Đông Sơn là thêm sắt...



Phạm Lý Hương, “Luyện kim Đông Sơn” (3)



Ðồ sắt dễ bị thiên nhiên hủy hoại hơn đồ đồng rất nhiều (...) rất khó nghiên cứu (...)

Nếu như nghề luyện kim đồng thau Ðông Sơn là sự phát triển tiếp tục truyền thống luyện kim Tiền Ðông Sơn, nghĩa là có nguồn gốc bản địa rõ ràng, thì nghề luyện kim sắt lại chỉ xuất hiện bắt đầu từ văn hóa Ðông Sơn (...) Dựa vào một số thư tịch cổ bằng chữ Hán để suy luận thì có vẻ như nghề luyện sắt của người Việt cổ có được là nhờ người phương bắc truyền bá đến vào khoảng một hai thế kỷ trước sau Công nguyên (...) Nhưng thực tế thì dân ta đã biết đến đồ sắt sớm hơn thế nhiều (...) Tại di chỉ Gò Chiền Vậy đã tìm thấy các công cụ bằng sắt trong đó có lưỡi cuốc. Niên đại C14 của một mẫu than tro lấy ở (...) bên trên lớp đất tìm thấy lưỡi cuốc sắt là 2350 +/- 100 năm cách ngày nay (...) Nhưng chắc đây không phải niên đại mở đầu nghề luyện sắt ở nước ta. Bởi vì về mặt loại hình, cuốc Gò Chiền Vậy đã khá hoàn chỉnh, chứng tỏ kỹ thuật chế tạo nó không còn ở bước khởi đầu nữa (...) Nói lên những điều đó, chúng tôi không có ý khẳng định rằng người Ðông Sơn đã phát minh ra nghề luyện sắt một cách hoàn toàn độc lập.

Thực tế thì đồ sắt (...) đã được biết đến sớm hơn nhiều ở (...) (chẳng hạn) Ấn-độ, Trung Quốc. Ở Trung Quốc, nông cụ sắt có thể đã được sử dụng vào buổi đầu thời Xuân Thu và đã rất phổ biến ở thời Chiến Quốc (...) Rất có thể, trong sự ra đời của nghề luyện sắt người Ðông Sơn đã chịu ảnh hưởng phần nào của Trung Quốc, tất nhiên là vào thời kỳ sớm hơn Bắc thuộc rất nhiều (...)

Có thể nói rằng, trình độ phát triển cao của nghề luyện kim đồng thau của người Ðông Sơn (và) sự có mặt phong phú của các mỏ sắt gần như lộ thiên, dễ khai thác (đã giúp) nghề luyện sắt, chế tạo đồ sắt Ðông Sơn (nhanh chóng) phát triển (...)

Tài liệu về các khu luyện sắt, rèn đúc đồ sắt đã biết còn rất ít. Cho đến nay mới chỉ biết một vài khu luyện sắt cổ tập trung chủ yếu ở vùng sông Cả (...)

Ở lưu vực sông Hồng và sông Mã, trong các di tích Ðông Sơn đã tìm thấy khá nhiều đồ sắt, loại hình khá phong phú, chứng tỏ nghề rèn đúc đồ sắt không còn xa lạ gì với cư dân Ðông Sơn ở đây nữa. Các mỏ quặng sắt (...) còn nhiều hơn số lượng mỏ đồng (...) Tiếc rằng chúng ta chưa tìm thấy một di tích lò luyện sắt thuộc thời Ðông Sơn (nào cả) (...) nhưng dấu vết của lò thì đã tìm thấy ở một vài nơi (...)

Người thợ luyện kim đen Ðông Sơn đã biết đến cả hai kỹ thuật chế tạo đồ sắt là rèn và đúc (...)


(Trích Phạm Lý Hương, “Văn hóa vật chất của người Ðông Sơn”, tức chương VIII trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)