“Triết thuyết Trang Tử” (1)

Nguyễn Hiến Lê




UYÊN NGUYÊN TỪ ĐÂU?

Từ khi Tư Mã Thiên chép chung tiểu sử của Lão tử, Trang tử, Thân Bất Hại, Hàn Phi trong một chương thì hễ nhắc tới Lão, chúng ta nghĩ ngay tới Trang, tưởng đâu giữa Lão và Trang có một sự liên hệ chặt chẽ cũng như giữa Khổng và Mạnh, và Trang chỉ chịu ảnh hưởng của Lão cũng như Mạnh chỉ chịu ảnh hưởng của Khổng.

Sự thực không phải vậy. Lão và Trang chỉ đại biểu cho tư tưởng lãng mạn, khoáng đạt, vô vi của phương Nam cũng như Khổng và Mạnh đại biểu cho tư tưởng thực tế của phương Bắc (tức miền ở phía Bắc sông Hoàng Hà), còn xét về ảnh hưởng thì Trang nhận di sản tinh thần của nhiều nhà, từ Dương Chu sống trước Trang khoảng một trăm năm tới Lão tử, Liệt tử, có lẽ cả Điền Biền và Thận Đáo sống cùng thời với Trang và lớn hơn Trang khoảng mười tuổi, cho nên có tác giả đã nói rằng: Trang tập đại thành các học thuyết của phương Nam.

Mà di sản đó cũng là thứ di sản gián tiếp chứ không trực tiếp như Khổng để lại cho Tử Tư rồi Tử Tư truyền lại cho Mạnh tử hai ba thế hệ sau. Nghĩa là Mạnh tử có thể coi là môn đồ xa của Khổng tử; Trang tử thì tuyệt nhiên không phải là môn đồ của Lão tử. Hơn nữa, Mạnh tử được đọc các kinh Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu của Khổng tử, có thể cả Luận ngữ cùng Đại học, Trung dung nữa; còn Trang chỉ nghe được học thuyết của Lão tử thôi chứ không được đọc vì, như chương I tôi đã nói, thời ông, bộ Đạo Đức kinh chưa xuất hiện hoặc mới xuất hiện mà không tới tay ông, cho nên trong Nội thiên ông không dẫn một câu nào trong bộ đó cả, còn những lời ông cho Lão đáp Dương Tử Cư trong bài VII.4, có phần chắc là tư tưởng của Liệt tử hoặc của chính ông hơn là của Lão, vì tư tưởng trong bài đó không hợp với Lão, mà truyện chỉ là một “trọng ngôn” tức một thứ ngụ ngôn thôi.

Tuy gián tiếp, ảnh hưởng của Lão tới Trang cũng rõ rệt chẳng hạn trong quan niệm về vũ trụ (Đạo, sự biến hoá của vạn vật, lẽ qui căn), về nhân sinh (vô vi); nhưng khi ứng biến với vạn vật, Trang có thái độ khác Lão: Lão còn phân biệt mình và vật (tiếng vật này trỏ các ngoại vật, tức những cái gì không phải là ta, từ người cho tới vật) và trọng các đức khiêm, nhu, bất tranh, cư hạ (ở dưới người), cư hậu (ở sau người), để bảo toàn thân mình; còn Trang “tề sinh tử”, “đồng nhân ngã”, coi tử cũng như sinh, người cũng như mình, cứ theo luật tự nhiên mà biến hoá và để cho vật biến hoá, không cho cái gì là hại cả (bất dĩ hại vi hại).

Đi ngược lên nữa, chúng ta thấy cả Lão và Trang đều chịu ảnh hưởng của Dương tử về điểm “quí sinh” (trọng đời sống). Dương tử bảo dù mất một sợi lông chân mà làm lợi được thiên hạ, ông cũng không chịu, như vậy là ông “quí kỉ” - quí thân ông - và quí sinh - quí đời sống - đến cực điểm, quí kỉ nên khinh vật, quí sinh nên khinh lợi (danh lợi) (…)

Nhưng tiếng “ảnh hưởng” tôi dùng ở đây có lẽ không đúng. Cái quan niệm “trọng sinh”, nhất là trong một thời loạn, thời mà sinh mạng con người có thể bị cướp bất kì lúc nào, là một quan niệm rất phổ biến, chẳng cần phải chịu ảnh hưởng của Dương Chu mà Lão và Trang cũng có thể có được. Mà chính Dương Chu cũng chẳng cần phải chịu ảnh hưởng các ẩn sĩ từ đời Khổng tử (…) mới biết “vị ngã”, “vô quân”, “quí sinh” (…)

Một nhà nữa cũng ảnh hưởng tới Trang tử ngang Lão tử là Liệt tử.

