Võ Phiến, “Vũ Khắc Khoan”




Vũ Khắc Khoan, ông có vai trò đặc biệt trong ngành kịch ở Miền Nam. Có thể nói Vũ Khắc Khoan là kịch Miền Nam (...)

Ông đóng kịch, viết kịch, dạy kịch, biên khảo về kịch (...)

Trong lịch sử nghệ thuật sân khấu ở nước ta mấy ai đóng góp nhiều hơn ông, bằng ông?

*

Con người say mê kịch và đóng góp nhiều cho kịch Việt Nam ấy là một nhân vật độc đáo. Kể ra không có một người nào có thể là đơn giản; và một tác giả, một nghệ sĩ lại càng rắc rối hơn. Tuy nhiên, ông Vũ Khắc Khoan thì ông không chỉ phức tạp thôi; ở ông có những khía cạnh mâu thuẫn nhau.

Hãy nói về cái ngoại hình trước tiên. Cao Huy Khanh mô tả: “dáng điệu luôn luôn đầy vẻ trầm tĩnh chững chạc, quá sức là nghiêm chỉnh, khi đi đầu thường cúi xuống gật gật gù gù, tay trái luôn luôn thọc vào túi quần coi đầy vẻ đăm chiêu suy tưởng rất ngoạn mục”, “khuôn mặt ông ta. Ðúng là một chân dung khắc bằng đá, những đường nhăn hằn sâu trên trán, những nét ngoằn ngoèo sắc cạnh như đục sâu vào má, những vết hằn in cứng và đậm nét như thể những vết hoa chạm trổ trên mặt, cặp mắt lồi đến độ có thể nhìn thấy những tia máu vẩn đỏ trong đó (...) đôi mắt khi nào trông cũng đỏ ngầu, dáng điệu thì sật sật sừ sừ chừng như (...) vừa mới uống rượu đế xong, đã vậy mà mái tóc muối tiêu thì lại bờm xờm chất cao cả một đống trên đầu.” “Quả thực ông ta trông giống Thành Cát Tư Hãn ghê (...) Ðúng là người nào thì nhân vật nấy, Vũ Khắc Khoan mà đóng vai Thành Cát Tư Hãn tất phải là rất tuyệt.”

Cao Huy Khanh bảo ông Vũ giống hệt Thành Cát Tư Hãn. Còn ông Vũ thì nói đi nói lại ba bốn lần trong vở kịch rằng Thành Cát Tư Hãn là con người “sừng sững, lầm lì, khốc liệt và hầu như vô giác” (...)

Cũng về ông Vũ Khắc Khoan, chính ông Vũ ấy, Ðặng Tiến đã kể lại một kỷ niệm. Bấy giờ là cuối 1965, ông Vũ rủ ông Ðặng ra Huế dự hội thảo tại viện đại học Huế. Buổi tối, trên diễn đàn một nhà hùng biện thao thao thuyết giảng: Cộng sản là một chủ thuyết, vậy muốn chống cộng, chúng ta cần phải có một chủ thuyết. “Anh Khoan rỉ tai: đi ăn phở, rồi đứng dậy, bệ vệ đi ra. Tôi đi theo.” Gần hăm lăm năm sau, vào dịp tết 1990, trên báo Thông Luận ông Ðặng (ký Tuyết Chi) nhớ người bạn vong niên quá cố, nhắc chuyện cũ, làm sống lại cái nét tinh quái bất ngờ của con người khốc liệt. Cái “rỉ tai” của ông Vũ thật lý thú, không phải người thân cận không có dịp bắt gặp.

Thân cận với ông Vũ vào những ngày cuối cùng là một người bạn vong niên khác: Nguyễn Cao Ðàm. Trong bài điếu văn đọc trước linh cữu Vũ Khắc Khoan, ông Nguyễn cho biết: “Ông là một kho tàng những câu chuyện dí dỏm (...) Ngay trên giường bệnh, những nhận xét khôi hài dí dỏm lan cả ra thầy thuốc, y tá, và bệnh nhân láng giềng. Buổi chiều chủ nhật mồng bảy tháng chín, trên tầng lầu 4 im vắng của bệnh viện Fairview, chỉ có tiếng cười không kiềm chế được phát ra từ phòng bệnh số 419 cũng vì những câu chuyện của ông, về ông.”

Vị Tư Hãn của Mông Cổ - lầm lì, khốc liệt, vô giác - tình cờ nghe được những tiếng cười ấy ắt phải sững sốt. Càng sững sốt khi biết ngày mồng 7 tháng 9 nói trên đây chỉ cách ngày ông Vũ qua đời chưa đầy một tuần lễ.

