Nguyễn Hiến Lê không nói thẳng ra cái tính cách của nhạc Tây lúc bấy giờ, nhưng chắc chắn ý ông là nó ngược lại với tính cách của cổ nhạc Việt Nam. Nó ồn và loạn.

Hơn ba mươi năm sau, năm 2002, Sơn Nam phát biểu:
“Ngày nay quả là suy đồi (…) những loại nhạc giựt gân. Giựt gân mãi rồi dường như lành mạnh, bình thường”.(1) “Giựt gân” là nhạc Tây mới hơn mà tuổi trẻ Việt Nam say mê ngay. Ồn và loạn như những năm xưa tuy vậy vẫn còn trong giới hạn sức khỏe tâm lý bình thường, nhưng nghe giật, giật, giật, giật… liên tục, người ta không khỏi cảm thấy có điều gì bất ổn.

Năm nay 2023. “Giật” vẫn ngự trị. Cũng đã lâu, trên ngai vàng có thêm loại thanh nhạc không hát mà nói. Nói sậm sựt, lải nhải, lắp ba lắp bắp! Và thêm loại “khí nhạc” gồm những âm thanh thịch, thịch, thịch, thịch…, đơn điệu một cách khủng khiếp, rồi bỗng ríu lại, rít lên, rồi trở lại thịch, thịch, thịch, thịch…!

Cuộc sống đã thay đổi. Không thể trở lại cái lành mạnh, bình thường thời văn hóa nông thôn. Nhưng hãy thôi bắt chước Tây bệnh đi, hãy cố sáng tạo ra cái lành mạnh, bình thường mới của riêng dân tộc mình đi, tuổi trẻ Việt Nam ơi!
(Thu Tứ)



Nguyễn Hiến Lê, “Bâng khuâng nhớ lại...”




Trước sự xâm nhập (…) của các loại nhạc (Âu Mỹ) mấy năm gần đây (…) Cầm ca Việt Nam (nhắc) chúng ta (…) tính cách nghiêm trang mà hòa nhã, vui mà không loạn của ca nhạc cổ (dân tộc) (…)

Đọc (…) tôi bâng khuâng nhớ lại một lúc vui thanh thoát trong đời (…) Cách đây non bốn mươi năm, cũng vào một đêm Trung thu như đêm nay, nhưng ở làng Thịnh Hào cách Hà Nội dăm sáu cây số. Anh em chúng tôi ba bốn người đương chuyện trò trong một khu vườn bỗng có tiếng hát văng vẳng đưa lại, và chẳng ai bảo ai, mọi người đều im bặt. Tiếng ca mỗi lúc mỗi gần và chúng tôi nghe rõ là điệu Ru hời:

Tay tiên là tiên chuốc chén ơi ới đào là rượu đào,
Đổ đi là đi thời tiếc, ơi ới vào, uống vào, uống vào thời say.
Ru là ru ru hỡi, ơi ới hỡi là ru hời...


Giọng ca tới những tiếng chén, tiếc, bay vút lên cao, rồi chìm hẳn xuống ở những tiếng (rượu) đào, (uống) vào; sau cùng tan lẫn trong cảnh bao la của đồng ruộng. Đúng lúc đó nhìn qua bờ ao, chúng tôi thấy một đoàn thợ gặt, cả trai và gái khoảng mười mấy người đi hàng hai dưới ánh trăng vằng vặc trên đê (…) Tiếng hát ngừng một chút rồi lại cất lên (…) Tôi lắng tai nghe tới khi dư âm tắt hẳn, mà tiếc ngơ tiếc ngẩn! Suốt đời tôi, chưa có lần nào giọng ca làm cho mê như lần đó: nó du dương, uyển chuyển, bát ngát, tôi biết dùng tiếng gì để tả bây giờ? (…)

Ca nhạc của mình (...) có những nét riêng (…) thâm thiết (…) Ông Toan Ánh có công gợi cho ta nhớ (…) cái hồn của đất nước (...)


(Trong lời tựa cho sách
Cầm ca Việt Nam của Toan Ánh, nxb. Lá Bối, SG, 1970. Nhan đề phần trích tạm đặt.)