“Ngồi đằng trước đánh xe, là một cô gái (...) Vành khăn nâu non ló sau mũi khăn vuông cao chót vót - lối chít khăn của con gái Sơn Tây bờ sông Ðáy (...) Tay cô (...) dứ roi, mắt nghiêm, rất sắc, rất tươi”...

“Cô Ninh Bình! Cái tên hiền hòa nghe mà như trông thấy hoa nở (...) vừa lạ vừa quen làm sao”...

“Sương lam đã vần vụ cả quanh xe rồi. Tôi chợt có cảm giác hồi hộp, như trẻ con. Một cái gì xa xôi mà thắm thiết”...

“Cô Ninh Bình” nhắc Tô Hoài một câu chuyện không quên được. Rồi hình ảnh cô Ninh Bình mà Tô Hoài vẽ lại nhắc ta người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử lâu dài của dân tộc, làm ta cũng chợt nhớ đến “một cái gì xa xôi mà thắm thiết”.

(Thu Tứ)



Tô Hoài, “Cô Ninh Bình”




Tôi đương có công tác về thôn Vân. Từ cầu Phùng vào Vân, còn hơn mười cây số, mà bóng chiều đã ngả. Ông mặt trời mùa xuân hiếm hoi lừ đừ màu đỏ ngọt ngào đã xế trên chỏm núi Ba Vì rồi. Đê sông Đáy kẻ sợi chỉ mờ thẳng tắp, nhấp nhô những lũy tre xanh nhạt, đôi chỗ chấm tròn một lùm cây vải đen thẫm. Tất cả quen quen như đã gặp nhiều ở đâu (...)

Có lẽ không thể tới Vân được. Trời muốn tối đến nơi. Những tiếng ban ngày rộn rã trên cánh đồng giờ nghe mơ hồ vời vợi rồi. Và, người đi đường có lúc cảm thấy quạnh quẽ hơn, âm thầm hơn.

Nhưng, đằng sau lưng bỗng trỗi lên một tiếng xoang xoảng nhộn nhịp. Như trâu bồn, lại như tiếng quăng lưới gõ cá trên mặt hồ chưa tan sương. Tôi quay lại. Từ trong làn sương đục phủ mặt đê cao, một chiếc xe ngựa rong ruổi hiện ra. Nghe rõ tiếng cười của những người ngồi trên xe.

Xe càng gần tới. Trước nhất, thấy hai vành bánh cao-su đặc to thô lố. Ở giữa chất lù lù toàn những mạ, lấp cả hai hàng người ngồi dưới. Ngồi đằng trước đánh xe, là một cô gái. Cô lừ lừ nét mặt. Vành khăn nâu non ló sau mũi khăn vuông cao chót vót - lối chít khăn của con gái Sơn Tây bờ sông Đáy.

Chiếc xe vừa lướt tới, tôi thấy cô đánh xe cười. Thì ra, có cái dáng mặt nghiêm lừ lừ kia là vì con ngựa. Cô đương giơ ngọn roi tre lên dứ cho ngựa chạy nhanh hơn.

Cô ngoái ra, nhanh nhảu hỏi:

- Về đâu tối thế?

Câu hỏi cộc lốc, giọng hồn nhiên và táo tợn. Xung quanh tôi chỉ còn có ánh đồng và một mình, càng cảm thấy đường xa.

- Về Vân đây.

Mấy cái đầu lấp ló nhìn ra.

- Về Vân à?

Tôi gạn:

- Cho đi nhờ với.

Cô đánh xe nói:

- Được thôi.

- Chứ đi bộ thì mai mới đến Vân!

- Ngồi nhích một tí nào, các vị ơi! (...)

Ngồi trên cái xe ngựa lắc lư (...) ý nghĩ tôi khấp khểnh theo vòng bánh, trong khi tôi trầm ngâm nhìn cô gái đánh xe.

