Nam Hoa kinh - Vấn đề văn bản”

Nguyễn Hiến Lê




XUẤT HIỆN TỪ THỜI NÀO?

Theo Hoàng Cẩm Hoành thì Hán thư Nghệ văn chí (của Ban Cố 32 – 92) ghi rằng bộ Trang tử gồm 52 thiên chia làm: Nội thiên 7, Ngoại thiên 28, Tạp thiên 14, và Giải thuyết 3. Bản đó phải chăng là bản cổ nhất, mà nay đã thất truyền?

Một thuyết khác (trong Kinh điển thuyết văn tự lục) bảo Lưu An, tức Hoài Nam vương (? – 122 tr. TL), cháu Hán Cao tổ, cũng sưu tập được một bản nhờ các môn khách chú giải, không biết bao nhiêu thiên, hiện nay cũng thất truyền.

Tư Mã Thiên (-145 - ?) sanh sau Lưu An chưa đầy một thế kỉ, là người đầu tiên sống gần Lưu An nhất và viết về Trang tử cơ hồ không biết tới bản của Lưu An đó và chỉ bảo Trang viết một bộ sách gồm trên mười vạn chữ, không cho biết gồm bao nhiêu thiên, mà những thiên quan trọng nhất: Tiêu dao du, Tề vật luận lại không nhắc tới, chỉ kể vài thiên tầm thường: Ngư phủ, Đạo chích, Khư khiếp, Canh Tang Sở…

Mãi tới đời Tấn, thế kỉ thứ 3, mới xuất hiện một bản do Hướng Tú chú giải, gồm 26 thiên, Hướng Tú chú giải mới đến chương Thu thuỷ thì mất; một người bạn là Quách Tượng sửa lại rồi chú giải tiếp, theo tôn chỉ của phái huyền học thanh đàm các đời Nguỵ, Tấn, thành một bản khác gồm 27 (33?) thiên, tức bản lưu truyền ngày nay.

Như vậy, từ đời Hán đến đời Tấn, bộ Trang tử đã mấy lần thất lạc, sưu tập lại rồi thất lạc nữa, mỗi lần như vậy chắc sai đi ít nhiều. Và bản hiện nay mọi người dùng xuất hiện lần đầu tiên cách Trang tử sáu thế kỉ. Như vậy ai dám bảo rằng nó giữ đúng được tư tưởng của Trang?

Bản đó chia ra làm ba phần.

NỘI THIÊN gồm 7 chương (tức “thiên”):

- Tiêu dao du
- Tề vật luận
- Dưỡng sinh chủ
- Nhân gian thế
- Đức sung phù
- Đại tôn sư
- Ứng đế vương.

NGOẠI THIÊN gồm 15 chương:

- Biền mẫu
- Mã đề
- Khư khiếp
- Tại hựu
- Thiên địa
- Thiên đạo
- Thiên vận
- Khắc ý
- Thiện tính
- Thu thuỷ
- Chí lạc
- Đạt sinh
- Sơn mộc
- Điền Tử Phương
- Trí bắc du

TẠP THIÊN gồm 11 chương:

- Canh Tang Sở
- Từ Vô Quỉ
- Tắc Dương
- Ngoại vật
- Ngụ ngôn
- Nhượng vương
- Đạo Chích
- Thuyết kiếm
- Ngư phủ
- Liệt Ngự Khấu
- Thiên hạ

Cũng theo Hoàng Cẩm Hoành, người đầu tiên nêu ra vấn đề chân nguỵ trong Trang tử là Tô Đông Pha đời Tống (...)

Sau Tô, số học giả nghi ngờ sự nguỵ tác trong Trang tử càng ngày càng nhiều (...)

Gần đây, vấn đề chân nguỵ ngày càng phân tích kĩ hơn nữa, như La Căn Trạch trong Chư tử Khảo sách (Nhân dân xuất bản xã – 1958). Hoàng Cẩm Hoành trong Trang tử độc bản đã làm một bản liệt kê ý kiến của mỗi nhà về sự chân nguỵ của mỗi thiên. Đại khái thì ai cũng nhận rằng Nội thiên là của Trang tử (trừ một số bài) còn Ngoại thiên và Tạp thiên thì đại đa số của người đời sau.

Nhưng tôi nhận thấy điều này: cơ hồ tất cả các học giả đều xét tổng quát từng chương để xem chương nào trong Ngoại thiên và Tạp thiên là của Trang hay của môn phái Trang, môn phái Lão; chưa ai đặt thành vấn đề rằng mỗi chương có thể do nhiều người viết (...)

(...) tôi vẫn giữ lối trình bày của cổ nhân, giữ nhan đề và thứ tự các chương, chia mỗi chương ra nhiều bài để độc giả dễ kiếm (...) sau cùng, tôi một phần dựa vào ý kiến của người trước, một phần tôi đưa ra ý kiến của riêng tôi để phỏng định chương nào hoặc bài nào là chân hay nguỵ, nếu là nguỵ thì có thể là của phái nào.

