Dương Thu Hương, “Hồi quang của mùa xuân”




Không phải vì buổi chiều ấy.

Nhưng bắt đầu từ buổi chiều ấy, ý tưởng về người con gái trong hồi ức không rời anh nữa. Nó chập chờn trong một khoảng thời gian dài, rồi bất chợt ào đến như cơn gió, làm xao xuyến mọi ý nghĩ, xới tung những cảm giác yên bình thường nhật, cuộn xoáy lên nỗi nhớ nhung mơ hồ và da diết...

Chiều hôm ấy, anh đang từ một tỉnh trung du trở về Hà Nội. Anh là tiến sĩ vận trù học. Những chuyến đi xa đối với anh đã trở thành nhàm chán. Nhưng buổi chiều ấy, khi anh đang gà gật tựa vào ghế ngủ, chiếc xe bon trên đường, chợt có tiếng lắc rắc trong ổ máy. Người lái xe mở ca-bu, nói như muốn khóc:

- Không thể về Hà Nội chiều nay được. Vỡ bình nén rồi...

Mọi người xuống xe đi tản mát để hít thở không khí dễ chịu của vùng áp trung du. Cánh đồng vàng chạy tới chân mây. Những ngọn đồi xanh thẫm, lô nhô như đám ốc phủ rêu nằm yên lặng trên thảm lúa. Màu vàng lúa chín phôi phai trong nắng muộn, nhưng đôi chỗ lại rực lên như còn ngậm sáng. Ven bờ đường, những khoảng ruộng gặt rồi ánh lên màu hồng phơn phớt, nhẹ nhàng và dịu ngọt như những tình yêu thoảng qua khi người ta mới lớn. Gió heo may làm anh hoàn toàn tỉnh táo. Trong chốc lát, anh cảm thấy đầu óc mình nhẹ bỗng, không còn bị những phương án, những dữ kiện, những lời phê chuẩn, sự ủng hộ và các lực lượng cản trở chi phối. Ðầu óc anh trong suốt. Cái cảm giác rất kỳ lại đó, anh chưa thấy bao giờ.

Anh bước nhanh về phía trước.

Một dãy phố nằm ven đường. Với những mái nhà nhấp nhô và những mảng tường trắng, nó làm vùng quê ấm áp hẳn lên. Các căn nhà nằm sát bên nhau, cái nọ tựa sườn vào cái kia, mặc dầu chúng có những mái hiên khác kiểu, cao thấp lộn xộn. Một khoảng sân nhỏ, gập ghềnh những mảnh gạch và những gốc cây, tiếp giáp với mí đường. Dăm chiếc chuồng bồ câu dựng trên đó. Vài cây rơm vàng óng, còn nức mùi thơm mùa màng. Dưới các gốc rơm, mụ gà mái già dẫn con đi kiếm mồi, táo ta táo tác. Một hàng chữa xe đạp, có tấm biển kẽ chữ xanh đỏ rất quê mùa. Cái lốp hỏng trao trước hiên cứ gió đánh là lúc lắc Mấy quán bán quà xoàng xĩnh, nải chuối móc lơ lửng ngay trước mặt khách...

Khung cảnh êm đềm, buồn nhẹ của cái thị trấn nhỏ xíu này bỗng làm anh xao động. Anh không hiểu mình nghĩ gì. Nhưng anh cứ đi lại, ngắm nghía hoài cảnh vật. Nhất là những hàng rào trồng điền thanh và kim phượng ở phía sau các ngôi nhà. Những đóa hoa vàng rưng rưng trong buổi chiều vắng lặng.

- Mời bác vào xơi nước. Có bánh gai bánh nếp nhà quê đây.

