“Núi lại núi. Núi kế tiếp nhau, cuốn những đợt sóng mềm mại vờn trời. Chỉ có trời với núi (...) Những quả núi gần khoe những mảnh áo rất xinh. Từng miếng vàng tươi của ruộng. Những miếng khác màu vàng rơm. Và màu xanh. Ðủ các thứ xanh (...) Buổi sáng, ửng hồng ria núi. Mây trắng ngập các thung lũng. Một cảnh bể, trong đó nhô lên những cù lao (...) Buổi chiều, ánh sáng chiếu rọi đúng như đèn pha rọi phong cảnh rạp hát. Phong cảnh đổi từng khắc một (...) Ðêm trăng. Một cây trụi lá, đen, rướn lên trời xanh phớt (...) nét đẹp đơn sơ (...) trăng nằm giữa mây, mềm xốp như đệm gối”... Bổ mắt quá! Nhất là mắt bỡ ngỡ của những người Kinh lên cao độ “Mán” lần đầu. Ơ, vẫn đất nước ta đấy, chứ có phải đã vượt biên đâu, thế mà. “Nhưng nhà thì bẩn ghê gớm quá”. Có phải vì chủ nhà bận ngắm cảnh đẹp như tranh chăng? Chắc không. Chắc một phần do cái lối sinh hoạt cứ ban ngày là gần như cả làng kéo nhau ra rẫy vào rừng... (Thu Tứ)



Nam Cao, “Nhật ký ở rừng” (2)




20-10-1947 -- Sáng sớm thức dậy đã thấy ông ké ra máng nước đầu nhà, lấy nước vào đun cho chúng tôi rửa mặt. Ông già cao lớn, lúc nào cũng lom khom như sợ đụng mái nhà, cử chỉ chậm chạp, mặt chất phác, phúc hậu, lúc nào cũng cười và lầm rầm những lời ấp úng chúng tôi không hiểu nổi vì ông chỉ biết dăm ba tiếng Thổ. Ông trông đẹp và đáng yêu đến nỗi anh chàng Khang họa sĩ tấm tắc khen và chỉ muốn thế nào vẽ được một bức chân dung của ông. Nhưng chưa hiểu họ có kiêng kỵ gì không, nên anh chàng không dám nhờ ông ngồi để cho anh vẽ. Vả lại cũng chẳng biết nói thế nào cho ông hiểu. Anh chàng đành để đến khi nào đôi bên quen thuộc nhau hơn đã.

Tôi ra ngoài để quan sát quanh nhà. Cỏ ngập đầu. Chỉ ba bước đã vào rừng. Từ một chỗ súng nổ loạn xạ, người chạy nháo nhác và hoảng hốt, đến đây tôi thấy an toàn, chắc chắn lạ lùng, mặc dầu vẫn nghe thấy tiếng súng rất gần. Giặc có bao giờ còn lập lại nổi chính quyền, nắm hết dân chúng trong tay? Chỉ khi ấy, chúng mới dám sục sạo tận nơi này. Ðặt cơ quan ở đây, chúng tôi có thể yên lòng làm việc lâu dài được.

Tôi bỗng giật mình, vì đột nhiên thấy bóng người. Tôi không đợi gặp một người nào ở chỗ hoang vắng này. Một cái đầu nhấp nhô trên cỏ. Mặt to, da vàng sạm, hai mắt xếch, khăn xanh quấn rối. Trông như một cái đầu tướng Tàu nặn bằng bột, một anh Khách vẫn bán cho trẻ con chơi, hồi tôi còn nhỏ. Một cái mặt trông vừa buồn cười, vừa dữ dội, không ra già, không ra trẻ, không biết cho vào hạng tuổi nào cho đúng. Nhưng cái búi tó bé ngún ngắn cho tôi cái cảm giác anh chàng vừa mới lớn.

Ðôi mắt xếch thao láo nhìn tôi. Một tiếng to tát và vồn vã:

- Chào đồng chí!

- Chào đồng chí!

Tôi đáp lại. Cái đầu bập bềnh trôi trên sóng cỏ, đến gần tôi. Một người to nhưng thấp hiện ra, gò cúi dưới một cái giỏ gì nặng lắm. Cái áo chàm ngắn cũn cỡn để hở một cái bụng lồi ra và cái quần, không thể bám vào cái bụng lồi, trật cạp xuống gần đến háng. Học được mấy tiếng Thổ tối hôm qua, tôi hỏi:

- Ca-lăng à, đồng chí? (Gì đấy, đồng chí?)

- Mắc qua.

