“Mán” là tiếng trước kia ta thường dùng để chỉ một số tộc người sống du cư du canh ở miền núi rừng, trong đó có người Mèo. Không phải “trời sinh” người Mán “thích ở thật cao, thật xa lánh mọi người” đâu. Họ phải ở cao, vì họ đến sau trên đất nước này. Những chỗ ở “ngon lành” hơn đã có người khác, chẳng hạn người Thổ (tức người Tày), chiếm làm nơi cư trú lâu rồi. Có nhà nghiên cứu cho rằng vốn từ xưa ở bên Tàu tộc Mèo - Dao đã bị tộc Hoa lấn khiến phải chạy lên núi. Ðã quen sống trên cao, nên khi nam thiên lại sống trên cao chắc chắn họ không phiền hà gì hết... Phiền là cặp giò của những người Kinh mà cơn gió bụi từ phương Tây đã thổi bay lên tận xứ Mán. Giặc Pháp vậy mà cũng được việc: vô tình, chúng đã giúp các dân tộc anh em trên đất nước ta xích lại gần nhau hơn. (Thu Tứ)



Nam Cao, “Nhật ký ở rừng” (1)




19-10-1947 -- Thỉnh thoảng cơ giới của địch chạy rầm rập ở ngoài đường lớn cách chỗ chúng tôi chỉ độ ba cây số. Dân chúng đã làm vườn không nhà trống, đi ở lán bí mật cả rồi. Không còn một tiếng gà, một bóng người. Suối vẫn chạy ào ào, tiếng vọng rõ hơn. Những tiếng ken két của cái cối nước vẫn điểm vào đây, hôm nay không còn nữa. Vắng vẻ tiếng rất quen thuộc của những cái nhạc gỗ lủng lẳng ở cổ những con trâu thả rông, kêu lốc cốc. Mình tiếng suối ào ào nhất thống khoảng vắng lặng mênh mông quá.

Công việc cất giấu của chúng tôi đã tạm xong. Luôn ba ngày khuân vác, mỏi rừ người. Đêm qua ngủ rừng, sáng dậy, mặt, cổ và tay chân be bét máu vì vắt cắn. Chưa buồn rửa ráy, chúng tôi mở một cuộc họp bất thường, bên cạnh một cái kho bí mật vừa làm xong. Chỉ không đầy mười lăm phút., mọi việc đã được giải quyết gẫy gọn. Bộ phận quan trọng nhất của cơ quan sẽ dời ngày đến một địa điểm xa, dự bị từ lâu. Một bộ phận nhỏ sẽ ở lại đây, tiếp tục hoạt động theo một chương trình mới: Tư, Khang và tôi thuộc vào số những người ờ lại.

Ngay sau cuộc họp, chúng tôi sửa soạn ba-lô lên Mán. Mán còn là một thế giới hoàn toàn bí mật. Ngay người Thổ cũng rất khi lên. Làng Thổ ở ngay dưới chân ngọn núi có làng Mán ở trên. Thế mà có những ông già Thổ ngoài sáu mươi chưa lên Mán một lần nào. Hỏi đến người Mán, trừ đồng chí chủ nhiệm Việt Minh xã là người đã bỏ được hết những thành kiến sai lầm xưa nay vẫn chia rẽ hai giống người sống sát cạnh nhau và đã lên khai hội với các đồng chí Mán nhiều lần, còn hầu hết những người Thổ chúng tôi quen đều lộ vẻ vừa kinh sợ vừa khinh bỉ: Úi già! Ké không được biết Mán đâu! Không dám lên đâu! Mán nó ở nhà đất đấy, không ở nhà sàn như người Thổ đâu! Có con rắn bò vào nhà đấy! Mán không biết nói tiếng kinh đâu! Mán có nhiều rận lắm! Mán nó bí mật lắm, không muốn cho ai lại gần đâu. Lại gần nó giết đấy!...

Cần phải nói ngay rằng: tiếng "nó" người Thổ dùng, không có ý gì khinh bỉ cả. Nói đến người trên, họ cũng dùng tiếng "nó". Nhưng vẻ mặt và giọng nói của họ, khi họ nói đến người Mán, tỏ rõ ý nghĩ sợ và khinh bỉ.

Tư, người giữ cái nhiệm vụ đi tìm chỗ đặt cơ quan cho bọn chúng tôi, đã lên tận Mán. Anh chỉ cho chúng tôi một cái sườn núi dốc gần như dựng đứng. Không có đường đi. Cả đến lối mòn cũng gần như không có. Rất ít người qua lại đấy. Chúng tôi sẽ phải cố tìm ra những vết trên lá rơi, cỏ rậm mà đi. Không có một cái mặt bằng bằng con dao nào để mà ngồi. Chỗ nào cũng là dốc cả. Luôn sáu cây số, người ta đi, đường đi lù lù ngay trước mũi. Tất cả cái đáng sợ chỉ thu vào có thế. Người Mán chẳng có gì đáng sợ. Họ khác người Thổ, người Kinh ở chỗ khoẻ và tìm ra lối đi trong rừng rất giỏi, giỏi đến mức mắt họ có thể nhìn thấy đường qua lại của một con chuột trên bãi cỏ. Họ mặc rách hơn người Thổ, người Kinh. Họ ăn ở khổ hơn. Học thích ở thật cao, thật xa lánh mọi người. Có thế thôi. Họ chẳng giết ai và cũng chẳng có gì là quái gở.