Bà già bán hàng ngồi sau chiếc tủ kính nhỏ ghé đầu chào khách. Anh hơi ngạc nhiên vì đã lâu, anh không nghe người bán hàng nào mời mọc bằng cái giọng thân thiết bình thản như vậy. Anh bước vào, ngồi trên chiếc ghế dài khấp khểnh kê ngay phía trước, không hiểu mình vào đây để làm gì. Anh không đói, không khát, cũng không có ý định hút một điếu thuốc lào. Nhưng anh biết rõ rằng mình đang chờ đợi một cái gì đó, rất mơ hồ, nhưng thôi thúc. Trái tim anh phân vân, phấp phỏng chờ. Bà chủ quán thong thả rót một bát nước chè xanh, đặt trước mặt khách. Rồi bà lấy trầu ăn một cách điềm nhiên, không hỏi han thêm lời nào nữa. Anh bưng bát nước chè, nhấp một ngụm rồi đặt xuống, nhìn quanh. Một cơn gió cuốn những chiếc lá điền thanh li ti rải trên mặt đất. Trông xa, chúng giống như những hạt vàng cám mà thiên nhiên hào phóng đã đánh rơi...

Tất cả những thứ này, anh đã từng có. Nó giống như những hình ảnh của một quãng đời đã qua. Nhưng anh không ý thức được điều đó. Nỗi băn khoăn dâng lên trong anh, mỗi lúc mỗi đầy.

- Bà ơi, cháu quạt bánh đa nữa nhé...

Tiếng một cô gái vang lên phía trong nhà. Thanh âm khiến anh sửng sốt. Chỉ thiếu chút nữa là anh đứng dậy, làm cái việc rất bất nhã là ghé mắt nhìn vào gian nhà. Nhưng anh kìm giữ được. Và lúc ấy, cô cháu gái bà chủ quán cũng bước ra:

- Cháu quạt một chục bánh đa nữa bà nhé, trong thúng hết cả rồi!

Cô gái nhắc lại. Thấy anh, cô bé lùi vào trong, vẻ e dè. Bà già mở gói lấy ra một xấp bánh đa nhỏ:

- Quạt cho bà hai chục cái nhỏ, dễ bán hơn.

Cô gái khẽ đáp: Vâng. Rồi cúi xuống chiếc chậu sành, thổi lửa. Tàn lửa trắng bay lên, nhảy múa, và nhẹ nhàng đậu trên mái tóc đen nhánh của cô. Gương mặt dậy thì da mịn màng, hồng như một thứ quả đang chín, đường sống mũi thẳng và thanh với hàng ngôi rẽ chia đôi mái tóc giản dị và trong trắng quá. Anh không thể rời mắt ngắm nghía cô gái nhỏ, trái tim đập lồng lên trong ngực.

- Ðây rồi!...

Gần như cùng một lúc, trong anh đã vang lên câu nói thầm kín đó khi cô gái nhỏ bước ra... Hai mươi ba năm trước, khi anh còn là một cậu học sinh lớp mười, trọ học ở phố huyện, cũng đã có một cô bé ngoan ngoãn và xinh xắn như vậy. Cũng chậu than đỏ rực, những tàn lửa bay tơi tả, hai gò má đỏ bừng của cô gái trước hơi nóng, cái cổ tay tròn trĩnh... Nhưng trên trán cô bé ngày xưa có một vệt lõm dài. Và những bông hoa kim phượng, những chiếc lá vàng lấm tấm rơi đầy mặt đất mùa thu, cơn gió xao xác, cái âm điệu hiu quạnh chậm rãi của phố huyện - nơi tiếng ra-đi-ô hòa trong tiếng côn trùng rỉ ran và lúa rì rào ở những mảnh ruộg khô chưa gặt...

Lạ lùng sao, ký ức chôn vùi kỹ đến như vậy... Hồi đó nhà anh nghèo, mẹ anh chỉ gửi cho anh mỗi tháng mười cân gạo và ba đồng để tiêu vặt. Nhưng anh học chăm hơn tất cả những cậu con trai cùng lớp. Bọn chúng gọi anh là mọt sách. Cô bé xinh xắn ở sát nhà anh trọ. Cô vẫn tì tay lên bờ rào, lắng nghe anh học thuộc lòng những bài thơ. Mẹ cô bán hàng quà. Cô thường ngồi trước cái chậu sành đựng than, quạt bánh đa cho mẹ. Ðêm đêm, khi anh học, cô cũng thắp ngọn đèn hoa kỳ ngồi dưới gốc khế ngoài sân và học bài. Mười giờ, anh còn vùi đầu đọc sách thì cô quang gánh lên vai, kẽo kẹt đi gánh nước. Cô học giỏi và chẳng bao giờ phải nhờ anh giảng bài hộ. Nhưng cô vẫn nhìn anh bằng con mắt kính cẩn khi anh vẽ những bài toán hình không gian, hoặc khi anh nhắm mắt, đọc như cháo chảy những bài thơ triền miên, trầm bổng. Cô gánh nước xong thì anh cũng chuẩn bị đi ngủ. Bụng đói cồn cào đến nỗi anh phải vặn mình, thắt thật chặt dây lưng. Lúc đó, cô mang cho anh một chiếc bánh đa nóng hổi. Hai người chẳng nói gì nhiều nhặn với nhau. Thường thì anh chỉ cười:

- May quá, mình đang sôi bụng ào ào.