Dưa! Dưa cũng tốt rồi. Cắt nhỏ ra, chấm muối mà ăn cơm tốt hơn chỉ có muối không. Tôi bảo anh đem vào để chúng tôi mua. Anh vào, đặt cái giỏ nặng xuống, rút hai tay ra khỏi cái dây đeo, thở dài thật to thành một tiếng rên. Anh ra máng rửa chân. Anh lại gần lửa để hơ. Bỗng anh kêu lên một tiếng:

- Ú già!

Anh tặc lưỡi. Chúng tôi hỏi:

- Cái gì?

- Con vắt! Con vắt cắn.

Anh gỡ nó cho vào bếp. Ðức reo lên:

- A! Ðồng chí biết tiếng Kinh!

- Không biết nói đâu! Biết ít thôi.

Chúng tôi xúm lại giỏ của anh. Hàng chục quả dưa. Lại có cả rau bí nữa. Chúng tôi hỏi:

- Ðồng chí lấy bao nhiêu?

- Không có tiền đâu. Cho các đồng chí ăn thôi.

Ðức cố nhét hai cái giấy mười đồng thật mới vào tận tay anh. Anh ngần ngừ mãi mới chịu cầm một cái.

Ông già thong thả đeo con dao vào thắt lưng, khoác khẩu súng kíp, cười cười, lắp bắp nói những tiếng lầm rầm, ý chừng là từ biệt chúng tôi. Ông đi rừng. Trông ông đeo dao, khoác súng vào, càng đẹp. Nhưng ra ngoài vẫn lom khom, cái đầu hơi hơi lao về đằng trước. Không phải vì già. Ðó chỉ là dáng đi của một người quen cái đời chui lách trong rừng rậm. Ông đi lừ lừ như một con thú dữ. Tôi chợt nhận ra rằng người đàn bà cũng đã biến đi mất từ lúc nào. Trơ lại trong nhà còn bọn chúng tôi với anh chàng bán dưa. Tự anh đi tìm mẹt, xếp dưa, xếp rau ra cho chúng tôi. Anh xông xáo vào cả trong buồng. Anh thu xếp cửa nhà. Anh quét. Anh thở dài thành tiếng rên (cứ độ 15 phút anh lại thở dài thật to như vậy, chẳng ra sao cả!):

- Nhà bẩn quá! Không có giường nằm. Các đồng chí ở dưới xuôi sướng, lên đây khổ quá.

Anh làm như anh là người nhà vậy. Nói chuyện với anh một lúc, chúng tôi mới biết anh là người nhà thật. Anh là con rể ông cụ. Người đàn bà trẻ tuổi là con gái ông cụ và là vợ anh ta. Ông cụ góa vợ đã lâu. Người ta gọi ông là ké Nhàn - ông già Nhàn, còn anh, tên nghe như tên trong tiểu thuyết Tàu: Triệu Vân Hương. Và thật không ngờ, anh đã bốn mươi hai tuổi.

Tối hôm ấy, cả nhà ông ké Nhàn ngủ lán. Tối hôm sau cũng vậy. Ban ngày, có người nào về cũng chỉ một chốc một lát thôi, về để lấy một vật gì, hay lấy củi hộ chúng tôi. Chúng tôi hoàn toàn làm chủ cái nhà. Chúng tôi e mình có làm phiền đến đời sống của họ chăng. Nhưng Tư bảo:

- Họ ưa như vậy. Vả lại ở, đối với họ có thành vấn đề đâu. Họ ngủ đâu cũng được.

21-10-1947 -- Tư vẫn chưa cho chỗ ông ké Nhàn là kín! Anh dùng làm một chỗ tạm đó thôi. Hôm nay anh sẽ đưa Khang và tôi đi xem một chỗ khác để hỏi ý kiến chúng tôi. Cơm nước vừa xong, thì một người Mán đeo súng đến. Anh chàng trạc độ ngoài ba mươi. Búi tó, quấn khăn. Mặt sáng sủa, người nhã như một anh đồ trẻ vào thời Nguyễn Trãi. Nhưng áo cũng ngắn cũn cỡn và quần mòn mất gấu, luội thuội, lựng chựng những cái bắp chân chắc nịch nhưng bẩn và có những vết lở to rỉ mủ. Tư gọi anh ta là đồng chí Quân. Ðồng chí Quân sẽ thay mặt cho đồng chí Chấn trưởng thôn đi vắng, để dẫn chúng tôi đi tìm địa điểm.

