Cái “quà chợ” làm một ông lão tóc bạc phơ nhớ lại mà thấy lòng rưng rưng, nó có phải là vật chất đâu. Nó là cả tấm lòng của mẹ đối với con. Thế thì so quà chợ, phải là so lòng với lòng.

So lòng mẹ xưa với lòng mẹ nay, rồi nên so cả lòng con xưa với lòng con nay. Con xưa nhận con tò he, củ súng mà đến già vẫn còn rưng rưng. Con nay nhận đồ chơi điện tử, sô-cô-la, rồi sẽ nhớ lòng mẹ thế nào?
(Thu Tứ)



Băng Sơn, “Quà chợ”





Ảnh khuyết danh


Ảnh khuyết danh


Ảnh khuyết danh


Thuở thiếu thời (...) vì nhà nghèo, nên tôi chỉ được mẹ mua cho chiếc trống bỏi, con tò he, ông phỗng bằng giấy bồi, ông tiến sĩ giấy, sợi pháo dây, con lợn bằng đất sơn đỏ béo ục ịch... Nhưng cho đến năm sáu chục năm sau, tiếng kêu tính tinh vui tai từ hai hạt đỗ của chiếc trống bỏi đánh vào tang trống là mặt giấy căng, vẫn còn vang trong lòng tôi. Con tò he bằng bột màu, có mùi chua chua, có thể là con gà có bộ lông xanh thật xanh, đỏ thật đỏ, cái mỏ mềm mềm... vẫn như gáy vang đâu đó mỗi khi tôi bồi hồi nhớ lại. Ông tiến sĩ giấy cũng thế, gương mặt trắng tinh láng bóng, ngồi khoanh tay bảnh choẹ mà tay áo là giấy màu chun lại, ông còn hỏi mãi xem những đứa trẻ thơ chúng ta có trở thành tiến sĩ như ông không (...) Tôi cũng không thể nào không nhớ những sợi pháo dây, còn gọi là pháo hoa cà hoa cải, nở toé ra như một trận mưa sao những đêm tết ấy trong cảnh tối mịt mùng của làng quê không có ánh điện (...) Những trận mưa sao ấy cùng làn khói thơm tỏa ra (...) đã đưa tôi vào xứ sở của thần tiên kỳ ảo, có niềm vui sáng lên suốt một đời người.

Những bà mẹ nghèo của chúng ta trên khắp đất nước này có thể quanh năm mặc áo vá đi chân trần trên đá dăm, trên gai nhọn, trong bùn lầy... nhưng không đành lòng để con thơ thiếu đồ chơi, thiếu đồng quà tấm bánh, chỉ đơn sơ thôi, nhỏ nhoi thôi, mà mọi người quen gọi là QUÀ CHỢ.

Mẹ không dám bỏ ra mấy xu để mua thanh vỏ chay còn những chiếc (?) vỏ lơ xơ màu da cam, cho miếng trầu thêm ngọt ngào, đỏ thắm, mà chỉ dám mua cây vỏ quạch vừa chát vừa đắng, để có thêm một hai xu ấy mua niềm vui, sự sung sướng, tiếng cười về cho con khi tan chợ, mẹ tong tả về nhà, con chạy ra ngõ sà vào lòng mẹ (...)

Củ khoai lang luộc, cắm thêm bốn năm cái tăm thành con lợn, chơi thật lâu rồi mới dám ăn. Tưởng như con lợn ban chiều kêu đói phá chuồng lịch kịch. Củ khoai nước to bằng cái bát ăn cơm, hơi giống khoai sọ, có màu hồng hồng, dẻo quánh, nhàn nhạt. Làm gì có đường mà chấm, ăn nhạt thôi. Nhà khá hơn mới có chút muối vừng, ăn xong còn tê tê ngưa ngứa nơi cổ họng, thế mà cũng có thể thành bữa tiệc tưng bừng...