Chẳng bao giờ anh biết cảm ơn cô. Hai người chỉ cảm thấy cần gặp nhau, cần nhìn mặt nhau và nói những câu nhát gừng vu vơ. Chẳng ai dám hỏi chuyện người kia một cách cặn kẽ. Nói đúng ra thì họ cũng không còn gì hơn để mà tìm hiểu về nhau... Những tấm bánh đa nóng hổi của cô. Và vầng trán có một vết lõm dài. Và gương mặt rạng rỡ, sáng ngời. Tia nhìn cảm thông khi anh ngồi co ro buồn bã nhớ nhà trong những chiều mưa rét...

Anh chợt nhớ lại những cái đó. Tất cả. Tất cả. Và bỗng hiểu vì sao anh đã như chờ đợi một cái gì. Nó tới rồi. Cái ký ức đẹp đẽ, ngọt ngào và xa lơ xa lắc kia. Cái ký ức bị vùi sâu hơn hai chục năm trời, một cơn gió bất thần đã đánh thức nó dậy.

Cô gái nhỏ đang quạt bánh đa bỗng ngẩng lên:

- Bà ơi, được một chục rồi đây... bà đỡ cho cháu với...

Cô gọi, đưa chồng bánh vàng rộm cho bà lão. Khi cúi xuống cô tò mò liếc nhìn người khách lạ. Ông ta ngồi xoay bát nước chè trong tay và nhìn cô không rời. Cô bé bối rối. Bàn tay cầm quạt luống cuống gạt một cục than rớt xuống. Cô vội vã nhón hòn than lên, ném vào chậu rồi đưa hai ngón tay lên miệng thổi phù phù. Cặp mày đen chau lại trên đường tinh mũi.

- Lúc này trông nó giống một đứa trẻ mười hai. Cô bé ngày xưa lớn hơn, và xinh hơn - Anh nghĩ...

Một lần, anh thiếu tiền đóng cho lớp để mua sách. Không hiểu vì sao cô biết điều đó. Buổi tối, khi đưa bánh cho anh, cô đưa cả một gói giấy nhỏ. Rồi cô chạy ù đi, không thong thả như thường lệ. Anh mở ra: trong gói là một xấp nhỏ những đồng tiền hào. Những đồng tiền mới đến nỗi còn bốc mùi thơm của giấy và của mực in. Anh ngồi lặng đi. Ðây là những đồng tiền mừng tuổi tết Nguyên Ðán của cô. Chắc cô đã dành dụm ngắm nghía suốt mười tháng trời mà không dám đụng tới... Vậy mà ngày đó mình đã làm gì?... Tốt nghiệp xong, anh lo thi đại học. Rồi thi xong, biết tin được đi học, anh đã rối rít, tưng bừng lo cắt giấy tờ ở quê, liên hoan chia tay với xóm giềng rồi lên tàu đi thẳng ra Hà Nội.

- Hồi đó sao mình không tới thăm cô bé? Không, có chứ. Mình cũng đã có ý định nhưng quá sát ngày. Họ hàng giục giã. Và chính mình cũng sợ lỡ chuyến đi vàng ngọc... Rồi sau đó?... Một miền đất mới, những phố phường xa lạ, nhịp chuyển động của đời sống làm anh chóng mặt, ánh đèn chói lên, những ga xe điện, những buổi tối hội hè đầu tiên ngượng ngùng và quê kệch, tấm bảng đen trên giảng đường, những cô bạn gái mới...

- Bác ăn bánh đa nóng cho thơm miệng. Ở Hà Nội chắc chả mấy khi ăn quà nhà quê...

