Ðuông là một con sâu. Sâu mà “béo nhũn nhà nhũn nhịn”, “béo mầm”, là thường. Ðã béo thế, thì ăn có giông giống phó-mát, cũng là thường.

Ít thường, là chuyện có người “bị đuông cám dỗ (...) mê đuông” rồi liên tưởng đến mê gái! Người ấy ăn một bữa đuông, rồi “cảm thấy như (...) vừa làm một cuộc mạo hiểm diễm kỳ và mới lạ với một người thương mới quen biết”!

Chuyện không thường, ở một người, lại rất thường!

(Thu Tứ)



Vũ Bằng, “Ðuông”





Ảnh Huyền Kiều



Tôi đã trông thấy con đuông nhiều bận. Lần đầu tiên là ở trong chùa Chà, hai mẹ con một á xẩm ngồi chẻ đọt dừa, lấy đuông cho vào một cái chậu để bán cho khách hàng ăn (...)

Ðuông là một con sâu (...) ấu trùng của loài kiến dương (...) lớn bằng ngón tay út, béo nhũn nhà nhũn nhịn như con sâu đo, đầu bằng đít, đít bằng đầu (...) trắng màu ngà, không có chân, nhưng ở đầu và đít có mầy (?) đen (...) thân nó thì có ngấn kiểu ở ngoài Bắc ta vẫn kêu “béo mầm!”.

Ấy đấy, con đuông như thế đấy (...)

Tôi ăn đuông (...) miếng đầu kinh kinh, nhưng liều nhai thử xem sao; đến miếng thứ hai - ờ này, nó ngầy ngậy, beo béo, nghe hay đáo để. Miếng thứ ba thì vừa nhai vừa nghĩ, thì thấy nó đặc biệt không thể ví được với bất cứ một thứ gì mình đã được ăn từ trước tới nay... Thế rồi thì đến miếng thứ năm, thứ sáu - phải nói thực là mình đã bị đuông cám dỗ. Rồi từ đó mình thành ra mê đuông - có khổ không?

Ở đời, những anh đàn ông hảo ngọt mê gái cũng y như thế: thoạt đầu, “không thèm”, thấy thì “tán dăm câu phó-mát” chơi, lần lần thấy hay hay, rồi không gặp thì nhớ, rồi trò chuyện thấy thú thú rồi “bị” mê lúc nào không biết (...)

Những người sành ăn thường ưa đuông chà là, thứ đến đuông dừa, rồi đến đuông cau sau rốt. Ở ba loại cây đó, đuông bao giờ cũng (...) lớn lên trong đọt của cây (...) cây chà là, cây dừa hay cây cau mà có đuông thì phần nhiều không sống được bao lâu nữa (...) người ta chặt cây để lấy đuông (...)

Thực ra, đuông không có mùi, mà chỉ có vị thôi, nhưng cái vị của nó thì quả là đặc biệt. Muốn biết vị đó thế nào, xin mời bạn một hôm nào đó thử dùng một bữa đuông cập nướng. Ðuông lấy ở đọt ra, thả vào trong nước mắm hay ngâm nước muối độ vài tiếng đồng hồ để cho nó nhả rớt ra, rồi cập lại nướng ở trên than (...)

Ta thoa bơ vào đuông, cập lại, rồi đưa lên trên than; than không được hồng quá vì than mà hồng quá thì đuông khô xác, làm giảm bớt chất béo như phó-mát ở trong đuông. Ðưa lên trên lửa mà thấy phồng phồng một chút thì lấy ra ngay, đừng có chậm tay mà hỏng thì uổng lắm.

Muốn ăn cho lạ miệng, ta còn có thể tẩm đuông vào với bột đánh kỹ với trứng gà rồi bỏ lò như kiểu bánh phồng ngọt súp-phơ-lê.

Nhưng nếu bạn là người chỉ muốn “ăn đuông vì đuông” thì có thể chiên đuông theo lối cổ truyền: cho bơ vào chảo, để cho nóng, rồi thả đuông vào, hễ thấy vàng lên một màu vàng ong óng thì vớt ra liền, đập vào thành chảo cho ráo rồi đặt vào đĩa, gắp từng con mà nhấm nháp (...)

Ăn đuông thì phải ăn trơn (...) chớ không thể ăn kèm với rau hay giá, hoặc với đồ chua (...)

Ðuông có một chút bùi của tròng đỏ nát của trứng vịt Bắc thảo, có một chút thơm của cái vỏ óc đậu chiên vừa ăn, nhưng nói như thế chỉ là đại khái mà thôi.

Muốn tìm một tỉ dụ tương đối xác thực nhất, tôi phải xin một số bạn đọc rộng lòng tha thứ cho tôi vì nhắc đến một thứ mà những bạn ấy thoạt nghĩ đã không chịu được, là ca-măm-be - ca-măm-be cả vỏ bột ở bên ngoài - nhưng nát hơn ca-măm-be một chút, béo hơn kem một chút và bùi phó-mát Duy-xen-sơ một chút (...)

Thử tưởng tượng với cái ngon đó mà có ông bạn nhậu lại đưa cay một ly rượu đế thì có “hại con nhà người ta” không?

Ăn đuông như thế tức là “ám sát” món đuông, vì gia thêm một cái gì chua, cay hay đắng đều làm hại đến cái vị của đuông. Ăn đuông, người ta chỉ có thể nhấm nháp với một vài ly rượu chát trắng nhẹ, một vài ly rượu cúc nhẹ (...)

Cậu Bảy (...)

- Tôi tiếc ít lâu nay không rảnh, nên không có đuông mía để mời (...)

- Lại còn đuông mía nữa! Thế làm sao người ta bảo chỉ có ba thứ đuông thôi?

- À không, đuông mía không ở trong đọt mía (...) mà là đuông nuôi trong cây mía (...)

Cây mía, đem đục một lỗ to ở giữa; đuông sống bắt ra cho vào lỗ đó, đậy kín lại; con đuông ăn rỗng hết cây mía (...) lúc đó người ta mới đem đuông ra dùng (...)

- Uống thêm một ly nữa đi, bồ! Ờ, ờ, một ly nữa chẳng sao...

Chiều ở trên cù lao xuống chầm chậm, không đột ngột như ở thành. Ngồi trong cửa sổ nhìn ra ngoài, là cả một dải nước thẳng tắp đến chân trời, vẩn đỏ như là khảm xà cừ. Ðây đó, có những cây dừa ở dưới nước nhô lên, với những làn tóc chảy dài trên sóng nước.

Tôi gắp thêm một miếng đuông nữa đưa lên môi. Và trong một lúc, tôi cảm thấy như hôm đó vừa “làm một cuộc mạo hiểm diễm kỳ và mới lạ” với một người thương mới quen biết trong hương ngát của hoa đồng cỏ dại.


(Trích từ bài Ðuông trong tập
Món lạ miền Nam của Vũ Bằng.)