Người Mán quen khổ, thế mà phải trầm trồ cái khổ của những người Kinh lên núi trước Nam Cao, đủ biết lớp trước ấy đã chịu đựng đến chừng nào. Bát cơm Phiếu Mẫu trả ngàn vàng. Người Mán bây giờ sung túc hơn xưa nhiều, nhưng miền xuôi còn phải tiếp tục “trả” nữa cho miền ngược... (Thu Tứ)



Nam Cao, “Nhật ký ở rừng” (3)




Chủ nhà tên gọi là Kim. Anh ta đi rừng, đi ruộng suốt ngày. Vợ anh ta ngủ ở cơ. Từ hôm chúng tôi đến, anh ta cũng ngủ ở cơ. Thỉnh thoảng mới về nhà một hôm, vác theo một đoạn cây chuối thật to. Anh ta kê đoạn chuối nghiêng nghiêng, cưỡi lên trên, mồm ngậm một cái tẩu thuốc lá bằng đồng cán làm bằng một đoạn cành tre, cả hai tay cầm một con dao dài và mỏng xoèn xoẹt thái cây chuối rất nhanh, rất nhẹn. Thái xong, anh hót tất cả, cho vào cái chảo to đặt trên lò, đổ nước vào ninh. Anh ninh suốt một ngày cho cây chuối nhừ tươm. Thế là thành ruốc mu, nấu một ngày đủ cho lợn ăn năm ngày. Lúc cho ăn, chỉ cần vẩy nước, rắc thêm vài nắm cám như rắc hạt tiêu. Thức ăn chỉ có vậy, nên phân người là mỹ vị đối với tu mu (con lợn). Mỗi buổi sáng ra ngồi ở gốc cây, phải cầm một cái roi để xua chúng nó đi. Lợn lớn, lợn con chực ở chung quanh, hầm hè nhau, liều chết xông vào, xộc ăn toăng toắc. Chúng nó tranh nhau, cắn nhau như chó vậy. Lại còn trâu! Một khám phá đối với chúng tôi: cứ thấy người ta đứng vén quần là các chú tu vài nghênh ngang hai cái sừng đến, hếch mõm lên nhìn và đợi. Dòng nước tiểu tia ra, các chú tranh nhau há mõm, lè lưỡi, đón lấy uống, thở phì phì. Nước tiểu vào cả mũi. Xong rồi, còn chúi mõm, liếm những giọt vương trên đất. Mới đầu, tôi tưởng trên núi xa nước nên chúng nó khát. Nhưng trước cửa nhà, có những vũng nước đầm đìa mà trâu không uống. Có lẽ trâu thèm chất muối.

Muối trên này quý lắm. Chúng tôi cho mỗi nhà một bát. Họ rất mừng. Thế mà muối chúng tôi để ở nhà họ có hàng bồ, họ không động đến bao giờ. Có lần chúng tôi đi vắng mấy ngày luôn. Lúc về thấy thằng Hùng - Lý Kỳ Hùng - con ông ké Xếch, mách với chúng tôi: vợ anh Kim, người đàn bà có đôi mắt to và môi nở như đầm thỉnh thoảng chúng tôi mới thấy về nhà, hết muối ăn, định lấy muối của chúng tôi. Kể chị ta có lấy cũng chẳng sao, vì chúng tôi đã dặn anh ta khi cần thì cứ lấy mà ăn. Nhưng người chồng bảo vợ: “Việt Nam độc lập, không ăn trộm của nhau”. Và vợ chồng nhà anh ăn cơm nhạt.

Anh ở nhà bên cạnh, tên cũng là Kim. Kim này đã đi giao thông hồi bí mật. Chiều chiều, tôi nghe thấy anh hát Tiến Quân Ca. Gần đúng giọng, nhưng mất chữ luôn. Anh là bố thằng bé hay lè lưỡi và là anh ruột nhình Pin, cô con gái cho chúng tôi dưa hôm nọ.

