“Thân thế Trang Tử” (2)

Nguyễn Hiến Lê




Ðời sống

Trong số các triết gia lớn thời Tiên Tần, chỉ có Khổng tử và Mạnh tử là ta biết được tạm đủ và khá chắc chắn về đời sống: Khổng tử nhờ làm quan ở Lỗ và nhờ bộ Luận ngữ do môn sinh chép; Mạnh nhờ làm khách khanh cho Lương, Tề, Đằng, Tống, nhất là nhờ bộ Mạnh tử do môn sinh chép (ông duyệt lại) ngay khi ông còn sống.

Còn những nhà khác như Dương tử, Lão tử, Trang tử một phần vì ẩn dật, một phần vì không dạy học hoặc dạy ít học trò nên đời sống không được ghi chép lại.

Về Trang tử ta chỉ có mỗi một tài liệu gồm khoảng hai trăm chữ trong chương 63 bộ Sử kí. Không hiểu tại sao Tư Mã Thiên lại sắp chung Lão tử, Trang tử với Thân Bất Hoại và Hàn Phi. Ông cho chúng ta biết:

Trang tử tên là Chu, người đất Mông, đồng thời với Lương Huệ vương (-370 -319), Tề Tuyên vương (-319 -301) và có làm một chức lại trong một xưởng chế tạo sơn ở đất Mông. Trang học rộng, viết một bộ sách trên 10 vạn chữ, đại để là ngụ ngôn; có những chương “Ngư phủ”, “Đạo chích”, “Khư khiếp” chỉ trích Khổng Mặc và làm sáng tỏ học thuật của Lão tử. Văn ông hay (...) tư tưởng của ông đặc biệt quá, nên (hầu hết) các vương công thời đó không dùng. Sở Uy vương nghe tiếng ông hiền, vời ông làm tướng quốc, ông từ chối, muốn được sống thoả ý, không chịu bị trói buộc.

Tư Mã Thiên không cho biết Trang tử tên tự là gì, sanh năm nào, mất năm nào, và đất Mông thuộc nước nào (...)

Về năm sanh và năm tử (...) có rất nhiều thuyết khác nhau (...) tôi theo thuyết mới nhất của Vũ Đồng: sanh -369, mất -280 (...) (Dù theo thuyết nào thì Trang cũng đồng thời với Mạnh tử.)

Về nơi sanh (...) ý kiến cũng phân vân (...) đất Mông (có lẽ) thuộc Tống (...)

Muốn biết thêm về tình cảnh cùng cá tính của ông, ta phải tìm trong bộ Trang tử (...)

(Ông) chắc chắn có dạy học vì có một số bài chép những lời ông nói với môn sinh (...) Môn sinh chắc không đông, ông dạy họ những gì, họ đối với ông ra sao, ta cũng không biết (...)

Ông ít đi đâu, cũng như Lão tử, Liệt tử, và trái hẳn với Mạnh tử, Mặc tử (...) giao du cũng ít, cơ hồ chỉ thân với mỗi một người là Huệ Thi, một triết gia lớn hơn ông độ mươi tuổi, học rộng (...) thuộc phái Mặc, làm tướng quốc cho Lương Huệ vương.

Trang tử nghèo (...) tính tình khí khái mà cao ngạo (...) Ngay đối với bạn thân là Huệ Thi (...) cũng không nể (...) không chịu làm quan mà thích sống tự do (...) trọng tự do hơn hết thảy những gì ở đời, muốn được hoàn toàn tự do. Đó là nét nổi bật nhất trong cá tính (...)

Một điểm đáng để ý nữa trong cá tính của Trang là vui sống. Trong Nội Thiên có tới năm sáu lần ông cho được “hưởng hết tuổi trời” là một hạnh phúc lớn (...)

Quan niệm của ông đối với sinh tử (...) rất khoáng đạt (...)

Bài XVIII.2 rất nổi danh, được gọi là bài “Trang tử cổ bồn” (...)

“Vợ Trang tử chết, Huệ tử lại điếu, thấy Trang tử ngồi xoạc chân ra, gõ nhịp vào một cái vò mà hát, bèn bảo:

- Ăn ở với người ta, người ta nuôi con cho, nay người ta chết, chẳng khóc là bậy rồi, lại còn hát gõ nhịp vào cái vò, chẳng là quá tệ ư?

Trang tử đáp:

- Không phải vậy. Khi nhà tôi mới mất, làm sao tôi không thương xót? Nhưng rồi nghĩ lại thấy lúc đầu nhà tôi vốn không có sinh mệnh; chẳng những không có sinh mệnh mà còn không có cả hình thể nữa; chẳng những không có hình thể mà đến cái khí cũng không có nữa. Hỗn tạp ở trong cái khoảng thấp thoáng, mập mờ mà biến ra thành khí, khí biến ra thành hình, hình biến ra thành sinh mệnh, bây giờ sinh lại biến ra thành tử, có khác gì bốn mùa tuần hoàn đâu. Nay nhà tôi nghỉ yên trong cái Nhà Lớn (tức trời đất) mà tôi còn ồn ào khóc lóc ở bên cạnh thì tôi không hiểu lẽ sống chết rồi. Vì vậy mà tôi không khóc” (...)

Thú vị hơn nữa là bài XXXII.13 tả lúc Trang tử hấp hối. Môn sinh bàn với nhau sẽ hậu táng, ông nghe được bảo:

“- Đừng. Ta đã có trời đất làm quan quách, mặt trời mặt trăng làm ngọc bích, các tinh tú làm ngọc châu, vạn vật sẽ đưa ma ta, như vậy đồ táng ta chẳng đủ rồi sao? Còn phải thêm gì nữa?

Môn sinh đáp:

- Chúng con sợ quạ và diều hâu sẽ rỉa xác thầy.

Trang tử bảo:

- Ta trên mặt đất thì bị quạ và diều hâu rỉa, ở dưới đất thì bị kiến và sâu đục (đằng nào cũng vậy). Tại sao các con lại thiên vị, cướp của các loài trên mà cho các loài dưới?”

Tắt thở tới nơi mà ông lão chín chục tuổi đó còn dí dỏm được như vậy! (...)

Trang cũng ham tranh biện lắm (...) Khía cạnh tính tình đó trái ngược với tư tưởng của Trang, nhưng dù là triết gia thì người ta vẫn có những nét mâu thuẫn như chúng ta – có lẽ triết gia còn có nhiều mâu thuẫn hơn chúng ta nữa – nên chúng ta không nên lấy làm lạ (...)


(Nguyễn Hiến Lê,
Trang tử và Nam Hoa kinh)