Vì mới lần đầu, nên những cẳng chân Hà Nội của chúng tôi đi chậm và khó nhọc lắm. Tháng mười ở miền núi tiết trời khá lạnh. Chúng tôi để nguyên áo rét, ra đi. Qua một cái suối phải lội, anh nào cũng rùng mình. Nhưng mới trên một quãng dốc xoàng xoàng, chúng tôi đã phải theo nhau hạ ba-lô, cởi áo rét ra. Anh nào cũng mặt đỏ gay, mồ hôi vã đầm đìa. Nóng quá! Và khát! Anh đi đằng sau chỉ trông thấy gót chân anh đằng trước, nhưng nghe rất rõ tiếng anh đằng trước hồng hộc thở. Có anh nghiến chặt răng để bước. Mỗi bước là một động tác thể thao hạng nặng. Cứ độ vài trăm bước chúng tôi lại dừng lại, chân trước cong, chân sau thẳng, nhìn nhau thở phì phì và cười với nhau. Tôi cứ vừa đi vừa nắn bắp thịt đùi và có cảm giác như nó to ra, rắn lại, sờ thấy được.

Càng đi càng vào sâu trong rừng rậm. Đường càng rắc rối quanh co. Hết cây lại đến cây. Chẳng chỗ nào ra vẻ lối đi, nhưng nếu nhìn kỹ để tìm thì chỗ nào cũng có thể có ba bốn lối đi. Thế mới rầy! Vòng quanh vòng quẩn nhiều quá đến nỗi phương hướng cũng không biết lối nào mà nhận nữa. Nhìn lên thì những cành với lá. Cành lá chồng lên nhau, che kín cả trời. Ánh sáng âm u, không còn biết còn trưa hay đã chiều. Chỉ thấy mỗi lúc một tối hơn. Rừng rậm thêm hay mặt trời đã nhạt? Không một túp lều, một người đi để hỏi đường. Tư qua lại bốn lần rồi mà vẫn lạc. Chúng tôi phải trở đi trở lại hai ba lượt. Chân đã mỏi nhừ, cổ đã khô cháy thì may quá, đến một chỗ rẽ kia, chúng tôi đột nhiên gặp một người. Tư reo lên:

- A! Nhình Pin!

Tư giảng cho chúng tôi biết nhình là chị. Anh chàng phải giao thiệp với đồng bào địa phương luôn, đã học được ít nhiều tiếng Thổ. Để nói chuyện với người Thổ thì chẳng đủ đâu. Anh thích dùng tiếng Kinh, tiếng phổ thông để họ khỏi cười. Trừ những bà già, còn hầu hết người Thổ đều nói thạo tiếng Kinh. Nhưng người Mán nắm chắc cẳng keo. Tiếng Thổ họ cũng chỉ biết tạm đủ dùng thôi. Vì thế, tiếng Thổ của anh Tư rất có ích ở đây. Anh cũng thích nói tiếng Thổ với người Mán lắm.

Chị Pin là một thiếu nữ vào hạng "chân tròn như cột". Người vạm vỡ, mặt tròn vành vạnh, trán nhẵn thín dưới cái khăn xếp màu đỏ thêu chỉ trắng che cái đầu cạo trọc. Mình cũng mặc áo dài quần Chàm như phụ nữ Thổ, nhưng cũ kỹ và rách rưới hơn. Cổ, cổ tay đeo vòng bạc, vòng đồng. Chị em miền núi ưa những đồ trang sức lắm.

Cái chúng mình không quen, chính là cái khăn to vành bọc vải thêu. Nó gợi trong tôi một cảm giác sờ sợ mơ hồ, cảm giác khi ta gần những cái man rợ và bí mật. Gần giống như ngày còn bé, tôi gần những bà đồng áo khăn sặc sỡ.

Nhưng chị Phin chẳng man rợ và bí mật một tí nào. Đứng trước mặt Tư, mặt chị đỏ bừng lên. Miệng chị, đôi mắt chị cười. Khi cười cũng đưa ngang cái tay che miệng như những cô gái e lệ dưới xuôi. Và khi Tư đùa hỏi Kỷ lai pi? (Bao nhiêu tuổi?), chị cũng thẹn thò trả lời: Nắm chắc (Không biết).

Nhình Pin ở rẫy về. Chị cõng một cái giỏ đầy thóc còn cả bông ở trên lưng. Tay chị cầm một quả dưa to. Tư hỏi:

- Mắc ca lăng? (Quả gì?)

- Mắc qua. (Quả dưa.)

