Chúng tôi xem tùy bút là sáng tác văn xuôi không cốt kể một câu chuyện hay tả một cái gì, mà nhằm thể hiện cảm nghĩ của tác giả. “Vắng bóng” là tùy bút, vì nó chủ yếu thể hiện cái cảm xúc “bùi ngùi như tiếc thương một cái gì thân yêu đã mất” của “tôi”. Dâu “ngơ ngác đợi chờ” tằm, còn người “đưa mắt nhìn” thì buồn rầu trước cuộc bể dâu đã xảy đến cho nghiệp dâu tằm...

(Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Vắng bóng”


“Năm năm tiếng lụa xe đều,
Những ngày lạnh rớt, gió vèo trong cây.”
Lưu Trọng Lư




Qua kẽ hở của hàng xương rồng cao quá đầu, chỉ thấy bên trong loáng thoáng bóng người qua lại, tôi nghe nhiều hơn: tiếng chân vừa nhanh vừa nhẹ, đúng là bước chân con gái, những giọng thanh thanh, tiếng cười khúc khích có khi cùng nổi lên một lúc và đều đều, tiếng lóc cóc của thoi đưa, tiếng sè sè của xa quay chỉ.

Ngang cổng, có thể nhìn vào để thấy cho rõ, thì khổ cho tôi, tôi lại không dám quay đầu, vì ngại người trong nhà bắt gặp. Chuyện đó cũng chẳng hề gì nhưng không hiểu sao tôi lại cứ ngại, gần như lần nào tôi cũng trông ngay phía trước, nghiêm trang đi thẳng. Tuy nhiên thỉnh thoảng, tôi dám liếc nhanh vào và thấy đại khái quang cảnh bên trong: một mảnh sân con với hai cây vú sữa tàng rộng, căn nhà ngói cũ kỹ mà vách bổ kho đã đen vì ám khói, ngoài hàng ba có đôi cô con gái ngồi quay tơ, bên trong thiếu ánh sáng chỉ thấy lờ mờ những làn chỉ trắng của vài ba cái khung cửi. Và bóng những người con gái tóc xõa ngang vai, vừa đi vừa chạy, ra vào nhộn nhịp. Vào những buổi sáng tốt nắng trước sân thấy có gác chiếc nong tằm.

Ðã biết rằng đó là một nhà nuôi tằm dệt lụa, công việc của những cô gái ấy chẳng có gì lạ hết, nhưng quang cảnh lao động rộn rịp không hiểu sao cứ khiến lòng tôi trở nên ấm áp và tin yêu...

Tôi đã qua ngang đó nhiều lần trong một vụ hè mấy năm về trước.

*

- Ơ! Ði đâu mà phất phơ ở đây?

Lộc đưa cả hai tay ra và rú lên như thế. Chúng tôi gặp nhau ở hai đầu của một chiếc cầu tre. Tôi mỉm cười:

- Sang rủ về chơi nhà nó cả tháng rưỡi nay. Còn cậu?

- Về thăm nhà bà nội. Cũng định lên thăm Sang đó. Không dè có cậu. Nè, trở lại nhà mình chơi chút đi.

- Ở đâu?

- Năm trăm thước nữa, trên đường về nhà Sang. Cái nhà ngói cũ có hai cây vú sữa trước sân.

- Ơ...

- Sao?

- Không có sao... Ờ mà tao cũng thường qua ngang nhà đó.

Nó phá lên cười.

- Có thấy gì lạ không?

- Không!

- Láo! Có thấy nhiều con gái đó chớ.

- Ờ, nhưng vậy cũng đâu phải chuyện lạ. Với lại thiệt tình tao cũng ít dám dòm vô.

- Bây giờ đi theo tao thì cứ tự do quan sát chuyện tơ tằm.

Nó phá lên cười sằng sặc, thằng ác thiệt.

Qua một đám bắp dài xanh mướt, đến hàng xương rồng, chúng tôi vào cổng. Một con chó vàng xô ra, sủa ăng ẳng mấy tiếng rồi vẫy đuôi mừng chủ. Tiếng thoi đưa, tiếng quay chỉ và tiếng chân vừa đi vừa chạy ngừng hẳn lại. Lộc giới thiệu ngắn ngủi:

- Anh bạn của con. Bà nội tôi đó. Còn đây là các cô quen ở lối xóm.

Các cô gái bẽn lẽn một chút, rồi tiếng thoi lại bắt đầu lọc cọc, quay chỉ kêu sè sè và tiếng chân ra vô lại nện nhè nhẹ trên nền đất ẩm.

Bốn cái khung cửi quay mặt vào nhau, giăng giăng những hàng tơ vàng óng ánh, những bàn tay giựt thoi và đập vỗ nhanh nhẹn nhịp nhàng. Ba cái xa quay vấn tơ vào suốt. Ở phía sau nhà trên mấy cái gác là những nong tằm ăm ắp lá dâu xanh.

Hai cô con gái cắm cổ xắt lá.

Bà cụ thân mật:

- Cây nhà lá vườn đó con à. Mà mấy cậu bây giờ không mấy ai thích thứ đồ mộc mạc này nữa.

Tôi hơi mắc cỡ, ấp úng:

- Dạ, tại có thấy ai bán thứ này đâu mà mua bận.

Bà cụ thẫn thờ:

- Ờ, mà ai dám đem bán, lỗ lã chết đi con. Nhà bà mấy đời trồng dâu nuôi tằm nên bây giờ không nỡ bỏ chớ khó sống lắm.

- Nhưng mà khỏe phải không bà?

- Không khