“Thân thế Trang Tử” (1)

Nguyễn Hiến Lê




Thời đại

Trang tử kém Mạnh tử khoảng mười tuổi, sống ở giữa thời Chiến Quốc (năm -403 đến năm -221). Ông sanh vào khoảng năm -360, trên 40 năm sau khi thời đại loạn đó bắt đầu, và 60 năm sau ông mất, nó cũng chấm dứt. Vậy ông chứng kiến được hầu hết những biến chuyển lớn của thời đó: Tần dùng Vệ Ưởng để biến pháp mà hùng cường lên, xưng bá (-343) rồi xưng vương (-325); sáu nước kia (Yên, Triệu, Hàn, Nguỵ, Tề, Sở) bèn hợp tung để chống Tần (-333), nhưng phe hợp tung mau tan (-332), Trương Nghi đề nghị thuyết liên hoành (-331) để liên hiệp lục quốc mà tôn Tần, do đó mà Tần lại càng mạnh thêm (...) xưng đế (-288) (...) Trước khi mất, chắc Trang tử đã đoán được xu thế của thời đại: thế nào rồi Tần cũng (...) thống nhất Trung Quốc.

(...) sự dùng năm -403 để phân chia hai thời Xuân Thu và Chiến Quốc không dựa trên một biến cố nào quan trọng (...) lịch sử và xã hội Trung Hoa suốt hai thời kì Xuân Thu và Chiến Quốc biến chuyển liên tục, không hề gián đoạn, từ chế độ phong kiến tới chế độ quân chủ chuyên chế, từ tình trạng phân li tới tình trạng thống nhất.

Tuy nhiên, xét chung, chúng ta vẫn thấy hai thời đó có nhiều điểm khác nhau:

1. Xuân Thu là thời các vị bá chủ (như Hoàn công nước Tề) mượn uy danh của thiên tử, tức vua Chu, mà ra lệnh cho các chư hầu; thiên tử thời đó tuy không có quyền, nhưng còn danh phận, các vị bá chủ chưa dám khinh. Thời Chiến Quốc, trái lại, các vua nước lớn như Tần, Tề, Nguỵ, Sở… đều xưng vương, chẳng coi thiên tử ra gì cả.

2. Thời Xuân Thu, chế độ chính trị chỉ biến chuyển lần lần thôi, vì các vua chúa còn trọng dư luận ít nhiều; qua thời Chiến Quốc, vua các cường quốc không đoái gì tới cổ pháp, cổ lễ, can đảm làm những cuộc cách mạng về pháp độ, như cuộc biến pháp của Vệ Ưởng năm -359 đời Tần Hiếu công.

3. Thời Xuân Thu giới quý tộc còn nắm được nhiều quyền lớn, cha truyền con nối; qua thời Chiến Quốc, đặc quyền đó gần như hoàn toàn bị diệt, rất nhiều người trong giới bình dân lên làm khanh tướng, như Tô Tần, Trương Nghi…

4. Chiến tranh trong thời Xuân Thu tuy nhiều nhưng không kịch liệt, còn giữ được cái luật “quân tử” không giết kẻ bại; qua thời Chiến Quốc, chiến tranh tàn khốc hơn nhiều, có trận chết hàng vạn người (...)

5. Phép “tỉnh điền” không rõ bị phế bỏ lần lần từ thời nào, nhưng chắc chắn là cuộc biến pháp của Vệ Ưởng, thời Chiến Quốc, được nhiều nước khác theo, Mạnh tử hô hào tái lập nó mà không được.

6. Thời Xuân Thu, trọng tâm của kinh tế là nông nghiệp; qua thời Chiến Quốc, công và thương phát đạt mạnh, địa vị mỗi ngày một quan trọng hơn (...) bọn cự thương như Lã Bất Vi có thể dùng thế lực đồng tiền xâm nhập chính trị.

7. Quan trọng nhất là sự phát triển về tư tưởng. Trong thời Xuân Thu, từ khi Khổng tử sanh (-551) tới khi Liệt tử mất (-349), suốt hai trăm năm chỉ có mươi triết gia: Khổng tử, Tử Tư, Mặc tử, Dương tử, Lão Đam, Quan Doãn, Liệt Ngự Khấu; qua thời Chiến Quốc, số triết gia có tiếng tăm lên tới trên hai chục nhà, ấy là chưa kể các chính trị gia, biện sĩ, thuật sĩ.

Theo Sử kí của Tư Mã Thiên, bọn du thuyết được Tề Tuyên vương tặng chức thượng đại phu, chỉ bàn suông chứ không dự vào việc chính trị, như Trâu Diễn, Thuần Vu Khôn, Tiếp tử, Hoàn Uyên… tới 76 người, còn số học sĩ ở Tề có tới mấy trăm ngàn người (...)

Nguyên nhân chính là thời đó đại loạn, người nào cũng có tư tưởng cũng muốn đưa ra một thuyết để cứu đời; mà các vua chúa nào muốn làm bá chủ Trung Quốc cũng tôn trọng kẻ sĩ, mời họ làm cố vấn. Do đó, ngôn luận được hoàn toàn tự do. Đúng là thời “trăm hoa đua nở” (...)

Dĩ nhiên, mỗi triết gia chỉ nắm được một phần chân lí, như tác giả chương Thiên Hạ, phần Tạp Thiên của Nam Hoa kinh đã nhận định:

“… học phái hoặc kĩ thuật của trăm nhà đều có sở trường, thời cơ thích hợp thì đều có chỗ dùng được đấy, nhưng không bao quát được hết: họ chỉ là những nhà thiên kiến… Họ mổ xẻ cái thuần mĩ của trời đất, phân tích cái lí của vạn vật, cái nhất quán của cổ nhân… lập ra những phương thuật riêng. Buồn thay! Học phái của bách gia cứ phân tán ra trăm ngả tới cực đoan mà không trở về cái gốc… Đạo thuật trong thiên hạ sắp bị chẻ nhỏ ra rồi” (...)

Bất kì về vấn đề nào (...) họ cũng đưa ra được hai ba lí thuyết để chống đối nhau, phủ nhận nhau; không khí thật kích thích, tạo nên một hoàng kim thời đại của triết học Trung Hoa.

(...)

Tóm lại Trang sống vào giữa thời phát triển mạnh mẽ nhất của triết học Trung Quốc và mặc dầu không hề nhắc tới Tuân tử, ông có thể được biết tất cả các triết thuyết thời Chiến Quốc, trừ học thuyết Hàn Phi.


(Nguyễn Hiến Lê,
Trang tử và Nam Hoa kinh)