Cái dáng rất quen, ừ rất quen. Cách đây nhiều năm rồi, gặp năm nước lớn. Hương lý các làng đốc thúc người đi đê. Trai tráng làng tôi suốt lượt phải đi hộ đê từ Tứ Tổng lên tận vùng này. Chúng tôi cơm nắm cơm đùm kéo bộ cả đêm đến sáng mới tới điếm canh đê hàng tổng. Tôi nhớ làm sao buổi sáng hãi hùng ấy, cái cảnh tôi trông thấy đoàn người chạy nước từ dưới bãi lên lấm vùi như đàn chuột chạy hang đang bị ộc nước. (Về sau, một trong những truyện ngắn đầu tiên tôi viết, là truyện ngắn Nước Lên đăng trên báo Hà Nội tân văn của anh Vũ Ngọc Phan, trong đó đã chép lại nhiều hình ảnh đau thương hôm ấy.)

Bao nhiêu năm, bây giờ tôi lại trở về đây. Trở về những làng Vân đất bãi điêu tàn năm nào. Phải, tôi đã nhớ ra cái dáng. Vẫn dáng người con gái xốc vác của những cô thợ đấu năm xưa, vai chắc lẳn, cổ cứng, đội rất khoẻ. Chỉ khác, không còn lam lũ, không phải người lam lũ từ nước lụt chạy lên. Đây là cô gái làng Vân, bảnh choẹ giong chiếc xe ngựa.

Cái xe lắc lắc đều đều qua cánh đồng. Tay cô ấy dứ roi, mắt nghiêm, rất sắc, rất tươi. Tôi nghĩ đến lớp thanh niên trong làng bây giờ, chủ lực của sản xuất. Họ bao hết những việc làm thủy lợi và cải tiến nông cụ khó khăn nhất. Cô này hẳn ở cánh tiên tiến ấy, là nhóm trưởng nhóm cấy? là tổ phó tổ kỹ thuật? hay đội phó, đội trưởng phụ trách sản xuất, tổ cô cấy vượt diện tích, hết mạ dự trữ, phải đi mua mạ xa?

Trong xe lại đang râm ran chuyện. Những chuyện chống hạn, đào giếng và linh tinh. Người kẻ Cốc ăn khoẻ; con gái ngoài Hạ trêu cho anh cán bộ đến phải bỏ xe đạp mà chạy; trên huyện vừa mở thêm hiệu bào chế đông y; lớp ngô sớm phải hạn khéo đến hỏng ăn.

Nhưng ồn ào nhất là việc cấy phải xong giữa tháng.

- Xong thế cóc nào! Nước đâu kịp!

- Cũng chẳng cần. Năm nay nhuận tháng tư thì tháng hai cũng như tháng giêng, cấy sớm cho nó cóng cây à?

- Này, còn tính thời tiết trông giời thì không phải nông dân "cải tiến 63" đâu nhé.

Người ngồi cuối cùng hàng nghếch mặt lên khỏi đống mạ, gọi ra:

- Cô Ninh Bình ơi!

Cô đánh xe quay lại:

- Gì thế?

- Đội cô nhất định cấy xong giữa tháng này à?

Cô đánh xe trả lời bằng miệng cười nhoẻn rồi lại dứ chiếc roi lên cho ngựa chạy.

Sương lam đã vần vụ cả quanh xe rồi. Tôi chợt có cảm giác hồi hộp, như trẻ con. Một cái gì xa xôi mà thắm thiết. Không phải vì câu chuyện phong phú và miên man trong xe. Cũng không phải vì làng Vân trước mặt kia đương phảng phất những kỷ niệm thời thanh niên, khi tôi mới cầm bút tập viết văn.

Không, chính vì cái tiếng ai ngồi đằng kia vừa gọi "Cô Ninh Bình ơi! Cô Ninh Bình..." . Cô Ninh Bình! Cái tên hiền hòa nghe mà như trông thấy hoa nở và yên lành, vừa lạ vừa quen làm sao. Trong tiếng bánh xe, tiếng vó ngựa lọc cọc, giữa làn sương buông mỗi lúc một dầy, tôi vẳng nghe chen nhau những tiếng gọi, tiếng đùa cợt, tiếng cười. "Cô Ninh Bình, Cô Ninh Bình ơi!", tôi nghĩ đến anh.

*

Từ ngày anh (tức Nguyễn Công Hoan) kể cho tôi nghe chuyện ấy, mỗi khi qua Ninh Bình, hoặc chợt nghe ai nói đến hai tiếng Ninh Bình, tôi không thể nào không chạnh nhớ.

