Ðây có lẽ là bài hát nói nổi tiếng nhất. Có người bảo nó “nói lên tâm sự chán chường danh lợi” của tác giả “một cách sâu sắc”. Ðọc đi đọc lại, không sao thấy được chán chường với danh lợi chúng nấp ở đâu. Chỉ thấy một cụ Dương Khuê tóc bạc, tuy “ái ngại” nhưng vẫn nói cười, đi lại, “ngây ngây dại dại” với tình... non.

Hơn nghìn năm trước, thi sĩ Ðỗ Mục bên Tàu khi thấy một bé gái còn ẵm ngửa có cao hứng tuyên bố mười lăm năm sau sẽ lấy bé làm vợ, nhưng rồi thất hứa. Sự chẳng thành, nhà thơ có làm bốn câu thơ “tiếc”:

“Tìm xuân, chút để trễ tràng
Lọ còn oán tiếc lỡ làng ngày xanh
Gió to, hồng tía tan tành
Lá xanh rợp bóng, quả cành trĩu cây” (bản dịch Ngô Linh Ngọc).

Chẳng biết cụ Dương ta có để nhỡ việc chăng. Chỉ biết cái việc cụ gắm ghé định làm thì vào thời cụ là rất chuẩn, chứ không lạ lùng chi hết.
(Thu Tứ)



Dương Khuê, “Ðào Hồng, đào Tuyết”




Hồng Hồng, Tuyết Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
Mười lăm năm thấm thoát có xa gì,
Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu.

Ngã lãng du thời quân thượng thiếu,
Quân kim hứa giá ngã thành ông.

Cười cười, nói nói, sượng sùng,
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.

Riêng một thú Thanh Sơn đi lại,
Khéo ngây ngây, dại dại với tình.
Ðàn ai một tiếng dương tranh!






















______________________
(1) Kỳ tơ liễu: tuổi dậy thì.
(2)
Ngã lãng du...: Ngày ta đi chơi em còn nhỏ / Nay em sắp lấy chồng thì ta đã già.
(3) Thanh Sơn: làng sau thuộc phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Ðông cũ, có nhiều cô đào xuất sắc (theo
Tuyển tập thơ ca trù, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1987)
(4) Dương tranh: đàn tranh ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), có 13 dây tiếng nghe lanh lảnh (theo trên).