- Kin đầy bố? (Ăn được không?)

- Kin đầy. (Ăn được.)

Chị đưa tay về đằng sau lưng, rút con dao, bổ quả dưa, đưa cho Tư.

- Kỷ lai chèn? (Bao nhiêu tiền?)

- Nắm âu chèn. (Không lấy tiền.)

Tư chỉ lấy một nửa thôi. Chị bảo Tư đưa nốt nửa kia cho bọn tôi ăn. Đang khát, trông thấy dưa, thích mê người. Nhưng quái lạ! Mình vẫn thấy ngài ngại, như sợ bẩn. Tại sao mà bẩn? Quả dưa vừa mới lấy ở ruộng về. Cái bàn tay to lớn và múp míp của người cho bẩn thỉu chăng? Mới đến gianh sơn Mán, mình vẫn còn nhìn mọi cái với con mắt của người Hà Nội. Nhưng Tư đã cắn vào miếng dưa rồi. Chúng tôi cũng mỗi người một miếng, ngoạm ăn. Giống dưa to như dưa hấu, nhưng thịt và ruột lại giống dưa gang. Chất dai hơn. Và sau khi chúng tôi đã đỡ khát rồi, chúng tôi thấy vị nó hơi chua, chứ không được ngọt.

Sẩm tối, chúng tôi bước vào nhà một ông già. Cái nhà bằng gỗ còn cả vỏ và bương, tre, đứng đơn độc có một mình, ấy thế mà nó là cả một làng, có tên riêng của nó hẳn hoi. Chuồng lợn, chuồng gà ở ngay trong nhà, lẫn với người. Nhưng không có lợn gà. Chỉ có phân với bọ hung. Chủ nhà bảo Tư: gà, lợn đã pây cơ. Nghĩa là đi lán cả rồi. Tư cắt nghĩa thêm:

- Cơ, tức là cơ quan. Tiếng này chắc có ngay từ thời kỳ bí mật trước đây. Người Mán đã phải làm vườn không nhà trống, ở lẩn lút ngay từ thời kỳ ấy kia rồi. Vì vậy, nhà nào cũng có "cơ quan" bí mật để giấu thóc lúa, lợn gà. Lán bí mật riêng của nhà họ, họ cũng gọi là cơ quan.

Anh Đức bảo Tư hỏi xem cơ của ông ké có xa không. Ông ké bảo: Quây lại (Xa lắm). Thế là khổ chúng tôi! Vẫn tưởng đến nơi có thể mua được một con gà làm thịt, thổi cơm ăn. Nhưng gà lại đi cơ mất cả rồi. Đành lại cơm với muối.

Cơm xong, cả bọn lăn quay ra đất, chung quanh bếp lửa. Ông già nhường cái giường độc nhất của nhà ông cho chúng tôi, nhưng chúng tôi không chịu nhận. Ông già bèn lẳng lặng đi lấy củi chất thêm vào bếp, lại đốt thêm một đống lửa nữa ở phía ngoài. Ấm cúng chán rồi. Hơi khói át hết cả những mùi xú uế đi. Vì vậy, tuy rải cái áo đi mưa nằm ngay dưới đất, đắp sơ sài bằng chiếc áo vét-tông, đầu ghé ngay gần cái chuồng gà, tôi vẫn ngủ ngon lành lắm. Luôn mấy đêm lạnh và chập chờn rồi. Lại đến cả ngày lên dốc, ba-lô, bị gạo nặng ê vai. Nằm một lúc, ngủ ngay. Nửa đêm, tỉnh dậy vẫn thấy lửa cháy đều. Bên đống lửa, một thiếu phụ ngồi. Người đàn bà còn xuân mà lúc mới đến chúng tôi đoán là vợ kế ông già. Nhà chỉ có hai người, một đàn ông, một đàn bà, thì tất nhiên là vợ với chồng. Nhưng hai tuổi chênh lệch nhau một cách đáng băn khoăn. Chúng tôi đã trao đổi với nhau đôi ý chế nhạo. Lúc đi ngủ, tôi thấy ông già vào buồng, còn người thiếu phụ nằm còng queo một mình ở trên giường. Lửa xa mà chăn chiếu cũng không. Bây giờ người đàn bà lại ngồi đây. Ánh lửa hồng hắt lên khuôn mặt trái xoan điểm một cái miệng nhỏ rất thanh và đôi mắt lá răm hơi xếch. Người ta nghĩ đến những nàng công chúa Đông phương, đẹp lặng lẽ và bí mật. Đêm khuya vắng lặng, giữa những người mệt ngủ ngáy khò khò người đàn bà thức một mình, ngồi coi đống lửa. Lạnh quá không ngủ được hay là ý muốn săn sóc đến giấc ngủ ấm áp của những người khách lạ? Lửa chập chờn. Ánh lửa đỏ vờn nhau với những miếng tối lung linh. Tôi thấy buồn, nhơ nhớ, chẳng hiểu nhớ ai và buồn vì sao.


(Trong
Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1977)