Nhình Pin vẫn hay đỏ mặt. Chị hay nói chuyện với Tư. Một lần chị cho Tư mấy bắp ngô. Tư không lấy, bởi vì thấy mọi lần hỏi mua, chị không chịu lấy tiền. Chị hỏi Tư:

- Ngô già, có phải không?

Tư không để ý lắm đến câu nói ấy. Nhưng chiều hôm ấy, khi chúng tôi quây quần chung quanh bếp với ông ké Xếch và hai đồng chí Kim, cùng nướng ngô ăn, Tư kêu ngô già thì ông ké Xếch cười mà bảo:

- Ngô không già, người già.

Hai anh Kim cùng cười to. Tư bỗng sinh ngờ. Một lối nói tình tứ chăng?

Nếu Tư đi là tôi với Khang khó chịu ngay. Bởi vì ở Vàng Kheo (Vàng Khẹt?), người ta không biết tiếng Kinh. Tiếng Tày cũng biết ít thôi. Chúng tôi cũng chẳng biết được bao nhiêu (tiếng Mán). Họ nói hơi dài, ngoài mấy tiếng thường dùng, là mình ngẩn mặt ra. Mình nói, họ cũng lắc đầu: Nắm chắc. (Không biết.) Nhưng hỏi đến cụ Hồ thì ai cũng chắc. Chắc cả đồng chí Văn (tức là Ðại tướng Võ Nguyên Giáp), đồng chí Thạch.

Vì không nói cho họ hiểu được, mới đầu Khang với tôi cứ cơm muối tràn. Hỏi mua gì họ cũng năm mi (không có), về sau học được lối của Tư: muốn gì, cứ bảo họ pày đông (đi rừng) hay pày cơ du hử khỏi (đi cơ lấy cho tôi). Quả nhiên, có rau ăn. Họ bán rất rẻ, ít thì cho không, không chịu lấy tiền. Rau cải luộc chấm muối, ăn mãi cũng chán mồm. Tôi phát minh ra lối nấu canh rau cải với muối và nước lã, cho thêm một ít gừng. Cũng tốt. Gà cu, thịt dai như thịt trâu, cũng không mua được. Ở đây, nuôi gà đến lúc nó hết sức lớn rồi cũng không chịu bán đi, nuôi gà nhỏ cho có lãi. Nhưng cụ gà già, phú quý ra thì con cháu tế thượng thọ cũng đáng rồi, vẫn được sống như thường. Họ nuôi, như để làm cảnh vậy.

Cũng may mà mật ong thì được ăn luôn. Có lần mua được của một người đi giao thông cả một cái tổ ong, anh ta gặp ở rừng, dúm lá đem về. Cầm cả cái khoai mà ăn, thú vô cùng. Có khi cơm ăn trộn mật ong. Thuốc lá Mán tẩm mật ong, hút thì ngon tuyệt. Chẳng bao lâu, Khang và tôi đã nổi tiếng khắp mấy làng Mán là những thằng “đốt thuốc lá” chứ không phải là hút nữa.

Một cái thú nữa ở Vàng Kheo là đi tắm. Quãng suối chảy xiết. Ðá sỏi trắng và vàng óng ánh dưới lòng. Những hòn đá tròn trĩnh nhẵn nhụi vừa ngồi. Có một chỗ, những tảng đá kết chung quanh thành một cái bồn ngồi lọt cả người. Một thác nước trắng xóa đổ trên đầu. Nước rất trong. Mặc dầu trời lạnh, ngày nào tôi cũng đến chỗ ấy tập thể thao, rồi nhoai người xoai xoải dưới thác nước cho nước chảy từ cổ đến chân. Khoái lắm!

Nhưng từ nhà đến suối, phải qua một cái dốc chừng vài trăm thước. Mỗi ngày trèo mấy lượt có mệt thật, nhưng lấy làm thích vì đó cũng là một cách vận động để cho đùi to ra. Càng thấy phải khuân vác, phải vất vả, càng vui. Cách mạng đã đổi hẳn óc mình. Kháng chiến chẳng những làm già dặn thêm khối óc đã đổi mới kia, còn thay đổi ngay chính thân thể mình, một ngày kia khi trở về!...