Chiếc bánh đa vừng giòn tan, tròn như mặt trời, bẻ bánh đa ra mấy anh em chia nhau như chia từng mảnh mặt trời kỳ thú, hạt vừng dính răng, còn nhằn nhằn cho đỡ cơn thèm. Quà mà. Làm gì có đủ có nhiều mà ăn no ăn chán.

Bắp ngô đem luộc còn mặc áo lụa xanh, luộc lên áo đổi ra màu vàng, mẹ về đến nhà áo mẹ ướt đẫm nhưng áo ngô đã se đi vì nắng. Con ăn, con tẽ từng hạt, may được "con mèo" (?), là mừng rỡ, khoe ầm lên, để vào lòng bàn tay cho nó kêu lên trong tưởng tượng.

Chiếc kẹo bột mỏng dính nhưng vẫn còn mang dáng xoắn vỏ đỗ, áo kẹo là bột trắng, che không kín màu vàng của mật (đường?), mùa hanh giòn căng cắc, nhưng mùa nồm thì bở bùng bục... sao mà ngon thế, linh đình thế. Có thể ăn nó với dưa bở, dưa hồng (thời ấy chưa có dưa lê), khoai sọ luộc, bánh gio... tuổi thơ có nó mà như có ngày hội, có bữa tiệc ở đầu hè, ở gốc cây, ở góc sân dưới bóng giàn hoa thiên lý hay đỗ ván lung linh.

Lại nhớ những xâu táo mùa xuân, xâu hạt mít mùa hè, xâu bồ quân tim tím mùa thu. Xâu táo nào cũng có một quả thật to, rồi đến những quả bé dần đi, cuối xâu là những quả táo còn non, còn xanh, còn chát, còn dớt. Nhưng nó là quà chợ, có phải lúc nào cũng có đâu ngày nào cũng có đâu, nên tuổi thơ ăn được hết, và ăn một cách thích thú ngon lành, như ăn cái nghèo khổ khốn khó vào lòng mà sung sướng, mà đau khổ, mà nhớ đời...

Củ bột, còn gọi là củ dong hay củ hoàng tinh, có những chiếc vỏ mỏng tang, trông nó y như những chiếc măng tí hon. Một đầu ngọt còn đầu kia toàn xơ nhai mãi không dừ. Nó là bạn của củ khoai riềng ngọt một vị lợ lợ, bạn của củ ấu có hai đầu nhọn hoắt có cái ruột bùi bùi không bao giờ được ăn đến chán, cái nhân cái ruột ấy bao giờ cũng như còn chứa một điều gì bí mật mà tuổi thơ khi cắn vỡ nó ra là nó biến đi mất rồi. Cả cái củ súng nhỏ tí vỏ đen xì nhưng ruột lại vàng như màu quả dành dành lung linh bên bờ ao. Đừng tìm ở củ súng cái ngọt cái thơm. Nó cũng hẩm hiu như số phận tuổi thơ con nhà nghèo, nó nhờ nhợ đăng đắng. Nhưng nó cũng là quà chợ, là tấm lòng thơm thảo của mẹ cho con, thương con quí con.

Quà chợ thường ít có bánh giò, cũng hiếm giò chả ăn kèm. Thì đã có bánh vuốt, bánh tẻ, thứ bánh bằng bột tẻ, hơi cứng, nhân chút ít đậu xanh, gói thành hình dài như chiếc sừng dê, nhai kỹ cũng bùi đáo để. Ngon hơn một chút là bánh khoai, bánh rợm, những thứ bánh cũng quen thuộc như củ khoai hạt gạo đồng làng. Bánh khoai còn nguyên những lát khoai sọ, không nhừ mà cứ sần sật như một thứ sụn non. Bóc chiếc bánh khoai, cắt chéo thành mấy miếng, miếng nào cũng có hình thoi nằm song song bên nhau, thoát thai từ bàn tay khéo léo của mẹ, chia đều niềm vui cho các con. Nó không hề giống cắt bánh chưng, càng khác bánh rợm phải bóc từng tí một như bóc bánh gai mà nó vẫn còn dính vào tay như không muốn rời ra (...) Mầu bánh mật thật đậm đà, hấp dẫn (nước da bánh mật!), như ngầm
chứa một điều gì không thể nói ra. Bánh mật ngọt sắc, ngọt thanh (...)

