Tàu không được chọn vua ta. Không được can thiệp vào việc cai trị nước của vua ta. Cũng không ảnh hưởng gì được tới quan hệ giữa nước ta với các nước khác: ta đánh Chiêm Thành, Ai Lao, không hề xin phép Tàu. Độc lập làm sao hơn!

Tại sao tồn tại bền quan hệ ấy? Vì nước Tàu lớn, ta không dám chắc sẽ lại thắng nếu bị xâm lược lần nữa. Và vì nước ta tuy bé nhưng bé hạt tiêu, Tàu không dám chắc xâm lược lần nữa sẽ thắng. Đôi bên cùng ngại “tái đấu”, nhưng ta ngại hơn. Nên nhớ Tàu thua thì chỉ là bành trướng thất bại, trong khi ta thua là mất nước. “Quan hệ độc đáo” hay ở chỗ người Việt khỏi lo mất nước và vua Tàu khỏi mất mặt.
(Thu Tứ)



“Quan hệ độc đáo”

Nguyễn Hồng Phong




Quan hệ độc đáo giữa Việt Nam và Trung Quốc - một nước nhỏ với một nước lớn - trong suốt mười thế kỷ (...) trên thế giới không hề có một kiểu quan hệ như thế ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời nào (...)

Về danh nghĩa (Việt Nam) nhận mình là chư hầu của Trung Quốc. Khi khai sáng một triều đại mới, vua Việt Nam xin Trung Quốc thừa nhận và phong tước; vua mới lên ngôi cũng thông báo cho Trung Quốc biết. Mấy năm một lần, Việt Nam đưa sản vật sang triều cống, nhưng những thứ triều cống không có ý nghĩa kinh tế (mà) chỉ mang tính cách tượng trưng (…)

(Trên thực tế) Việt Nam là một quốc gia độc lập (...) Trung Quốc không được can dự vào việc thiết lập chế độ cai trị, không vơ vét được các tài nguyên ở Việt Nam. Việt Nam không phải nộp quân hay nộp của cải, vũ khí, lương thực cho Trung Quốc như (…) ở châu Âu thời trung đại (…)


(Nguyễn Hồng Phong, “Việt Nam thế kỷ X”, trong
Thế kỷ X - Những vấn đề lịch sử, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1984)