1-11-1947 - Trong khi đợi anh em công nhân thu xếp cơ quan in, Khang và tôi in đá. Nhưng mới làm việc được độ một tuần thì Tư lại lên, bàn nên thiên lại chỗ nhà đồng chí Chẩn, liên lạc với ở dưới hơn.

Lại chuyển vận gạo, muối, vải, đá luôn hai ngày. Mình khuân vác đã khá khỏe rồi. Ði núi, cũng nhanh hơn, đỡ mệt hơn. Ðường đến nhà đồng chí Chẩn, bây giờ mình thấy thường rồi. Nhưng đường lên cơ thì thật là cơ cực. Hoàn toàn không có đường đi. Dốc chết người. Nhiều chỗ phải bám lấy cây, đánh đu lên. Thế mà mình vẫn đeo nửa bị dó gạo, cố đi cho bằng được. Ði ba, bốn chuyến liền. Lúc này mình mới biết được sức của mình. Thì ra mình cũng khỏe chẳng kém gì ai. Thường thường, người ta chưa bao giờ dùng đến tất cả sức lực của mình. Một phần khả năng của ta vẫn bỏ phí hoài, đến nỗi ta không biết rằng ta có nó. Tôi thấy rằng sau kháng chiến, nếu tôi thích đi cày, đi cuốc hơn cầm bút, tôi có thể đi cày đi cuốc được. Cực nhọc không đáng sợ.

Anh bạn hỡi! Hôm đi Phú Thọ, mới phải ngồi thuyền chật, anh đã cằn nhằn suốt cuộc hành trình. Anh thật là thảm hại.

Thiên ơi! Cha sẽ mạnh dạn ném con vào cuộc đời và cuộc đời sẽ luyện con nhanh chóng hơn cha luyện. Con sẽ không chết. Con sẽ thành cứng rắn.

Tôi nghĩ đến Liên. Vợ tôi từ trước đến nay chưa bao giờ rời khỏi quê hương. Làng tôi, địch chiếm rồi. Liên đã tay bồng tay dắt, bỏ nhà cửa vườn đất, đưa con nhỏ và một bị quần áo ra đi. Tôi đã bỏ liều Liên ở một chỗ, đối với Liên hoàn toàn xa lạ, Liên có oán tôi chăng? Riêng tôi, mặc dầu có thương Liên, tôi vẫn đinh ninh rằng Liên sẽ chẳng chết đói đâu. Liên sẽ đổi, như tôi đã đổi. Phải bơi mới biết rằng mình bơi khỏe. Và thật ra, ai cũng bơi được cả.

2-11-1947 -- Ðêm qua, hơi đau mình mẩy. Nửa đêm trăng sáng. Dậy uống nước rồi thao thức mãi không ngủ được. Gần sáng, lạnh.

Sáng dậy, cơm nước xong rồi đi chặt tre chặt cây về điểm lại nhà. Nhà: lán bí mật của đồng chí Chẩn, đứng giữa hai lán nữa. Vừa bằng một cái quán bán báo tết ở Sài Gòn. Cành cây làm cột, buộc sơ sài. Mái lợp bương tươi, trông đẹp. Sân hơi thấp, bằng một cái giường to. Cạnh sân, một khoảng đất trống, chạy từ cửa nọ sang cửa kia, dùng làm bếp. Hai người ở vừa thích.

Lán bên cạnh: ba đứa trẻ con. Một anh Mán. Tội nghiệp! anh ta sốt rét nặng quá rồi. Bụng báng to phình. Mặt phù. Chân tay phù. Da bủng và mốc meo. Mấy hôm sau, biết tên anh, chúng tôi gọi anh là đồng chí Minh. Anh ốm quá, không đi làm được, nên lên lán ở với mấy đứa con. Sang chơi bên lán chúng tôi, anh ta chỉ ngồi lừ thừ nhìn chúng tôi làm việc, mồm ngậm một cái tẩu giống như cái tẩu của Kim, thong thả hút và thở khói. Hiếm họa anh mới nói. Tiếng anh rạn vỡ.

