Phạm Lý Hương, “Luyện kim Đông Sơn” (2)




Cho đến nay chúng ta (...) chưa có tài liệu cụ thể về các mỏ và cách khai mỏ luyện quặng của người Ðông Sơn. Có tình hình như vậy, một phần do các nhà khảo cổ học chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề, một phần khác là những khó khăn khách quan. Việc tìm kiếm, xác định niên đại khai mỏ là việc làm không dễ. Có những mỏ cổ đã bị thời gian vùi lấp, có những mỏ lại trải qua nhiều thời đại khai thác, dấu vết của những giai đoạn khai thác cổ nhất đã bị xóa nhòa... (...)

Ðể tìm hiểu nguồn quặng, các nhà nghiên cứu (...) dùng phương pháp so sánh thành phần hóa học của hợp kim chế tạo đồ đồng với thành phần hóa học của quặng lấy từ các vùng mỏ khác nhau (...)

Cho đến nay (...) có cơ sở ban đầu để nói rằng đồ đồng Ðông Sơn đã được chế tạo từ nhiều nguồn quặng khác nhau, có lẽ được khai thác tại địa phương. Chúng ta chưa tìm thấy bằng chứng về sự có mặt của những đường dây buôn bán, trao đổi kim loại, nguyên liệu từ các vùng xa xôi, ngoài biên giới khu vực phân bố văn hóa Ðông Sơn (...)

Bằng phương pháp quang phổ, sau khi phân tích trên dưới 1000 mẫu đồ đồng Ðông Sơn, đến nay chúng ta đã có cơ sở để đưa ra một số nhận xét về kỹ thuật pha chế hợp kim của người thợ đúc Ðông Sơn.

Trước hết đó là sự đa dạng, phong phú hơn hẳn của các loại hợp kim so với các văn hóa Tiền Ðông Sơn. Nếu như ở giai đoạn Tiền Ðông Sơn mới gặp 4 loại hợp kim (đồng-thiếc, đồng- ácxêníc, đồng-antimoan, đồng-thiếc-antimoan), trong đó hợp kim đồng-thiếc chiếm ưu thế tuyệt đối (gần 90% số mẫu phân tích), thì trong văn hóa Ðông Sơn có tới trên 10 loại (...) Các hợp kim có từ 3 thành phần trở lên chiếm phần lớn.

Chuyển biến đáng kể thứ hai nằm chính ở thành phần hợp kim (...) sự xuất hiện của chì (...) Theo thống kê của một đợt phân tích trên 500 mẫu, có tới 8 trong số 12 nhóm hợp kim có mặt chì (...) Hai hợp kim được người Ðông Sơn thường sử dụng nhất là hợp kim đồng-thiếc-chì và đồng-chì-thiếc (...)

Không phải ngẫu nhiên mà chì lại được ưa chuộng như vậy (...) (Các hợp kim có chì) dễ nóng chảy, dẻo, dễ điền đầy vào các chi tiết vật đúc, đặc biệt là những vật đúc có hoa văn trang trí tinh tế (...) Có thể nói rằng đa số trống Ðông Sơn được đúc từ hợp kim đồng-thiếc-chì (...) Có hiện tượng là dường như càng về giai đoạn muộn, hợp kim có chì càng chiếm ưu thế hơn (...)

Nhận định thứ ba về hợp kim đồ đồng Ðông Sơn là sự bảo lưu khá bền vững của (...) hợp kim đồng-thiếc (...) (Ðó là hợp kim có) độ cứng cao (thích hợp cho việc chế tạo) các loại vũ khí, nông cụ (...)

Về hợp kim đồng thau Ðông Sơn, các nhà nghiên cứu còn một số nhận xét khác nữa về các thành phần phụ (...) Ví dụ, nhìn chung hợp kim đồng thau Ðông Sơn có thể được coi là hợp kim có kẽm. Ðây là một biểu hiện tiến bộ vì kẽm giúp cho hợp kim dễ nóng chảy, dễ rót khuôn và ít bị rỗ khí. Thành phần phốt-pho (...) chứng tỏ người Ðông Sơn đã biết dùng phốt-pho để khử ô-xy trong hợp kim đồng-thiếc-chì (...) làm tăng độ dẻo, bền của hợp kim (...)

Gần như toàn bộ đồ đồng Ðông Sơn được chế tạo bằng phương pháp đúc. Kỹ thuật đúc đồng đã được những người Tiền Ðông Sơn biết đến và sử dụng thành thạo. Hàng trăm mảnh nồi nấu, rót đồng và khuôn đúc tìm thấy trong các di chỉ thuộc văn hóa Ðồng Ðậu, Gò Mun chứng minh điều đó (...) Ðến giai đoạn Ðông Sơn, kỹ thuật đúc có những bước tiến vượt bậc. Bên cạnh sự kế tục truyền thống đúc những hiện vật nhỏ và vừa, có đường nét đơn giản bằng khuôn hai mang bằng đá hay gốm, phổ biến loại khuôn đúc những phẩm vật lớn, phức tạp về đường nét, tinh tế về hoa văn trang trí. Loại khuôn này phải là khuôn phá, đúc một lần. Chúng ta (...) chưa bao giờ tìm thấy một mảnh khuôn đúc trống, thạp nào (...)

Thực nghiệm chế thử trống Ngọc Lũ (...) Phải qua 4 lần đúc thử thất bại (...) mới rút ra được đủ kinh nghiệm cho lần thứ 5 thành công (Trần Khoa Trinh 1978) (...) khẳng định rằng để tạo ra những sản phẩm lớn, đẹp như trống, thạp Ðông Sơn phải có một đội ngũ những thợ chuyên môn cao, có tổ chức sản xuất thích hợp với yêu cầu kỹ thuật đặc biệt cao (...) chúng ta phải nghĩ đến sự có mặt của những quan xưởng (...)

Cho đến nay chúng ta chưa có nhiều tài liệu về tổ chức sản xuất trong ngành luyện kim Ðông Sơn. Chúng ta chưa tìm được một khu luyện kim lớn nào như kiểu “quan xưởng”hay làng đúc đồng - làng nghề, mặc dù biết chắc chắn rằng nếu không có những tổ chức sản xuất quy mô như vậy thì không thể có những chiếc trống, thạp đồng Ðông Sơn (...)

(Ðồ đồng Ðông Sơn) tới lúc này (...) tin chắc được (...) là (...) được làm từ nhiều nguồn quặng khác nhau, có kỹ thuật pha chế hợp kim không hoàn toàn giống nhau, phải do nhiều lò đúc khác nhau sản xuất ra. Tính đa dạng trong kỹ thuật luyện kim, chế tác kim loại góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng chung của một nền văn hóa Ðông Sơn thống nhất.


(Trích Phạm Lý Hương, “Văn hóa vật chất của người Ðông Sơn”, tức chương VIII trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)