NỘI THIÊN

Nội thiên có nhiều đặc điểm khác hẳn Ngoại thiên và Tạp thiên:

1. Tính chất nhất quán:

Chương I đưa ra một quan niệm về hạnh phúc: thảnh thơi tự tại; và cho ta biết làm sao thì có thể hoàn toàn tự do mà thảnh thơi tự tại được.

Chương II bàn về lẽ mọi vật trong vũ trụ đều tuyệt đối bình đẳng, không vật nào quí, không vật nào tiện, hơn nữa không có cả thị phi, chung thuỷ, thiện ác nữa, mình và vật nữa.

Chương III chỉ cho ta phép dưỡng sinh để có thể hưởng được tuổi trời (chung kì thiên niên) mà sống cuộc đời vui thú.

Chương IV chỉ cho ta phép xử thế trong thời loạn.

Chương V đưa ra một tiêu chuẩn về bậc chí đức: Theo thiên tính, trút bỏ hết thế tính.

Chương VI luận về Đạo và sự đắc Đạo.

Chương VII thuộc về chính trị luận, đại ý là các đế vương trị thiên hạ phải vô vi, nghĩa là hư tâm, thuận theo lẽ tự nhiên mà không dùng cơ trí.

Như vậy trong phần Nội thiên chúng ta được thấy quan niệm của Trang về vũ trụ, tri thức, nhân sinh, chính trị, đủ thành một hệ thống triết lí. Nhiều học giả thời trước đã nhận thấy tính nhất quán đó.

Chử Bá Tú bảo:

“Nội thiên bắt đầu chương Tiêu dao du và kết thúc bằng chương Ứng đế vương, cho thấy điều quan trọng trong đạo học là cầu ở chính mình thì gặp cảnh nào cũng vui, rồi sau quan sát vạn vật ở ngoài sẽ thấy mọi vật đều ngang nhau (tề); thấy vật ngang nhau rồi thì mình quên mình được; tự quên mình đó là chủ yếu của phép dưỡng sinh. Dưỡng sinh để cho mình sung sướng, ứng vật để cho vật phát triển tự nhiên (thiện vật), hai việc đó đều cần có đức sung mãn, đức sung mãn thì vạn vật phù hợp mà tôn lên làm thầy (?) (…) mà ở trong, mình thành thánh, thần, ở ngoài (tức trị dân) mình thực hiện được lí tưởng của đế vương”.

Gần đây, Tưởng Phục Thông cũng bảo chương Tiêu dao du là cái mào cho toàn thể Nội thiên, mà chương Tề vật luận quét sạch cái quan niệm thị phi, mình và vật, mở đường cho lập luận (tức lí thuyết chính trị); các chương sau hoặc bàn về phép dưỡng sinh, hay cách xử thế, cách đạt được cái đức sung mãn, đều phải lấy Đạo làm thầy; Đạo đó ứng dụng vào việc trị nước thì thành đế, vương.

Cũng có thể hiểu một cách khác được, chẳng hạn: Thảnh thơi tự tại (Tiêu dao du) là mục đích của loài người cũng như của vạn vật. Muốn đạt được cảnh giới đó chúng ta phải bỏ quan niệm thị phi, mình và vật đi (Tề vật luận), phải biết phép dưỡng sinh (Dưỡng sinh chủ), cách xử thế (Nhân gian thế); cao hơn nữa, phải tu dưỡng, cho đức được sung mãn (Đức sung phù), mà lấy Đạo làm thầy (Đại tôn sư); và muốn cho mọi người trong thiên hạ được thảnh thơi tự tại thì người cầm quyền phải theo Đạo vô vi mà trị dân.

Hiểu theo cách nào, chúng ta cũng thấy có một sự nhất quán trong bảy chương của Nội thiên, tính cách đó Ngoại và Tạp thiên thiếu hẳn.

2. Tư tưởng rất ít mâu thuẫn nhau; trái lại trong Ngoại và Tạp thiên, tư tưởng rất hỗn tạp, rõ ràng là của nhiều người trong nhiều phái viết (...)

3. Bút pháp cao hơn Ngoại và Tạp thiên, đặc biệt là bút pháp trong hai chương đầu: Tiêu dao du và Tề vật luận.

4. Nhan đề tóm tắt được đại ý trong chương, còn trong Ngoại và Tạp thiên, người ta dùng vài chữ trong câu đầu để đặt tên chương, thành thử nhan đề không liên quan gì tới ý chính trong chương cả; nhiều chương cũng không có cả ý chính nữa.

Đó là bốn đặc điểm khiến Nội thiên phải được tách rời khỏi hai thiên kia.

Tuy nhiên, Nội thiên có thực do Trang tử viết không? Một số người còn nghi ngờ và đưa ra mấy lí do không vững lắm (...) Nhưng xét kĩ, chúng ta cũng phải nhận có vài chỗ khả nghi trong hai chương Nhân gian thế và Đại tôn sư (...)