Làm được một cái giá để giấy, ba-lô, sách vở, một cái nữa để bát đĩa, thức ăn, và lát tre chung quanh cái bếp để chân (bước) cho sạch xong thì vừa trưa. Buổi chiều, nghỉ ngơi cho lại sức. Mình định đọc sách. Nhưng viết nhật ký xong thì đã gần hết chiều rồi. Ngày nào cũng ngắn, vì mình muốn làm việc nhiều quá.

Ðồng chí Chẩn mang một cuộn giấy và một cái chải lên để chúng tôi dùng, cho biết Tư bị sốt. Có lẽ vì hôm qua anh chàng làm gắng quá.

3-11-1947 -- Tư chỉ mệt xoàng, không sốt. Anh vẫn đi tìm con đường bí mật đi xuống cơ quan dưới. Cơm chiều xong, tôi đi rửa bát về thì thấy Khang đang đọc mảnh giấy nhỏ Tư gửi bà mẹ Chẩn lên. Tối nào, bà cũng đèo thằng con mồ côi của Chẩn lên lán ngủ. Cùng với bức thư, bà cụ còn đem cho chúng tôi củi, - tội nghiệp! củi ở trên này có thiếu gì? - một mớ rau bí, hai quả bí ngô non, bốn củ sắn và một cái bị của Tư. Trong bị, ngoài mấy đồ dùng lặt vặt để in đá, có một cái chân giò.

Thế có bực mình không? Lúc này, ăn nửa bữa hết vừng, tôi tức mình rang hẳn một bát để ăn cả ngày mai. Khang thái thịt ra, kho với nước lã và muối, để ăn dè. Xương, cho vào nồi với một nắm gạo ninh nhừ để sáng mai ăn.

Ông láng giềng to bụng, sợ đêm chó nhà ông ăn mất thịt của hai đồng chí, sang tận nơi dặn cất vào trong cho cẩn thận. Nhưng Khang đã cẩn thận lắm rồi. Liễn thịt để lên cao. Nồi cháo, bắc xuống cạnh đống than, đã bịt lá lên trên vung và buộc chặt, còn phủ một lượt tre tươi và đè những súc củi nặng chình chịch lên trên. Anh chó chắc phải rất sầu đời! Khang sáng hứa hôm sau sẽ cho nó một bữa xương xứng đáng. Nhưng sáng hôm sau, nó theo bà cụ về nhà. Ðen nó quá!

Hôm nay, lạnh ngay từ chập tối. Chúng tôi đốt một đống lửa to, nhưng về khuya tắt mất. Cái chăn hơi hẹp. Hai thằng nằm co quắp, xương đau mỏi.

Thức giấc, nghe gió thổi ào ào. Trăng xiên qua kẽ mái, qua bức phên thưa, lọt vào nhà. Tôi dậy thổi lửa, mũi hít phải tro. Sờ bếp, lạnh. Ðành lại vào màn nằm đắp chăn, nhưng không sao ngủ được. Nghĩ loăng quăng. Vợ con. Bà cụ nhà Chẩn. Gia đình anh ta. Người Mán...

Băn khoăn rất nhiều đến thằng con đồng chí Chẩn. Nó gầy như một con nhái bén, mềm như một lá rau úa, suốt ngày vắt trên lưng bà cụ, trong khi bà cụ đun bếp cũng như lúc đi lấy nước, nhặt củi hay vò lúa.

Mẹ chết sớm. Có lẽ bà nuôi từ thuở mới sinh. Mỗi lần bà mớm cơm cho nó, tôi thấy nó khóc, sặc, ho rũ rượi. Không sữa, lại mang trong máu bao nhiêu vi trùng sốt rét rừng, thằng bé quắt queo và thiểu não. Nó sống được cũng là sự lạ.

