Võ Phiến, “Bình Nguyên Lộc”




Trích bài viết năm 1993, in trong Văn học Miền Nam, phần Truyện:

Sau Genève, hai nhà văn gốc Nam phần nổi bật nhất là Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam. Nói đến người này không khỏi liên tưởng đến người kia. Giữa hai vị có nhiều chỗ giống nhau, và nhiều chỗ khác nhau.

Cả hai chuyên viết văn, cả hai thỉnh thoảng đều có tí thơ thẩn cho vui.

Cả hai đều có chỗ tâm sự khó giải bày về chính trị lúc nào cũng canh cánh bên lòng; nhưng cả hai - trong thời 1954-75 - đều tránh đề cập đến chính trị lúc đàm đạo và nhất là trong tác phẩm văn chương.

Cả hai đều có viết nhật báo, đều có tác phẩm thuộc nhiều môn loại sáng tác và biên khảo: truyện ngắn, truyện dài, khảo, luận, ký... Viết loại nào họ cũng viết rất nhanh.

Cả hai đều thiết tha với địa phương: việc khai khẩn miền Nam, cá tính miền Nam, phong tục, cảnh vật, nhân vật miền Nam.... là một ám ảnh thường xuyên suốt đời cầm bút của họ (...)

Về biên khảo, trong khi Sơn Nam chú mục vào các vấn đề của chỗ quê hương miền Nam, thì Bình Nguyên Lộc lao vào chuyện lớn lao hơn nhiều, tiến hành những công trình qui mô và “mạo hiểm” hơn nhiều: nguồn gốc dân tộc (...)

Ðề tài sáng tác của Bình Nguyên Lộc cũng rộng rãi hơn của Sơn Nam, rộng rãi quá lắm. Tất nhiên là mỗi ông đều đặc biệt chú trọng quê mình: Bình Nguyên Lộc nhớ Tân Uyên cũng như Sơn Nam nhớ Cà Mau. Nhưng ở Bình Nguyên Lộc quê quán chỉ là một điểm nhỏ. Mục tiêu nhớ thương của ông bao la hơn nhiều: dân thương hồ sống trên nước thì nhớ đất, dân thành phố sống ngay trên đất lại nhớ mùi lửa đốt bằng củi trong bếp nấu nhà quê, me Tây thì hàng năm nhớ tết chịu hết thấu, gái quê lên Sài Gòn làm việc thì tới mùa ốc gạo nhớ ốc chịu không nổi, mà lên ở Sài Gòn đã quen Sài Gòn như chính ông thì lại mê Sài Gòn, lang thang vấn vít với Sài Gòn v.v. (...)

Như vậy, khác với Sơn Nam đặc biệt chú trọng địa phương, ông Bình Nguyên Lộc tha thiết với toàn thể Nam phần, miền đất mới của Việt Nam. Vả lại, ngoài lòng yêu quê ra, Bình Nguyên Lộc còn bao nhiêu đề tài khác: ái tình Việt Hoa, chuyện tâm lý, chuyện kỳ quái, chuyện xã hội, thân phận giới lao động nghèo khổ, giới ăn sương, chuyện phong tục, chuyện đời sống trong những cộng đồng thiểu số, trong những giới sống bằng nghề đặc biệt v.v. Phạm vi tìm hiểu, quan sát của ông thật rộng rãi. Về phương diện này, trong số các tiểu thuyết gia cùng thời, dễ không mấy ai theo kịp ông (...)

Bình Nguyên Lộc là một trong hai nhà văn gốc Nam phần nổi bật nhất, như chúng ta vừa nói, theo lời của Ngu Í ghi nhận từ ngót ba mươi năm trước. Trong hai người nổi bật, Bình Nguyên Lộc lại có địa vị đặc biệt: địa vị của một người anh cả (...) ông đã dùng cái vị thế của mình trong làng văn làng báo và kinh nghiệm trước tác của mình để giúp đỡ, hướng dẫn, dìu dắt nhiều người cầm bút trẻ tuổi (...) Cái giúp của ông như một gây dựng, vun quén âu yếm đối với nền văn học của Nam phần (...)

Mặt khác sự giúp đỡ như thế cũng đem lại cho Bình Nguyên Lộc những kỷ niệm lý thú. Chẳng hạn, theo bài báo nói trên của Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc thường đưa Sơn Nam về chơi Tân Uyên “rất nhiều lần”. Còn Sơn Nam không đưa được Bình Nguyên Lộc về Cà Mau, nhưng đã nói nhiều với Bình Nguyên Lộc về đời sống Miệt Dưới. Phía tây nam, Bình Nguyên Lộc (...) điểm xa nhất mà ông đến là chợ Cần Thơ. Các câu chuyện Miệt Dưới của Sơn Nam làm ông thích thú, muốn viết về miệt này, nhưng ông chưa hề trông thấy cây mắm. Sơn Nam nhờ họa sĩ Trần Tấn Thanh vẽ một bức tranh “có cây mắm con giữa sóng nước yên lành, ngoài xa, thấp thoáng hòn Khoai”. Thế là Bình Nguyên Lộc có hứng, và truyện Rừng Mắm ra đời (...)