Bà già bán hàng chìa ra trước mặt anh một tấm bánh đa nhỏ. Những chiếc bọt bánh nổi phồng lên, với những hạt vừng lấm tấm vàng rộm khiến nó trông rất ngon lành. Anh bẻ miếng bánh, bỏ vào miệng. Một mùi vị mà từ lâu anh quên lãng.

... Trước kia mình đã từng coi bánh đa là món ăn ngon nhất trần gian - Anh nghĩ - Anh nhớ lại những buổi tối ngồi học bài, nhất là học thuộc lòng sử và sinh vật - hai cái môn phải gạo đáng nguyền rủa - anh đói đến nỗi vừa nghe tiếng chân cô bước tới bờ rào là miệng đã như cảm giác được mùi vị thơm ngon của chất bột nướng với những hạt vừng chín béo ngậy... Mùi vị đó... Và cặp mắt long lanh của cô nhìn anh, khi cô tì cánh tay lên cửa sổ, và cười:

- Em biết anh đói rồi nhé. Buổi tối em cũng hay đói ghê cơ. Mẹ bảo em ngày mai vào ấp mua sắn luộc ăn thêm buổi tối.

Ngày hôm sau cô mang sang cho anh thêm mấy khúc sắn luộc. Và anh cũng đã ăn những miếng sắn luộc đó, với cảm giác của một chàng trai mười tám tuổi, sắn luộc của cô cũng là món ăn ngon nhất trần gian. Có lần, cô đặt những miếng sắn gói lá chuối bỏng rẫy vào tay anh. Anh rụt tay lại. Hai bàn tay nhỏ bé của cô cầm luôn cả gói sắn lẫn tay anh. Một giây, cô bé vội buông ra, đôi mắt mở to ngỡ ngàng. Còn anh, lúc đó choáng váng như buổi sớm mồng năm tháng năm đói lòng mà ăn quá nhiều rượu nếp...

- Hồi đó, mình đã yêu cô bé thật sự... mình đã yêu thật sự...

Nhưng rồi sao hồi đó anh không trở lại phố huyện tìm cô? Học xong, anh nhận công tác. Rồi anh phải lo xin nhà. Rồi sự gần gũi với những người đàn bà đồng nghiệp. Những lo toan trong đời sống. Ðiều dẫn tới là những thỏa thuận ngầm và một tờ giấy kết hôn. Vợ anh là người đàn bà như thế đấy, xấu người nhưng kiên trì vây bọc tình yêu của anh. Kiên trì đánh những ngọn đòn tình cảm ngầm cho tới khi anh ngã quỵ trước sự khắc nghiệt của những nhu cầu đời sống... Và tiếp đến là những gì? Những đứa con ra đời. Những khó khăn trong công việc. Sự tiến thủ. Những bước tiến và những bước lùi. Mấy năm anh ra học ở nước ngoài để lấy bằng tiến sĩ... Mọi sự đều phải tính...

- Bánh có ngon không bác?

Bà già hỏi.

- Ngon lắm cụ ạ.

Anh trả lời.

Những vụn bánh rơi xuống đầu gối. Anh lấy tay phủi đi. Mụ gà mái lại gần, túc túc gọi con nhặt.

- Sao mình không đi tìm cô bé? Sao ngày đó mình lại... Ờ, nhưng lúc đó mình phải đấu tranh cho được thực hiện phương án vận trù 038. Và mình đi dạy thêm lấy tiền nuôi con. Những đứa con gái của mình chả giống mình lấy một chút nào - Chúng giống như hệt mẹ chúng, vừa xấu vừa đỏng đảnh... Mà này, mình có yêu cô ta không nhỉ? Hình như không... Có lẽ không thật. Mình chưa bao giờ run rẩy vì cô ta như mình đã run rẩy khi đợi chờ tiếng chân bước của cô bé năm xưa. Nhất là buổi trưa, khi mọi người đi vắng, cô bé gội đầu, hai má tươi mởn ròng ròng nước, những sợi tóc đen nhánh bết vào thái dương. Cô bé lau tóc, tì cánh tay lên cây cột hàng rào và mỉm cười vì biết rằng mình đang nhìn trộm... Còn vợ mình, chẳng bao giờ mình hồi hộp vì cô ta, chẳng bao giờ mong muốn gặp gỡ, và cũng chẳng bao giờ thấy trống trải khi xa cách. Năm xưa, những lần về quê lấy gạo mình đã náo nức bao nhiêu khi nghĩ tới lúc được gặp lại cô bé, dù chỉ vắng nhau mới một ngày... Vợ mình cần lấy chồng, và cô ta đã lấy được mình. Còn mình thì...

