thuỷ chiến với Việt, nhờ có thuốc đó mà thuỷ quân Ngô không nứt nẻ ngón tay, thắng được Việt. Vua Ngô đem đất phong cho người bán thuốc để thưởng công (bài 4). Vậy thứ thuốc gần như vô dụng, đã thành rất hữu dụng.

Không có vật gì hoàn toàn vô dụng cả. Cây “xư” là một thứ cây lớn, gỗ xấu, nổi u, chỗ lồi chỗ lõm, cành cong queo, nên không người nào đốn để xẻ làm đồ dùng. Trang bảo: “Sao không trồng nó ở chỗ hư vô, tịch mịch, trong cánh đồng mênh mông, để những kẻ nhàn rỗi thơ thẩn dạo chung quanh thảnh thơi ngủ dưới bóng mát của nó?” (...)

Lẽ tương đối về xấu đẹp, lớn nhỏ, thọ yểu… loài người đã nhận ra được từ lâu, không phải đợi tới ông rồi mới nhận thấy (...) Ông đáng khen không phải vì tìm ra được luật đó mà vì đã diễn ra một cách rất sâu sắc (...)

Tuy nhiên ta không thể bảo Trang tử theo hoài nghi chủ nghĩa.

Không có thị phi, thị phi quay hoài trên một vòng tròn, nhưng vòng tròn đó có trung tâm, cái chốt (cái chốt đó ông gọi là “Đạo xu” – chốt của Đạo), ứng với các biến hoá vô cùng (II.3); thánh nhân dung hoà, đứng ở cái chốt đó, coi thị phi là một, mà theo luật quân bình, tự nhiên, như vậy là “lưỡng hành”, nghĩa là biết thích nghi, dùng được cả hai, tuỳ theo hoàn cảnh. Thái độ “lưỡng hành” đó chính là cái “thị”, cái phải tuyệt đối, cũng có thể gọi nó là siêu thị phi được.

Không có gì là hoạ, là phúc, nhưng có một thái độ thảnh thơi tự tại, thuận thiên tính, sống theo khả năng của mình mà hưởng hết tuổi trời, không ganh tị, so sánh với ai, hoàn toàn tự do, không tuỳ thuộc một cái gì, không trọng sinh khinh tử, coi sinh tử như nhau; thái độ tiêu dao đó, theo ông là hạnh phúc tuyệt đối.

Do luật tương đối đó và do lẽ muôn vật đều từ Đạo mà ra, rồi biến hoá không ngừng để cuối cùng lại hợp nhất với Đạo, cho nên mọi vật đều ngang nhau, không có vật nào quí, vật nào tiện. Gió thổi vào cả vạn hang lỗ, tạo ra hành vạn âm thanh khác nhau, nhưng hết thảy đều là “tiếng thở của Đất” (II.1), có thanh âm nào quí hơn thanh âm nào? Sinh tử, thị phi, lớn nhỏ… cũng vậy, chỉ là những biến hoá của Đạo, cho nên sinh không đáng trọng hơn tử, thị cũng không hơn gì phi, mà lớn (ngọn núi) cũng như nhỏ (đầu sợi lông) chứ không hơn gì…

Ý “vật tề” (mọi vật ngang nhau) này chúng ta ta đã thấy trong một ngụ ngôn của Liệt tử. Trong một bữa tiệc, họ Điền nước Tề nhìn các món cá và chim nhạn người ta dâng lên, bảo: “Trời hậu đãi loài người quá, sinh ra ngũ cốc, cá chim cho chúng ta ăn”. Một em bé đứng lên phản đối: “Không đúng như lời ngài nói. Vạn vật trong trời đất với chúng ta đều là sinh vật cả, không loài nào quí, không loài nào hèn (…) Không loài sinh vật nào sinh ra để cho loài khác ăn thịt. Loài người thấy cái gì ăn được thì ăn, trời đâu có vì người mà sinh ra các loài đó. Muỗi mòng kia đốt da ta, hổ lang kia ăn thịt ta, có thể nói là trời vì chúng mà sinh ra chúng ta không?” (Liệt tử - VIII.28).

Chủ trương đó trái với hết thảy các triết gia khác, nhất là Mạnh tử. Mạnh cho rằng bản chất của mọi vật là không đều nhau, có vật đáng giá gấp hai hoặc gấp năm vật khác, có vật đáng giá gấp mười, gấp trăm, hoặc gấp ngàn gấp vạn vật khác (...) Mà trong xã hội có hai hạng người: hạng “quân tử” có tài đức lo việc trị dân, và hạng “tiểu nhân” tài đức kém, phải lo cấp dưỡng cho hạng trên. Thuyết bất đồng, bất tề đó làm cơ sở cho chính sách tôn ti trong tổ chức xã hội.

Trang tử cho rằng xét bề ngoài thì quả như Mạnh tử nói (...) nhưng xét sâu hơn thì vật nào cũng do luật biến hoá của Đạo mà ra cả, đều có một phận riêng trong một giai đoạn nào đó, hết giai đoạn đó lại biến thành một vật khác, cho nên không có vật nào không có công thuyết dụng, công dụng nào cũng quan trọng như nhau, không có quí, có tiện. Huống hồ dù thuộc hạng nào thì hết thảy cũng có bản tính, khả năng riêng do Đạo phú cho, đều có thể thảnh thơi tự tại như nhau, cho nên con chim cút không ước ao được như con chim bằng mà còn mỉa nó nữa: “Tôi lên cao vài nhẫn rồi xuống, như vậy đủ rồi, con chim bằng kia bay đi đâu vậy kìa” (...)

Tóm lại, Trang tử tìm hiểu tác động của Đạo, thấy nó sinh ra vạn vật, vạn vật biến hoá rồi qui căn, do đó ông rút ra được mấy luật này:

- vạn vật với ta là một, không phân biệt ta và vật;
- không có gì là quí tiện, vạn vật đều ngang nhau hết,
- không có gì là thị phi.

và sau cùng đưa ra chủ trương dưới đây để mong cứu vớt xã hội:

- chúng ta phải có thái độ “lưỡng hành”, theo luật biến hoá tự nhiên;
- phải “tề vật”, coi vạn vật hoàn toàn bình đẳng,
- phải “tiêu dao” và để cho vạn vật hoàn toàn tự do cũng như ta.

Chúng ta nhận thấy rằng Trang chỉ bàn về Đạo và quan niệm về Đạo của ông giống quan niệm của Lão; còn về Đức thì ông không hề nhắc tới (…)


(Nguyễn Hiến Lê,
Trang tử và Nam Hoa kinh)