Quà chợ (...) còn nhiều thứ quà khác nữa (...) Mấy quả chuối mật da sạm nắng nâu già, chuối tây mập mạp, chuối tiêu trứng cuốc thơm lừng, vài dóng mía có đốt bị sâu, có đốt mang mùi rượu. Rồi quả na ngọt như không thể có thứ gì ngọt hơn, ổi găng tròn xoe, ổi nậm ổi đào hơi chua, ổi nghệ lại chát. Quả thị lại thơm suốt những giấc ngủ mùa thu. Chùm dâu da xoan chín đỏ vừa ngọt vừa chua, mỗi quả hơi nhăn nheo, gần giống như mặt khỉ tí tẹo, thứ quà rẻ đến nỗi có thể sang hàng xóm xin được (...)

Chợ quê có thứ bánh khảo bột ngô, từng thanh nhỏ, sấy vàng, có những cái khía nhỏ cho trẻ thơ dễ bẻ, bột thô, ít đường, nhưng lại có hương thơm rất hấp dẫn. Cũng có thể có bánh tai voi hoặc chiếc kẹo vừng dèn dẹt, chiếc bánh khoai tròn tròn, thơm mùi khoai nướng, hay mấy thanh chè lam phủ lớp bột nếp trắng mờ như mây như khói, nhai nó mà còn thấy cả những sạn trấu lẫn trong hạt bỏng xay nhỏ. Còn một thứ không hiểu gọi là gì, kẹo hay bánh không biết. Đó là bỏng bộp, giống những quả bóng bàn. Cầm nắm bỏng bộp trong tay to thế, nhưng nhai thì nó biến đi đâu mất, có lẽ phải ăn vài trăm quả mới tạm no. Có nhà giầu mua bỏng bộp về nuôi "con qui" để làm thuốc. Còn con nhà nghèo, bỏng bộp là thần tiên, là gì nữa hở tuổi thơ ơi?

Quà chợ nghìn năm đang mất dần đi, thay vào đó là (...) nhiều món đồ chơi mới, thức quà mới.

Bà "tóc rối đổi kẹo" đã gần như mất hẳn, thay vào đấy là anh bán kem, dắt cái xe đạp có hòm vuông sau lưng, tay bóp cái kèn bằng quả bóng kêu toe toe, cứ thế mà len lỏi khắp đường làng ngõ xóm.

Những ngôi chợ to, to bằng hàng chục mái đình làng, ở các thành phố, nay bày la liệt không biết cơ man nào là đồ chơi, là thức quà, đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng, lấp lánh hào quang vàng bạc kim nhũ, ngân nhũ... đã thành quen thuộc với nhiều người.

Và tôi cứ phân vân mãi về lòng mẹ, tình mẹ, trái tim mẹ, những bà mẹ giàu có và những bà mẹ còn nghèo khổ... có giống nhau không, hoặc ai tha thiết chan chứa hơn ai, khi mua quà chợ về cho con?

Riêng tôi, những món đồ chơi, những thức quà đơn sơ tôi có được hồi nhiều chục năm trước, nay nhớ lại, tôi vẫn còn thấy lòng mình rưng rưng (...) mẹ tong tả chiếc đòn gánh trên vai, bước qua cái cổng chống lên bằng một đoạn tre, mẹ chìa tay ra cho tôi nắm rồi chia cho mấy anh em tôi những thứ quà chợ quý đến thế, ngon đến thế, ngon đến lúc tóc tôi bạc trắng mà vẫn còn ngon...


1993


(Trích
Thú ăn chơi người Hà Nội của Băng Sơn)