Anh bỗng muốn điên lên khi nghĩ tới điều đó. Anh đứng bật dậy. Cô bé quạt bánh ngước nhìn anh, mắt đen như than. Một bên má lũm đồng tiền.

Anh trả tiền bà lão và bước nhanh ra ngoài. Anh đi về phía ô-tô. Anh muốn về Hà Nội ngay. Anh muốn quên đi những ý nghĩ đó...

Hai giờ sáng ô-tô chữa xong. Họ trở về Hà Nội vào lúc bình minh. Anh trở lại cuộc sống thường nhật, những công việc và những mối quan tâm thường nhật... Nhưng ý tưởng về cô bé năm xưa không rời anh nữa. Nó cứ quay tròn như cây kim trên mặt một chiếc đồng hồ.

- Sao ngày đó mình không đi tìm cô bé?... Nếu thế chắc chắn mình đã có một người vợ khác. Và biết đâu... Cô bé năm nay đã ba mươi tám tuổi rồi, nhưng với anh, đó vẫn là một thiếu nữ mười lăm. Cô ấy là tình yêu đích thực của anh. Nhưng làm sao người ta chỉ có thể nhận ra điều đó khi đã sống qua hai chục năm trời?...

Anh gạt tàn thuốc vào chiếc đĩa thủy tinh hồng sang trọng và nhìn những đốm lửa nhỏ li ti dần nguội tắt. Ở trên giường, vợ anh ngái ngủ nhấc đầu lên hỏi:

- Sao anh thức khuya thế? Anh có ngắm em không đấy?

- Có ngắm, ngắm rồi.

Anh trả lời và ấn mạnh mẩu thuốc xuống chiếc gạt tàn. Cô vợ anh mới mua được bộ quần áo bằng xoa Thái Lan thêu. Từ chiều tới giờ cô ta hỏi anh đã ngắm cô ta mặc quần áo mới chưa ba lần rồi.

- Ði ngủ đi anh.

- Ðang bận làm việc mà.

Anh đáp.

... Không biết cô bé bây giờ ở đâu. Làm gì. Hay mình lấy xe và ngày mai trở lại nơi đó? Không, không thể được. Vì anh đã cảm thấy rõ ràng sự ra đi im lặng của anh hai mươi ba năm trước là một tội lỗi. Làm sao anh có thể quay về nơi đó được, khi anh đã rũ bỏ bao nhiêu yêu thương một cách dễ dàng đến thế?...

Anh lấy lại mẩu thuốc đã tắt, bật diêm châm. Ðốm lửa lại ngún đỏ trên môi:

... Cái khu vườn đầy bóng mát. Hoa khế rụng như sao. Và mùi khế chín. Và đôi mắt long lanh của cô gái. Mái đầu nghiêng nghiêng khi cô đứng bên hàng rào...

- Nhưng hồi đó mình nhát, và mình chưa dám hẹn hò gì...

- Ðừng chối. Anh đã thừa hiểu rằng anh yêu cô ấy và cô ấy yêu anh. Nhưng anh đã vội vàng ra đi vì anh choáng mắt trước một tương lai quá rực rỡ, quá nhiều vinh quang. Và trong lúc rối ren, bấn bíu với các công việc trước lúc lên đường, một toan tính âm thầm nhỏ nhen đã níu kéo anh lại. Chính là toan tính... những toan tính không có hình thù.

- Không thể thế được, bởi vì...

- Không, chính là như thế đấy.

- Không thể được...

- Ðúng, không thể tha thứ được...

Anh ném mẩu thuốc vào chiếc gạt tàn, buông mình xuống gế. Chiếc nệm bọc tơ hóa học êm ái không còn đem lại cho anh cảm giác dễ chịu thường ngày. Anh lại đứng dậy, đi tới bên cửa sổ, mở toang hai cánh cửa kính.

- Lạnh, lạnh em, anh ơi...

