“Tôi” không bằng lòng đấy. Nhưng sở dĩ “tôi” không được bằng lòng, ấy cơ bản là bởi “tôi” đã lấy cái phép lịch sự mới, lịch sự Tây, ra mà đòi ở một người Việt Nam cũ, một người như một cái “bóng” chưa khuất của “một thời”. Tản Ðà lớn hơn Vũ Bằng đến hẳn hai giáp và đã lừng danh thi sĩ trong khi Vũ Bằng mới cầm bút. Nếu cậu thanh niên tưởng trông thấy cậu bước vào, cái ông “nguyên soái thơ” khăn đóng áo dài tuổi đáng bố cậu kia sẽ đứng ngay dậy, miệng chào, tay chìa, thì cậu tưởng nhầm quá! Thêm vào chệch choạc cũ mới ta Tây cái tật của một người có tài, trách sao… Tiếc thật, vì tiền bối này và hậu sinh này có thể chia sẻ với nhau rất nhiều về chẳng những cái đẹp của thơ văn mà cả cái ngon của miếng kia miếng nọ. (Thu Tứ)



“Tản Đà qua Vũ Bằng”




Tôi nhớ lại (...) lần (...) tôi (...) được “chơi trèo” hội kiến với (...) Tản Ðà (...) Ông Vũ Hùng Toán, lấy tư cách là quản lý báo, mời tôi là một nhà bỉnh bút của tạp chí An Nam đến thăm ông chủ bút. Cuộc diện kiến diễn ra vào một buổi tối mùa đông lất phất mấy hạt mưa phùn (...)

Tản Ðà, thấy tôi vào, cứ ngồi ì ra không thèm đứng dậy; một lúc lâu, mới nhìn tôi một hồi như thể nhìn thằng ăn cắp, rồi “à” một tiếng và bảo tôi ngồi xuống ghế. Thì ra ông ta đang say. Bên cạnh ông là một cái hỏa lò than cháy râm râm, trước mặt là một cái mâm nhỏ trên bầy thức ăn (...) Ông ta uống một tợp, khà một cái, gắp một miếng, hơ tay vào lò than rồi... ngồi rung đùi ngâm, với một giọng khê nằng nặc:

“Vèo trông lá rụng đầy sân,
Tóc tơ ngắn ngủi có ngần ấy thôi”.

Rồi ông day cái mặt tròn, đỏ như trái bồ quân, trên cắm một cái mũi tròn soe có hàng ngàn vạn đường gân máu chạy ngang chạy dọc như những con kinh đào vẽ trên một bức địa đồ quân sự, ông nhe răng ra (tôi không biết ông cười hay mếu) nói một cách dõng dạc:

- À, ông Bằng, ông có thấy không? Chữ “vèo” ấy có cho mấy khuyên son cũng chưa đủ! “Vèo trông lá rụng”, hay lắm chớ, hay lắm chớ!

Theo lời ông Vũ Hùng Toán nói với tôi sau này, ông Hiếu suốt ngày cứ tự khen mình như thế, một tí phản đối cũng làm cho ông không bằng lòng (...)

Một ông hủ “mớ đời” (...) Nghĩ vậy, nhưng trong thâm tâm, tôi phục sát đất (...) vì thơ của (...) ông rung động (...) đẹp cao siêu (...)


(Trích hồi ký
Bốn mươi năm nói láo. Nhan đề phần trích tạm đặt.)