Sau ngót một giờ lội suối chui rừng, vắt bám gỡ ra không kịp, qua hết rừng cây lớn, rừng lau, rừng chuối rồi lại rừng cây lớn, men, lách, leo, trèo bở hơi tai, chúng tôi đến Vàng Khẹt. Lại một làng! Ba nóc nhà như ba cái chuồng chim đeo lủng lẳng ở ngọn núi. Ðược cái quang đãng và nhìn ra một phong cảnh sáng sủa và tuyệt đẹp. Núi lại núi. Núi kế tiếp nhau, cuốn những đợt sóng mềm mại vờn trời. Chỉ có trời với núi. Tôi có cảm tưởng như trên trái đất chúng ta ở, ngoài núi ra, không còn gì nữa. Anh chàng Khang yêu màu sắc và ánh sáng chắc phải thỏa lòng. Những quả núi gần khoe những mảnh áo rất xinh. Từng miếng vàng tươi của ruộng. Những miếng khác màu vàng rơm. Và màu xanh. Ðủ các thứ xanh.

Những buổi sáng, ửng hồng ria núi. Mây trắng ngập các thung lũng. Một cảnh bể, trong đó nhô lên những cù lao.

Những buổi chiều, ánh sáng chiếu rọi đúng như đèn pha rọi những phong cảnh rạp hát. Phong cảnh đổi từng khắc một, đúng như trên sân khấu. Khang ghi chép cẩn thận, nói là để sẽ dùng vào việc bài trí sân khấu khi về Hà Nội.

Ðêm trăng. Một cây trụi lá, đen, rướn lên trời xanh phớt. Một nét đẹp đơn sơ. Núi đằng sau. Và trăng nằm giữa mây, mềm xốp như đệm gối.

Nhưng nhà thì bẩn ghê gớm quá. Chuồng lợn ở ngoài hè. Gà lợn đi lại, ăn nằm và phóng uế rất tự do, trong nhà ngập đất và rác rưởi. Cả bếp ở giữa một gian, thẳng hàng với chạn bát nhơm nhớp như phủ một lượt bùn ở đầu trong và cái lò nấu ruốc mu (thức ăn của lợn) ở đầu ngoài. Cối giã gạo cũng ở trong nhà. Mồ hóng khắp nơi. Ba cái buồng nhỏ vừa một cái giường, có lẽ chưa bao giờ quét. Mạng nhện đầy tro, bụi, mồ hóng bám, chằng chịt trên mái trên các tấm phên làm vách. Ðất lầm lên, rác rưởi ngập gầm giường và cả trên những cái giường không chiếu.

Cả làng đã đi gặt vắng. Chỉ còn một ông già, một người đàn bà bận con thơ, và một thằng bé mười một tuổi, mũi quệt đất vẽ hề trên mặt. Thấy có người lạ đến, tất cả trốn vào rừng. Chúng tôi thấy nhà không. Nhưng một lát sau, nghe tiếng đồng chí Quân, người đàn bà ẵm con về tiếp chúng tôi. Thằng bé con cũng chạy về hếch mặt nhìn vào mặt chúng tôi một cách rất tò mò, khẽ chạm ngón tay vào tay áo tôi rồi vội rút lại như ta sờ một con vật lạ để xem nó động tĩnh ra sao, rồi lè lưỡi ra một cái, cười nhăn nhó cả mặt nhưng không thành tiếng. Mấy hôm sau tôi mới biết cái điệu lè lưỡi, chỉ trỏ và cười câm ấy cũng thịnh hành ở nó chẳng kém gì tiếng thở dài ở đồng chí Vân Hương. Cho đến tận lúc đi, tôi không nghe thấy nó nói lần nào. Không hiểu có phải nó câm không.

Người đàn bà không biết tiếng Thổ. Ðồng chí Quân đưa chúng tôi đến cái nhà ở trên cùng; gặp ông già đã lò rò ở bụi rậm chui ra. Quân gọi ông là ké Xếch. Nói gì ông cũng chỉ cười. Quân bảo, mới biết ông ta điếc. Chẳng chuyện trò gì được với ông. Ðồng chí Quân cứ tự tiện dẫn chúng tôi đi xem cả ba nhà và bảo chúng tôi tùy ý muốn ở nhà nào cũng được. Chúng tôi chọn cái nhà đầu tức là cái nhà ngoài phòng chính hình thước thợ, còn có ba phòng nhỏ tả ở đoạn trên. Nó rộng rãi nhất và sạch nhất.

Ngay từ sáng hôm sau, chúng tôi bắt đầu chuyển vận gạo muối, đồ dùng từ nhà ông ké Nhàn sang. Vẫn không thấy chủ nhà nhưng nhà đã được dọn sạch sẽ hơn. Chúng tôi chỉ cần quét dọn thêm một lượt nữa là ở cũng tạm được rồi.


(Trong
Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1977)