Tóm lại, Nội thiên tư tưởng nhất quán, thành một hệ thống, chắc do Trang tử viết, nhưng hai chương Nhân gian thế và Đại tôn sư có một số bài ý nghĩa mâu thuẫn với học thuyết của Trang, có thể do người đời sau viết thêm vào (...) khi tìm hiểu Trang tử, chúng ta nên gạt những chỗ mâu thuẫn đó ra.

NGOẠI THIÊN VÀ TẠP THIÊN

Vương Phu Chi trong Trang tử giải so sánh Nội thiên với Ngoại thiên, bảo:

- Nội thiên ý liên tục và có hệ thống, Ngoại thiên ý rời rạc,

- Nội thiên ý man mác mà qui về một mối, Ngoại thiên không hàm súc mà ý phồn tạp,

- Nội thiên không cố chấp như Ngoại thiên,

- Nội thiên tuy “nén” Khổng tử xuống, nhưng không có giọng khinh bạc,

- Nội thiên tuy có điểm giống Lão giáo nhưng dựng được một thuyết riêng. Ngoại thiên nông cạn, bắt chước Lão giáo mà không phát huy được gì, kém nhất là những chương Biền mẫu, Mã đề, Khư khiếp, Thiên đạo, Thiện tính, Chí lạc.

So sánh Ngoại thiên với Tạp thiên, Vương bảo Tạp thiên tuy không thuần, nhưng phát huy được ý nghĩa của Nội thiên, và hơn Ngoại thiên ở điểm đó; nhưng có mấy chương Nhượng vương, Đạo chích, Thuyết kiếm, Ngư phủ lời và ý đều bỉ lậu, tầm thường quá đỗi.

Tuyên Dĩnh bảo Tạp thiên sở dĩ gọi là tạp vì mỗi bài đều tuỳ hứng mà viết, tuy nhiên đối với đạo, không nhất thiết là tạp loạn.

Vương bảo “không thuần”, Tuyên bảo là “tuỳ hứng”, ý nghĩa đại khái như nhau.

Tôi thấy từ Nội thiên bước qua Ngoại thiên, không khí khác hẳn, như đương ở một nơi có ngăn nắp qua một nơi hỗn độn, càng về sau, cảm giác hỗn độn đó càng tăng (...)

Tạp thiên lại hỗn tạp hơn Ngoại thiên nhiều (...) còn hỗn tạp ở điểm có bài rất hay mà có những bài rất dở. Nhiều bài trong những chương Ngoại vật, Ngụ ngôn, nhất là trọn chương cuối (Thiên hạ) bút pháp cao, trái lại những chương Nhượng vương, Đạo chích, Thuyết kiếm, Ngư phủ, như Tô Đông Pha và Vương Phu Chi đã nhận thấy, bút pháp quá thô lậu, không xứng được đứng chung trong một bộ với những chương Tiêu dao du, Tề vật luận.

Ngoại thiên cũng (...) bút pháp cũng không đều: những chương Thu Thuỷ, Sơn mộc, Đạt sinh, nghệ thuật cao hơn Tại hựu, Thiên địa, Khư khiếp v.v.; nhưng sự cách biệt đó không quá nổi bật như trong Tạp thiên (...)

Ngoại thiên và Tạp thiên còn khác với Nội thiên ở vài điểm nhỏ này nữa:

- Như Vương Phu Chi đã nhận thấy, Nội thiên có một giọng nhã nhặn, ôn hoà đối với Nghiêu, Thuấn, Khổng tử. Ngoại và Tạp thiên có giọng quá khích, khen thì khen quá (...) mà mạt sát thì mạt sát kịch liệt (...)

- Trong Nội thiên, có chỗ cho Lão lên tiếng như bài V.3, nhưng đó chỉ là tưởng tượng, tuyệt nhiên không dẫn một lời nào trong Đạo Đức kinh cả, vì kinh này thời Trang tử có lẽ chưa xuất hiện, hoặc mới xuất hiện mà Trang không được đọc; trái lại trong Ngoại thiên (...) đủ tỏ rằng Ngoại và Tạp thiên xuất hiện sau thời Trang tử.

- Ngoại và Tạp thiên có nhiều bài chép trong các sách khác như Sử kí của Tư Mã Thiên, nhất là Liệt tử, còn trong Nội thiên chỉ có mỗi một bài phỏng theo Luận ngữ như trên tôi đã dẫn. Như vậy ta thấy Ngoại và Tạp do nhiều người viết vào nhiều thời đại và người sau thu thập lại mà không cân nhắc kĩ lưỡng.

Về vấn đề chân nguỵ, đa số các học giả đều cho rằng xét chung, Ngoại và Tạp thiên có rất nhiều chương chắc chắn không phải của Trang tử, còn những chương khác nếu Trang có viết một phần nào thì cũng khó nhận ra được đích xác (...)


(Nguyễn Hiến Lê,
Trang tử và Nam Hoa kinh)