Cô vợ kêu eo éo.

Anh không quay lại, sẵng giọng trả lời:

- Lạnh thì trùm chăn lên.

Bầu trời sâu thẳm, và những vì sao hiện lên, tràn đầy không gian. Và bỗng dưng anh ngửi thấy mùi thơm của rơm mới, mùi thơm của mùa màng. Cái mùi thơm quen thuộc đã vương đầy thềm phố nhỏ. Thơm đến nao lòng. Những cây rơm. Hoa kim phượng im lặng nở trong chiều... Tất cả thức dậy, vừa huyền hoặc, vừa tỉnh táo đến chua xót. Chúng làm anh chao đảo như một kẻ say sóng.

Anh lại châm thuốc, đập tay lên trán:

- Làm sao thế này?

Không có tiếng trả lời. Chỉ một thanh âm run rẩy cất lên, khẽ như tiếng lúa rì rào, như tiếng lá xào xạc. Rồi một khung trời đong đưa trên vòm lá khế, cánh tay nuột nà, rắn rỏi của cô gái đặt trên song cửa sổ, khi cô nhìn anh cười. Và hàm răng cô như những hạt ngô trắng nõn... Tình yêu đó đã quay trở lại. Bây giờ. Ở trong anh...

Bất giác, anh đi tới trước gương. Tóc đã bắt đầu bạc rồi. Những đường chân chim in đầy trên hai gò má. Sau cặp kính cận, đôi mắt đã bắt đầu dại, không còn tinh anh như trước. Anh rít thuốc liên hồi và thở mạnh. Những vòng khói màu lam nhạt cuồn cuộn tỏa lên, như những đường hoa văn rối ren không sao lần gỡ được của cuộc đời.

Phương án cải cách vận trù trong kinh tế của anh đem ra thực hiện thành công tốt đẹp đến nỗi cả những cán bộ lãnh đạo ủng hộ anh lẫn những người cản trở đều không ngờ. Chính anh, anh cũng không hiểu vì sao mình lại có thể làm được như thế. Trong những buổi tối dài dặc, đi lại, nhìn những cuộn khói tỏa lên và tan dần trong không gian, anh đã nghĩ tới cô gái ấy. Cô ấy. Niềm yêu thương thực sự của anh. Hạnh phúc một mình, tình yêu đơn phương... Anh không hiểu gì về những danh từ đó. Không biết rằng chúng có thật hay không? Nhưng những hồi ức thắm thiết dịu dàng và buồn bã làm anh thao thức. Anh đã hoàn tất công việc chính vào những giờ phút đó - những giờ phút anh muốn bù trả lại những gì đã mất đi trong cuộc đời.

Ở hội nghị tổng kết toàn ngành, người ta đã phải trầm trồ trước phòng trưng bày phương án cải cách vận trù của anh. Anh đã thành công. Gần như tuyệt đối. Kể cả những người đã công kích anh cũng đến chúc mừng anh. Anh cười, bắt tay, cảm ơn tất cả rồi lẩn ra ngoài hàng lang vắng. Một mình.

Người bạn đồng sự thân thiết nhất chạy tới tìm anh, nhìn vào mắt anh và bảo:

- Mấy nhà báo đang chờ cậu để chụp ảnh. Làm sao thế? Cậu đang yêu chăng?

- Tôi mà lại còn yêu?...

Anh cười khẩy, và nói bằng một giọng gây gổ, rất khó chịu: Tôi mà yêu? Cậu không mắc bệnh tâm thần đấy chứ?... Tôi mà còn yêu?... Cái thằng xi-măng cốt sắt, cái thằng... và tóc đã bắt đầu...

Anh bỏ dở câu nói, bước nhanh ra cổng. Anh đi ra con đường nhỏ phía trước. Không hiểu vì sao, mắt anh cay như có khói bay vào... Bây giờ, thị trấn đó thế nào? phố huyện đó thế nào? với những chuồng chim bồ câu và những cây rơm vàng đứng trước các sân nhà. Và những bông hoa kim phượng rưng rưng trong chiều nắng. Và khoảng đồng đầy gió, có các ô ruộng đang chín rì rào. Và những thửa gặt rồi ánh lên một màu hồng phơn phớt, một màu hồng xa vắng...