Hồi thế kỷ 15, chắc do sáng tác trong thời gian Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Quốc âm thi tập có chứa rau muống, mồng tơi, dọc mùng v.v. Đến thế kỷ 19, chắc nhờ Nguyễn Khuyến trở lại vườn Bùi ở suốt một phần tư thế kỷ, văn học Việt Nam cổ điển bỗng có một số bài thơ chứa mùa thu thôn quê Bắc bộ, ao, cá, gà, cải, cà, bầu, mướp, trầu, chỗ lội, đàn bà vén quần, con cúi, miếu ông Cuội, con trâu “sáng tai họ, điếc tai cày”, lợn con, nếp cái, chiếc lá (thung thăng), cá khe, chim núi, trai, cò, bèo, anh kình, chú chuối v.v. Ờ, nhưng một số thi nhân khác cũng có thời về làng, mà thơ họ vắng cảnh vật xóm làng... Sực nhớ, khi họ ở Thăng Long, lúc cầm bút gieo vần họ cũng thường để Thăng Long bị vắng! Xưa kia, thơ tiếng Việt chứa hình ảnh đất Việt không có mấy ai làm đâu.

(Thu Tứ)



Nguyễn Khuyến, “Thu điếu”



Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt,
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
Tựa gối, buông cần lâu chẳng được,
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.