Đông Sơn là thêm chì...



Phạm Lý Hương, “Luyện kim Đông Sơn” (1)



Kỹ thuật luyện kim, đúc đồng của người Ðông Sơn đã đạt đến trình độ điêu luyện đáng kinh ngạc. Trống đồng, thạp đồng là những di vật tiêu biểu nhất cho trình độ kỹ thuật và bàn tay tài hoa của những người thợ đúc Ðông Sơn (...)

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học vài thập kỷ qua đã chứng minh rằng, nghề luyện kim đồng thau đã ra đời ở đất này từ rất lâu trước sự ra đời của văn hóa Ðông Sơn. Luyện kim Ðông Sơn là sự phát triển kế tục, không đứt quãng của luyện kim các giai đoạn văn hóa Tiền Ðông Sơn (Hà Văn Tấn, Hoàng Văn Khoán 1971: 75).

Trong một số di tích thuộc văn hóa Phùng Nguyên có niên đại tuyệt đối tính bằng phương pháp C14 vào khoảng đầu thiên niên kỷ II trước Công nguyên, đã tìm thấy nhiều dấu vết xỉ đồng, cục đồng. Ðồng ở đây đã là đồng hợp kim, không phải đồng đỏ. Ðến giai đoạn văn hóa tiếp sau, chúng ta dễ dàng nhận ra sự phát triển mạnh mẽ hơn hẳn của đồ kim loại. Trong các di tích văn hóa Ðồng Ðậu, hiện vật đồng thau đã chiếm một tỉ lệ đáng kể, loại hình trở nên phong phú hơn hẳn, tuy chủ yếu vẫn gồm những vũ khí nhỏ như mũi tên, lao, giáo, mũi nhọn. Ðồ đồng thuộc văn hóa Gò Mun - giai đoạn phát triển tiếp nối giai đoạn Ðồng Ðậu - chưa có những biến đổi lớn so với trước về mặt loại hình nhưng về mặt số lượng thì tăng lên rõ rệt. Tỷ lệ đồ đồng thau lên tới 40-60% trên tổng số di vật thu được. Kỹ thuật luyện kim Ðồng Ðậu và Gò Mun về cơ bản là giống nhau xét dưới gốc độ thành phần hợp kim. Ngay từ những năm đầu thập kỷ 70, với số lượng mẫu phân tích chưa nhiều, đã có ý kiến đề xuất phân chia lịch sử luyện kim đồng thau cổ nước ta thành hai giai đoạn theo thành phần hợp kim: giai đoạn hợp kim đồng - thiếc và giai đoạn đồng - thiếc - chì (Phan Văn Thích, Hà Văn Tấn 1970). Kết quả nghiên cứu những năm tiếp sau ngày càng khẳng định cho quan điểm đó. Kết quả phân tích cho thấy, đồ đồng văn hóa Ðồng Ðậu và Gò Mun đều thuộc giai đoạn hợp kim đồng - thiếc (Trịnh Sinh 1990, Phạm Minh Huyền 1983).

Bước nhảy vọt trong nghề luyện kim chỉ thực sự xảy ra cùng với sự hình thành và phát triển của văn hóa Ðông Sơn. Như các chương trên đã trình bày, đồ đồng Ðông Sơn, so với các giai đoạn Tiền Ðông Sơn, không chỉ hơn hẳn về số lượng mà còn hơn hẳn về sự phong phú, đa dạng của các loại hình, sự xuất hiện của hàng loạt sản phẩm mới được chế tạo bằng kỹ thuật và nghệ thuật rất cao.

Một sự kiện đặc biệt (nữa) trong nghề luyện kim Ðông Sơn là bên cạnh luyện kim đồng còn xuất hiện luyện kim sắt. Sự ra đời của luyện kim sắt, đồ sắt tạo nên bước ngoặt lớn trong lịch sử loài người, vì chỉ có nó mới loại bỏ được hoàn toàn công cụ đá. Tình hình này ta cũng thấy ở Ðông Sơn. Trong văn hóa Ðông Sơn, nhất là ở giai đoạn muộn, đồ đá chủ yếu là đồ trang sức.


(Trích Phạm Lý Hương, “Văn hóa vật chất của người Ðông Sơn”, tức chương VIII trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)