Năm 1977 Nguyễn Tuân kêu Tết nghèo vì “cái anh sương xuân bảng lảng” đã “mất đứt”.

“Anh” sương đông lù lù thì vẫn còn đây. Nhưng cứ đà bầu khí quyển đang bị “hâm”, e sẽ chóng tới ngày “anh” này đi theo “anh” kia…

Ngày ấy, rất có thể người Việt Nam cũng đã “mất đứt” tâm hồn nhậy cảm của mình rồi, nên sẽ khỏi ai phải nghe ai kêu ca đông gì mà rách mồng tơi, đến “tấm áo sương” cũng không may nổi cho Hà Nội “choàng” cho thành “cô dâu diễm lệ”…
(Thu Tứ)



Băng Sơn, “Hà Nội mùa sương”





Ảnh khuyết danh


Vào những ngày rét ngọt hanh khô, đi qua phố Tràng Thi, tưởng như nghe thấy tiếng sột sọat của từng trang sách mở ra, trong khi trên đường rặng bàng tung những tờ lá đỏ, như tấm thư trời gửi cho người báo mùa đông sắp đến, mà đây là những ánh nắng cuối cùng. Hàng phượng vĩ đường Thanh Niên đã tắt hết đèn chỉ còn lại những quả khô như những sợi bấc đen chứa trong đó cái hạt nâu vân vân, đựng lửa cho mùa sau. Hàng cơm nguội phố Lý Thường Kiệt hình như mẫn cảm với sương đông trước hết. Chúng chỉ còn trơ lại những cành trong bàng bạc màu trời (...)

Cái vườn hoa bé tí tẹo nhưng xinh xắn vô cùng ở Cửa Nam kia mới lạ lùng sao (...) Vài năm trước khi những tơ sương bắt đầu giăng mắc trên thành phố, mới giữa mùa đông, mấy cây mận trắng đã thẹn thùng phô ra dăm đóa hoa gầy mỏng manh trắng muốt. Ôi những bông hoa mận cốt cách chẳng kém gì hoa mai ấy,bây giờ ở đâu (...)

Có thể nào không nhắc đến Hồ Gươm. Cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn. Tháp Rùa lúc nào cũng mờ ảo trong sương như nét nhòe trong bức tranh kiệt tác của
người họa sĩ tài hoa. Từng đợt gió chơi trò đuổi nhau, từ phía đảo Ngọc về Hàng Khay, làm cô gái nào qua bờ hồ cũng phải kín đáo kéo nghiêm tà áo vì cái lạnh trêu ngươi.

Thiếu nữ Hà Nội (...) những ngày lạnh đủ các màu áo (...) từ hòang yến, tím hoa cà, đỏ rực rỡ đến xanh lục thẫm (...) hàng trăm cung bậc của màu như âm thanh của cây đàn diệu kỳ, mà sương khiến nốt cao nốt thấp không còn phân biệt rõ lắm.

Đêm đông (...) gió cứ một mình lồng lên tìm bạn trên tán cây long não, xà cừ. Sao mà nhớ người bạn đã đi xa, không còn được hưởng những tiếng thì thầm ấy (...) sương và gió làm mờ thực tại xô bồ (...)

Hà Nội mang dáng vẻ trầm tư duyên dáng, gần như hoang sơ, trong những đường ngõ quanh co mờ tỏ của mình (...) đền Quán Thánh có những cây muỗm già trăm tuổi, thả lá khô xuống sân đền không một tiếng vang, làm sương đông cũng không thể giật mình. Phải chăng hồn Thăng Long vẫn còn ẩn hiện trong những làn sương mỏng màu lam kia?

Đã qua mùa hoa sữa. Cây hoa sữa bây giờ treo mành là những chùm quả, thỉnh thỏang lại rắc cái hạt đầy lông nâu ra tứ phía, có lúc mình tưởng nhầm là con sâu,hóa chỉ là cái hạt cây, chắc muốn đậu vào vai người tìm hơi ấm.

Có nhiều lo ài cây vẫn tươi xanh trong sương đông (...) Hàng đa đường Điện Biên, những cây sao đen phố Lò Đúc, những cây chò xanh từ đền Hùng được di về gần lăng Bác, hàng long não lá tròn và thơm nhè nhẹ ở phố Lê Văn Hưu... (...)

Một buổi tối nào ta kho ác tay người bạn thân đi dạo trên phố cổ (...) chợt thấy ở một ngã tư chập chờn nào, một cây cột đèn nhòa trong sương nào, có ánh sáng mờ ảo... Một mùi thơm ấm nóng bay lên.

Mùi thơm đã trở nên hữu tình. Ta gặp ánh than hồng lập lòe theo tay cô gái (...) Mặt người cũng lúc sáng lúc tối như lời ai lúc nói lúc ngừng, như trong một giấc mơ mà sáng mai ta không thể nhớ lại được. Xin một phút được ngồi lại bên chậu than hoa hồng rực, trong mùi thơm chờ đợi đến thắc thỏm, chỉ sợ chưa đến phần mình khi cô gái lật giở bắp ngô vừa chín tới sang một góc, bắp ngô vàng óng gần như trong suốt mà phần ngoài đã lấm tấm đen vì hơi lửa (...)

Cầm cái bắp ngô ấy lại đứng lên đi tiếp đoạn đường sương, vừa đi vừa tỉa từng hạt mà ăn. Mùi thơm quấn quít với ta, hơi ấm từ tay lan vào khắp đường gân thớ thịt.

Hình như món ngô nướng sinh ra không phải để cho mùa khác, cũng không phải để cho lúc khác. Trong hơi sương, trong gió rét, trong bước đi thong thả của một đêm đang về, ngô nướng là một phần của đêm sương ấy. Có lẽ Tử Kỳ cần một Bá Nha thì ngô nướng cũng cần có những tấm lòng, những bàn tay... biết thưởng thức nó vào đúng lúc này, đúng nơi này, chăng? (...)

Những buổi sáng Hà Nội choàng tấm áo sương, thành phố đổi khác hẳn như cô gái ngày thường lam lũ, hôm nay (...) thành cô dâu diễm lệ, bất ngờ cho tất cả mọi người dù quen hay lạ.

Bờ cỏ bờ Hồ Gươm đâu đó còn vương vấn những viên ngọc li ti. Đêm qua có ai làm tung toé những hạt ngọc trai vậy nhỉ. Hay là sợi dây chuyền từ cổ cô gái thanh tân đứt ra, vì quá vội về trời không kịp nhặt, mà người trần gian chúng ta cũng không thể nâng lên, vì cô đã yểm phép tiên khiến nó sẵn sàng tan thành nước (...)

Rồi một hôm nào, như chợt tỉnh ra, ta thấy mấy cái quán dựng lên. Chợ hoa sắp họp. Mùa sương sắp hết, Xuân đang đợi thập thò ở ngoài thềm Hà Nội...

Hàng bia tiến sĩ trong Văn Miếu sắp hết những ngày tắm sương giá buốt. Bao nhiêu cây đang làm nhựa dưới gốc kia để chờ xuân, tung màu xanh vào đời, tiễn một mùa sương giá ra đi.

Và Hà Nội lại đẹp cách khác. Hà Nội vẫn cứ đẹp, như chưa từng bao giờ thua thời gian một keo nào.


11 - 1990


(Trích từ bài Hà Nội Mùa Sương trong tập
Thú ăn chơi người Hà Nội của Băng Sơn)