Những cái mâu thuẫn như thế về ông Vũ không phải do lỗi của kẻ ghi chép (...) Chắc chắn Cao Huy Khanh đúng mà Nguyễn Cao Ðàm cũng đúng. Nhờ thế Vũ Khắc Khoan viết được cả Thành Cát Tư Hãn cả Ngộ nhận. Corneille chỉ có bi kịch, Molière chỉ có hài kịch. Ở Vũ Khắc Khoan, có chỗ cho Thành Cát Tư Hãn ngồi lừ lừ, mà cũng có đủ chỗ cho thằng Cuội tha hồ lếu láo, đùa giễu, nghịch ngợm (...)

Vũ Khắc Khoan (...) có bài kệ Rong Chơi:

“Ta thường ở đó
Ngã ba cuộc đời
Tầm xuân xanh biếc
Mây trắng lên khơi
Ta thường đến đó
Ngã ba cuộc đời
Ðăm đăm theo hút
Chân ai chân ai
Tà huy lay lắt
Lay lắt hoa rơi
........................
Ai trụ ở đó
Ta hay là ngươi
Ai trụ ở đó
Ngã ba cuộc đời
Tầm xuân vẫn biếc
Mây vẫn rong chơi
Ta vẫn rong chơi
Ngã ba cuộc đời.” (...)

Kệ này (...) đặc sắc (...) ở lời, ở cái nhịp điệu (...) Lời ấy, điệu ấy (gợi) một phong cách rong chơi tuyệt hảo (...)

Ông Vũ (...) rong chơi nhẹ thênh. Ông chẳng thiết gì, ngoài một khoản rượu, chẳng hạn.

Vũ Khắc Khoan (...) về già, lâu lâu viết chút ít thơ. Nhớ bài Vọng Cố Nhân. Bấy giờ ông lão nằm ở Minnesota lạnh lẽo thê lương, nhớ cố nhân, cố hương, cố sự, hướng về đâu cũng ngát mùi rượu:

“Khui chai rượu nhỏ
Hồ trường biết rót phương nao?
Chợ Cũ hay là Chợ Lớn
Phố Hàng Khay hay phố Hàng Ðào?
Quán cóc mái xiêu chợ Ðũi?
Sông Hương chiều lộng gió Lào?
Thôn Vĩ hàng cau bụi trúc?
Nguyễn Tri Phương hay góc Ða Kao?
Sương khuya nhuốm bạc mái đầu
Bạn vàng kẻ trước người sau
Giới nghiêm cũng mặc hẻm nào cũng vô
Ờ lại có những chiều nổi gió
Rượu ngà ngà cổ áo nâng cao
Khói huyền dâng lên mờ sao
Ðêm Ba-tư quánh màu ma túy...” (...)

(Rong chơi) là ông Vũ, sắm nắm dấn thân (như nhân vật họ Ðỗ trong Thần tháp Rùa) cũng là ông. Cũng như lầm lì là ông, mà đùa giỡn giễu cợt cũng là ông (...)

(Lại còn) chuyện chủ thuyết hay không chủ thuyết.

Ở Huế, nghe người ta tỏ ý muốn lập thuyết chống cộng, Vũ Khắc Khoan liền kéo Ðặng Tiến bỏ phòng họp đi ăn phở, ra ngoài đường ông vừa đi vừa tiếp tục chế giễu phép chống cộng bằng chủ thuyết. Trong khi ấy Cao Huy Khanh cho rằng lập thuyết “Ðó là điều mà Vũ Khắc Khoan và các bạn đồng chí của ông đã miệt mài theo đuổi...” (...) Ông Vũ có lúc muốn hơn thua với cộng sản bằng chủ thuyết (...) Rồi cũng ông Vũ ấy lại có lúc viết toàn những lộng ngôn, lấy cái ngôn làm trọng hơn cái ý, lấy hình thức làm trọng hơn nội dung (...)

*

Cao Huy Khanh chê ông Vũ viết ít. Quả có ít thật. Trong một thời gian dài hơn, ông viết ít kịch hơn Ðoàn Phú Tứ, Vi Huyền Ðắc. Nhưng riêng chỗ đó không hẳn do ông lười. Có thể vì ông kỹ (...)

(Vũ Khắc Khoan viết kỹ, mà tìm hiểu về những chuyện liên quan đến cái viết của mình cũng không sơ sài, qua quýt chút nào.)

Lớp kịch tác gia trước ông (...) như những Vũ Ðình Long, Vi Huyền Ðắc, có ai am tường nguồn gốc kịch nghệ dân tộc bằng ông? có ai am hiểu hát chèo bằng ông? (...)

Lớp trước ông Vũ, không dễ có kịch tác gia nào biết chèo như ông; còn lớp sau ông, cũng không dễ có kịch tác gia nào biết về những quan niệm kịch Tây phương lúc bấy giờ như ông. Vị giáo sư kịch nghệ ấy không ngừng theo dõi các phong trào kịch nghệ Âu Mỹ (...)

Ông Vũ có truyện, có tùy bút, có tí thơ nữa; nhưng chủ yếu ông là kịch tác gia. Một kịch tác gia không phong phú, nhưng thành công.


(Trích bài viết về Vũ Khắc Khoan trong bộ
Văn học Miền Nam)