(Đại khái, hồi tiền chiến có một người quê ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, tìm gặp NCH để kể cái cảnh "khổ tuyệt trần" mà bọn hào lý quan lại đã gây ra cho mình, kể để nhờ NCH viết thành sách cho ai ai đều biết. Trong câu chuyện, có lúc người ấy nói: "Tôi đi thắt cổ mà không chết được...")

*

Chiếc xe ngựa về Vân vẫn lóc cóc đi. Con đường đất đỏ trên đê cao mờ dần dưới làn sương.

Tôi ngồi đầu hàng ghế trong khoang xe. Những bó mạ lắc lư dần nghiêng xuống, muốn đè lên người. Vì thế, mở một khoảng cách, nhìn sang cô Ninh Bình. Một cảm tưởng man mác, tôi trông cô đội trưởng đánh xe ngựa, và nhận ra người con gái mỗi lúc một đẹp hơn. Mặt cô đỏ lừ vì chiều muộn đã tắt nắng, mà chân trời Sơn Tây trong sương sa trước xe còn phơn phớt ánh lại. Cô Ninh Bình ơi!

Câu chuyện trong xe cứ càng tối xuống càng rôm rả. Mọi người đương chế giễu cô đánh xe.

Một thanh niên nhìn ra cánh đồng rồi kêu lên:

- Không về kịp thôi. Tối mất rồi.

Câu nói bâng quơ, nhưng hình như cô đánh xe chạnh lòng, đối đáp ngay. Cô quay lại, cười cười, bướng bỉnh:

- Tối thì ngủ lại.

Người ta lao xao:

- Hoan hô cô Ninh Bình! Hoan hô!

Một người khác nói to:

- Tối ở đâu mà chú rể không mò đi đón được, đừng có là ba chục ki-lô-mếch cũng băng.

Mọi người lại cười rầm. Tôi cứ nghe, đoán, rồi cũng thủng câu chuyện. Chuyện trai lấy vợ gái lấy chồng bình thường. Đối với lớp tuổi khác thì như cơm ăn áo mặc tự nhiên, nhưng câu chuyện bình thường ấy đã xôn xao tuổi trẻ làng Vân đấy.

Nguyên là tối thứ bảy này thì "tiệc trà" cưới cô Ninh Bình, đội phó sản xuất hợp tác xã làng Vân. Cô đội phó lấy chồng. Nếu câu chuyện yêu nhau rồi lấy nhau của lứa đôi đương ngày một tốt đẹp, cuộc sống tình cảm hai người cứ đằm thắm mãi lên, thì vụ đông xuân này đương qua bước thử thách nặng nề. Đã hơn hai tháng nay trời không mưa. Những bãi ngô sớm úa rồi vàng quăn hết lá, châm cái lửa đốt cháy được. Các hợp tác xã khổ công chống hạn, đổ một lúc hàng nghìn người ra đồng.

Trên huyện cho ba máy bơm xuống. Thế là, nước về trắng đồng. Các đội đua nhau cày trâu theo nước về, lên quá mức khoán, phải cất công đi các làng, các chợ lùng tìm mua thêm mạ. Cô đội phó Ninh Bình đâm tất bật...

Nhưng cái khó không phải việc đi lùng mạ, mà điều "rắc rối" là "tiệc trà" đã định ngày trước rồi, mà ngày nào cô Ninh Bình cũng đi, rong ruổi chiếc xe mạ.

Tới làng Vân thì trời vừa tối. Chiếc xe vào tận cái sân phơi rộng đầu làng. Mạ được xếp cả xuống đấy.

Cô Ninh Bình bảo tôi:

- Bây giờ sang xóm chủ nhiệm thì tối quá rồi, đồng chí ạ. Mời đồng chí về nhà tôi nghỉ, mai sớm hãy sang.

May quá! Chẳng phải chỉ vì tôi đang tò mò cuộc gặp gỡ có thể, tôi cứ nghĩ biết đâu, mà đêm hôm đèn đóm không có, lục đục đi tìm nhà, chưa biết lúc nào mới tới. Vả chăng, việc tôi không gấp.

Tôi theo cô Ninh Bình về nhà.