Bình Nguyên Lộc không viết với giọng văn của Sơn Nam. Ở ông có cái dềnh dàng, rề rà của người lớp trước.

Một anh văn sĩ được gái mê, một hôm ôm cô gái trong tay. Cô gái đắc thắng, thầm nói: “Sướng đấy nhé! Anh đã được em rồi đó, có thích hay không?” (...) Lần khác, tác giả hỏi độc giả: “Các bạn có bao giờ thấy con cù lần chưa? Tôi không gặp nó trong rừng sâu như đàn ông đã gặp” (...) Trong bệnh viện, Tấn tìm gặp người làng nằm bệnh, hỏi: “Ông đau làm sao?” Những tiếng hay, tiếng , tiếng làm ấy - tuy nhỏ nhặt thôi - nhưng nó làm cho câu nói của ông khác hẳn với câu nói thông thường sau này, vốn vắn tắt nhanh nhẹn hơn nhiều (...)

Bình Nguyên Lộc thấy nghe rộng rãi, phân giải rành rẽ về vô số điều khắp cuộc sống bao la. Ông chú trọng tới cái ý nghĩa của mỗi câu chuyện. Chuyện nào cũng có một ý nghĩa. Hoặc một phát giác tâm lý, hoặc một tố cáo xã hội, hoặc một nhận định về nhân sinh, một luận đề v.v.

Ở Bình Nguyên Lộc, ý nghĩa lấn át nhân vật, xúc cảm. Nhiều nhân vật và cảnh vật chỉ có vai trò minh họa ý nghĩa. Sau khi đọc xong tác phẩm của ông, chúng ta lãnh hội thêm một điều ông muốn nói, một chuyện ông muốn kể; nhưng ít có nhân vật nào của ông ám ảnh ta lâu dài, và ít có những truyện để lại một rung động lâu dài (...)

Nhưng những nhân vật li ti trong truyện sao bằng nhân vật ngoài đời. Trong sinh hoạt văn học ở miền Nam, Bình Nguyên Lộc là một nhân vật không thể quên. Lòng thiết tha của ông đối với quê hương, và những hoạt động mê say của ông (...) chắc chắn sẽ để lại dư vang bền lâu (...) Về nông nỗi tha thiết với quê hương, đời ông cảm động không thua bất cứ cuộc đời nhân vật nào do ông gây dựng nên.

Trích bài viết năm 1998, cũng in trong Văn học Miền Nam, phần Truyện:

Cuốn truyện thứ nhất của Bình Nguyên Lộc, ông khởi thảo từ năm 1935, năm ông hăm mốt tuổi. Tức cuốn Hương gió Ðồng Nai (...) Dòng họ ông vẫn giữ được bản gia phả mười đời sinh sống ở đất Tân Uyên, một làng bên con sông Ðồng Nai (...)

Phù sa, tác phẩm thứ hai trong đời Bình Nguyên Lộc, khởi thảo năm 1942, nhằm vào công trình mở mang bờ cõi về phương nam, cho đến mãi tận mũi Cà Mau. Tác phẩm ấy, đến ngày cuối cùng của ông, 45 năm sau, viết đi viết lại mãi vẫn chưa xong (...)

Mối bận tâm thứ ba của Bình Nguyên Lộc bao trùm cả dân tộc. Cuốn Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam được xuất bản năm 1971, năm sau đã xuất hiện ngay cuốn Lột trần Việt ngữ. Cả hai đều là sách đồ sộ, đòi hỏi lắm công phu, không biết khởi thảo từ lúc nào, và công cuộc tìm tòi sưu khảo bắt đầu từ bao giờ (...)

Một chủ đề khác cũng được Bình Nguyên Lộc trân trọng (...) Cuốn Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc in đúng 658 bản trên giấy đặc biệt chế tạo tại làng Vĩnh Cửu, không có bản nào in trên giấy thường, và cam đoan sẽ không bao giờ tái bản! (...) Sài Gòn cũng là một ấp ủ trong lòng tác giả (...)

Nhớ quê là một ấp ủ khác nữa (...) chữ “quê” nên hiểu rộng: đối với kẻ đi làm ăn xứ xa, thì làng cũ tỉnh cũ là quê; đối với dân ruộng đi Cần Thơ, đi Sài Gòn, sinh sống, thì nông thôn là quê; đối với Việt kiều thì nước Việt Nam là quê; đối với dân thương hồ lênh đênh trên sông nước rập rờn, thì mặt đất liền là quê v.v. (...)

Chúng ta chắc chắn chưa kiểm điểm được hết mọi nỗi niềm tâm sự của Bình Nguyên Lộc (...)

Người ta vẫn có cảm tưởng rằng (...) cái truyện viết đăng báo (...) e chẳng qua là món tiêu khiển, hời hợt (...) không phải thứ để đời.

Ở Bình Nguyên Lộc (...) không phải thế. Cái ông viết ra hàng ngày trên báo mà là cái tiêu khiển ư? - Là tấm lòng ông đấy. Là những thiết tha một đời của ông đấy. Là những gì vẫn đeo đuổi ông từ năm nọ đến năm kia không buông tha đấy (...)