Trong bộ Liệt tử và Dương tử (…) tôi có dẫn lời của Trương Trầm: “(học thuyết của Liệt tử) đại khái giống với Lão, Trang, nhất là giống với Trang” (…)

- quan niệm tề vật (…)

- quan niệm tề thị phi (…)

- tinh thần hoài nghi mộng và thực (…)

- không phân biệt nội ngoại (…)

Chương XXXIII trong Trang tử có một tài liệu quan trọng, tóm tắt các triết thuyết từ thời Khổng Tử tới đời Trang tử (…)

Tác giả có thể là một người nào trong phái Trang, đề cao Trang hơn Lão, bảo: “Đạo đức của Trang sung mãn không biết tới đâu là cùng, trên thì tiêu dao với trời đất, dưới thì làm bạn với những người vượt lên trên sự sinh tử, không phân biệt đâu là thuỷ, đâu là chung nữa. Sự nhận thức của ông về căn bản của đạo thuật đã quảng bác lại thông đạt, thâm viễn; tôn chỉ của ông là đạt được Tự nhiên và hoà hợp với Tự nhiên”.

Nhưng khi đưa ra uyên nguyên của mỗi học thuyết, thì tác giả có lẽ theo một nguyên tắc nào đó, không cho biết rõ nhà nào chịu ảnh hưởng của nhà nào, mà chỉ nói một cách bao quát, mơ hồ rằng mỗi nhà đã suy diễn thêm một chủ trương đã có từ trước. Như về Trang tử, tác giả viết:

“Thanh tĩnh, vô hình mà biến hoá hoài. Sống ư? Chết ư? Trời đất chỉ là một ư? Thần minh đi đâu? Người ta mang nhiên (không biết gì cả) đi về đâu? Rồi hốt nhiên tới đâu? Vạn vật bao la trong vũ trụ mà không có vật nào đáng cho ta qui về cả. Đạo thuật của cổ nhân có chủ trương đó. Trang Chu được nghe thuyết đó thấy thích rồi diễn (ra)…”.

“Cổ nhân” đó là ai? Tác giả không cho biết. Còn “chủ trương” tác giả nói đó một phần có thể là của Lão, một phần có thể là của Liệt, một phần (Người ta đi về đâu? Rồi hốt nhiên tới đâu?) có thể là của những người thắc mắc về nguồn gốc cùng cứu cánh của vũ trụ, vạn vật (...) trước cả Lão, Trang (...)

Trái lại, đoạn 6 cũng chương XXXIII xét học thuyết của Bành Mông, Điền Biền và Thận Đáo lại vô tình cho ta biết về uyên nguyên học thuyết của Trang.

Tôi trích dưới đây ít câu trong đoạn đó:

“(...) không có thành kiến; tuỳ theo ngoại vật mà không phân biệt mình và người; không tư lự, không dùng mưu trí; đối với sự vật, không lựa chọn mà cứ thuận theo sự diễn biến tự nhiên, đạo thuật cổ nhân có chủ trương đó. Bành Mông, Điền Biền và Thận Đáo nghe được thuyết đó mà thích”,

“Qui tắc của họ là vạn vật ngang nhau (tề vật). Họ bảo trời che được mà không chở được; đất chở được mà không che được. Đạo bao dung vạn vật mà không phân biệt (vật này hơn, vật kia kém). Họ biết rằng vạn vật đều có chỗ dùng được, có chỗ không dùng được, cho nên bảo lựa chọn thì không dùng được hết, dạy dỗ thì có chỗ không tới, chỉ thuận theo Đạo là không bỏ sót cái gì hết. Cho nên Thận Đáo chủ trương bỏ trí tuệ, quên mình đi, cứ theo thế bất đắc dĩ mà hành động, thản nhiên thuận theo sự vật, như vậy là hợp với đạo lí”,

“Điền Biền cùng một chủ trương (với Thận Đáo) và học được cái lẽ dạy mà không dùng lời. Bành Mông bảo những người đạt đạo thời xưa chỉ cốt tu dưỡng tới cái mức không cho cái gì là phải, không cho cái gì là trái nữa mà thôi. Sự giáo hoá của họ vô hình như gió thổi, làm sao có thể dùng lời mà truyền được”.

Những hàng và chữ in ngã trong đoạn trích dẫn đó diễn nhiều ý giống Liệt tử và Trang tử. Vũ Đồng có lẽ căn cứ vào đó mà bảo: “Điền Biền, Thận Đáo sinh trước Trang tử, vậy Trang tử quả có chịu ảnh hưởng của họ” (...)

Tôi nghĩ Điền Biền và Thận Đáo chỉ hơn Trang độ mười tuổi (theo Vũ Đồng), bảo Trang chịu ảnh hưởng của họ không bằng bảo cả ba đều chịu ảnh hưởng của những người trước họ mà tác giả bài 6 gọi là “cổ nhân”. Cổ nhân đó là ai? Liệt tử chăng?

Tất cả những điều tôi mới suy luận về uyên nguyên học thuyết của Trang chỉ là giả thuyết vì Điền Biền, Thận Đáo, Bành Mông đều không lưu lại một tác phẩm nào cả (nếu có thì cũng đã thất lạc), mà bộ Liệt tử không chắc đã phải của Liệt tử, còn tác giả chương XXXIII trong Trang tử là ai, viết vào thời nào, có đáng tin không, chúng ta cũng không biết nốt. Hiện nay chưa có hi vọng gì các học giả Trung Hoa sẽ tìm được những tài liệu đích xác để giải nỗi nghi cho ta.


(Nguyễn Hiến Lê,
Trang tử và Nam Hoa kinh)