Nhà cô ở bên một bờ ao dài. Những cây chuối xõa lá tỏa bóng mặt nước trăng suông im lặng. Lui vào trong, một căn nhà nhỏ giữa nền sân đất phẳng. Ở đây, có cái tĩnh mạc vẻ chùa chiền. tưởng bao đời nay vẫn thế. (Nhưng thật thì vườn tược, cơ ngơi này đã bị Pháp đốt phá, mới dựng lại từ khi hòa bình.)

Ông cụ - vâng, bố cô Ninh Bình, anh ạ. Ông cụ đã cơm chiều, uống rượu xong, vừa đi ngủ. Ông cụ đắp chiếu tùm hụp nằm gian bên, ngáy khò khò - dễ chẳng biết có người lạ chơi nhà - ít thấy cụ già ngủ khoẻ thế. Một lát sau mới trỗi dậy.

Ông cụ có ba người con. Anh lớn đi bộ đội. Người thứ hai làm du kích đã hy sinh trong trận giặc càn làng. Cô Ninh Bình là út. Cụ còn khoẻ. Những buổi đội cần cày gấp cho kịp thời vụ, cụ vẫn đi cày. Hàng ngày, cụ trông chuồng trâu cho đội.

Cuối xuân ấm trời, gió nồm giật mạnh. Nằm nghe tưởng như từng cơn gió dào dạt rải trên cánh đồng nước chống hạn nhởn vào tận chân tre đầu xóm quanh đây. Gần sáng, tôi sực thức. Trông sang gian bên, le lói ánh đèn. Nghe tiếng nõ điếu nổ tanh tách. Bóng ông cụ gậtgù lung lay in trên lườn nhà. Tôi trở dậy. Ông cụ vồn vã:

- Anh dậy à? Có nước sớm, anh sang đây.

Không biết đun từ lúc nào, nồi nước chè xanh vò đặc bốc khói thơm ngạt mũi đã đặt sẵn đấy. Vả lại, cứ trông cung cách đóm điếu thong thả lúc gà gáy như thế, tôi hiểu: ông cụ dậy sớm đã thành lệ. Tôi đương ngồi trước mặt một cụ già quắc thước. Người vạm vỡ, mặt to, chân tay, xương đầu gối chắc chắn, thô lố, như những chuôi vồ, những lưỡi cày 58, những cuốc bàn còn tốt. Chịu không đoán được tuổi cụ. Bảo sáu mươi hay bảy, tám mươi cũng thế - thường khó đoán được tuổi tác các cụ già khoẻ mạnh.

Ông cụ nói:

- Tôi thì quanh năm, gà gáy tan canh, làm xong tuần nước, là đi lo trâu no sớm, ngày mùa phải kịp cho trâu ăn trước buổi cày sáng. Tôi không ngủ được hết đêm, anh ạ. Tôi không ngủ nổi hết cái đêm, có lẽ thành tật từ lúc còn trẻ kia.

Tôi có cảm tưởng thật lạ lùng, nhưng tôi lúng túng chưa biết hỏi thế nào.

- Cụ ở... quê ta...

Ông cụ đáp ngay:

- Tôi vốn người Ninh Bình. Đấy, tên các em nó tôi cứ đặt lung tung, gọi là nhớ nơi quê cha đất tổ, con Ninh Bình, thằng Yên Mô...

Tôi thong thả thở một hơi dài. Như vừa suy nghĩ được một điều hệ trọng. Ông cụ lại nói theo với câu vừa rồi:

- Từ ngày còn trẻ, tôi đã chẳng tài nào chợp mắt được đẫy đêm. Cái đời người ngắn lắm, phải thức mà lo liệu chứ. Đời tôi xưa kia cùng cực quá ông ạ. Thắt cổ mà cũng không chết được...

Rồi ông cụ cười, trống hốc cả hai hàm móm.

*

Tôi nén xúc động, cúi uống bát nước chè vò đặc sánh. Ngoài trời còn đầm sương. Tiếng bánh xe lẫn tiếng vó ngựa lọc cọc qua. Xe ống bơm chống hạn, xe mạ ra đồng cấy. Những tiếng ban ngày lại bắt đầu.


(Trích từ bài Người Bạn Đọc Ấy trong tập chân dung văn học
Những gương mặt, nxb. Tác Phẩm Mới, 1988. Nhan đề phần trích tạm đặt.)