Bố nó năm nay hăm tám tuổi. Trông anh già hơn thế. Từ hôm có chiến sự ở đây, không ngày nào không có người đến nhà anh tạm trú và nhờ dẫn lối. Anh tốt lắm. Một lần dẫn Tư đến một địa điểm kia, ngờ có Tây ở đấy rồi, anh bắt Tư đứng chờ ở ngoài để anh vào một mình thăm dò trước. “Ðồng chí vào, tôi không yên lòng”, anh bảo Tư như vậy.

Một lần Tư hỏi anh:

- Sợ Tây không?

- Không sợ.

- Súng kíp bắn Tây chết không?

- Chết chứ.

- Sao đồng chí không đi đánh Tây?

- Người Thổ không lên rủ.

Anh đợi người Thổ lên rủ đi đánh Tây, như rủ đi săn chung một con gấu vậy.

Anh có một em trai. đồng chí Bảo, hăm hai tuổi. Biết nhiều tiếng Kinh hơn tất cả những người khác ở đây. Ðọc được chữ quốc ngữ và dạy được cả cho anh đọc. Bảo bị gấu vồ, hôm chúng tôi mới đến, những vết thương vẫn chưa khỏi hẳn. Lần sau, chúng tôi đến, anh đã gần lành. Nhưng vẫn ăn kiêng, ăn nguyên cơm với muối ớt, không dám chạm đũa đến món trứng tráng lẫn đậu nành đồng chí Chẩn chính tay làm để thết chúng tôi. Thường thường, chẳng ăn kiêng, thì món ăn cũng chỉ có muối ớt thôi. Cơm gạo rẫy thổi nát, ăn dẻo như cơm nếp, nhưng chóng ngán. Họ quen thổi một bữa, nắm một nửa cất đi để bữa sau ăn. Họ ăn chậm rãi và ăn rất ít. Không dám ăn nhiều hay sức chỉ ăn được thế? Ðời sống như vậy, chống lại với vi trùng sốt rét thế nào? Nếu nước mình không độc lập, đời sống của họ không được nâng cao, họ sẽ chết mòn hết mất thôi. Trông những làng Mán xơ xác, lèo tèo, buồn như một cái gì sắp tắt.

Thế mà người Mán tốt. Nhắc đến chuyện những nhà cách mạng hoạt động ở đây hồi bí mật, người vợ Triệu Vân Hương luôn luôn bảo với Tư:

- Cần cách mạng khổ lai! (Người cách mạng khổ lắm!)

Chị cảm động nhắc lại lời một đồng chí bảo chị ngày xưa:

- Người Mán đừng giết người cách mạng, đừng bắt người cách mạng nộp cho Tây nhé!

Người Mán không bắt người cách mạng. Người Mán đã cưu mang người cách mạng. Họ nhịn ăn, giấu cơm, đem cho người cách mạng ăn. Tây mà bắt được cơm ấy, thì họ mất đầu. Có người đã mất đầu. Nhưng họ vẫn ủng hộ cách mạng như thường. Tôi nhớ đến lời Ðại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nói chuyện với tôi:

- Nếu khởi nghĩa chậm một tháng, cả một làng Mán đã chết đói vì nhịn ăn ủng hộ một đội quân giải phóng.

Cứ xem cách họ săn sóc chúng tôi, đủ biết họ có cảm tình với cách mạng thế nào... Thấy Khang cựa mình, tôi biết anh cũng thức dậy rồi. Tôi nói những ý tôi đang nghĩ ngợi với anh. Anh cũng ca tụng những nhà cách mạng say mê đã rọi ánh sáng giác ngộ vào tận rừng sâu, nhóm nổi ngọn lửa đấu tranh trong tâm hồn chất phác của những người gần như chưa có ý thức gì về xã hội. Những người ấy, trước kia xa lánh mọi người. Bây giờ họ cũng nói đến (...) độc lập, tự do, hạnh phúc (...) cũng viết khẩu hiệu dán lên phên, cũng đi dự mít-tinh và khai hội.


(Trong
Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1977)