(Về) chuyện (văn ông) hay dở (...)

Sơn Nam đọc (...) Bình Nguyên Lộc (...) “Chúng tôi đọc Nhốt gió để tìm một vài phút lâng lâng (...) Muốn thưởng thức Nhốt gió thì nên lật ra, đọc một vài hàng, hoặc vài chục hàng để rồi xếp lại. Hoặc bỏ vài chục trang, đọc một đoạn cho vui. Người đọc không phải cố gắng, chịu cực để theo dõi nhơn vật hoặc suy nghĩ gì cả. Xin giới thiệu vài đoạn (...) Cứ đọc Nhốt gió khi nào mình thấy thiếu thốn một chút hương vị quen thân. Sách chỉ dày có 200 trương, đọc lai rai chừng một tháng là hết, nhưng thỉnh thoảng đọc lại năm ba hàng, tình cờ, lại thấy vui và mới. Nó giống như ca dao, những câu ca dao bằng văn xuôi.” (...) Vài đoạn Sơn Nam đem ra giới thiệu là một đoạn nói về cánh rừng dầu lông cao lỏng khỏng, lá khô rôm rốp dưới chân người, ong kêu vù vù như muôn ngàn người trò chuyện trên ngọn cây. Và đoạn nữa là về một anh chàng xa quê nhớ về làng quê, nhớ những buổi đầu đông gió bấc ở rừng về bay theo bầy tu hú, những chiều đầu mùa mưa gió nồm từ biển vào rũ dọc đường bầy bông lồng mứt trắng mịn như tơ trời... Cả tháng trời, Sơn Nam đọc từng đoạn như thế, và ông lâng lâng. Thì ra ông có đọc truyện đâu! Tay cầm cuốn truyện, ông đọc... ca dao!

Cao Huy Khanh (...) Nguyễn Văn Sâm đọc truyện của Bình Nguyên Lộc, và không mấy vừa lòng. Ông Cao kêu về cái “cá tính ưa thích sự phân tích lý luận bác tạp rộng về bề mặt nhưng thiếu chiều sâu”; ông Nguyễn cũng bảo “ông (Bình Nguyên Lộc) giải thích quá nhiều lần nên người đọc dễ chán, người ta đọc tưởng mình đọc sách học hơn là đang thưởng thức một sáng tác phẩm” (...)

Hai vị đã bắt đúng một trong vài chỗ nhược của Bình Nguyên Lộc. Một chỗ nữa là cốt truyện (quá) ly kỳ (và truyện quá) rộn ràng tình tiết (...)

Cái nhược (...) cái ưu (...) đều do những bận tâm ấp ủ một đời (...) Ðiều ấp ủ mà nóng lòng đem ra phân giải quá lộ liễu (dễ thành văn không hay) (...) (nhưng nếu) hoặc kín đáo biểu lộ hoặc bất thần xuất hiện không chủ tâm (thì) lại gây xúc động, lại làm nên giá trị nghệ thuật.

Cảnh rừng dầu lông ong kêu vù vù (...) cảnh những chiếc ghe thương hồ đậu ở kinh Tàu Hủ, những chiếc ghe từ các miền Ba Thắc, Ðồng Nai... lên, trên mui chưng vài ba cây cảnh, trước mui một con heo đứng ngơ ngác nhìn bờ (...), những chiếc ghe khẳm lừ hàng hóa, thủ phận người vợ hiền chăm nuôi con dại, và bỡ ngỡ như một chị nhà quê lạc lõng vào thành phố (...) cảnh mùa mưa nước dâng ngoài đồng, đom đóm đậu nghẹt lá cây, chớp nháy buồn thê thiết, cảnh hai ba giờ khuya thức giấc, cất tiếng hú chị em bạn vầy đoàn chín chị mười chị cùng đi chợ vui không quên nổi (...) chuyện những ngôi cổ mộ, hoặc của một ông sư hoặc của một ông tướng, phu phen ty Lộ chính đô thành quật lên nay ở góc đường này mai góc đường kia, những mả cũ bên đường một đô thị nhộn nhịp gợi bao nhiêu ngậm ngùi (...) bấy nhiêu chuyện nọ cảnh kia rải rác khắp các tác phẩm Bình Nguyên Lộc (...) là những bài “ca dao” lốm đốm (...) trong khắp sáng tác của Bình Nguyên Lộc. Chúng là cái dấu ấn phân biệt (...) văn nhật trình của Bình Nguyên Lộc với văn nhật trình của bao nhiêu cây bút khác.

Những đốm “ca dao” ấy (...) kết tinh từ cái thiết tha với quê hương, nguồn cội (...)

Bình Nguyên Lộc (...) tấm lòng của ông chắc chắn là yếu tố đáng kể trong sự quí trọng của người đời. Người ta quí trọng ông như quí trọng một nhân sĩ trong làng văn, cái làng rộng lớn cả cõi Nam kỳ cũ.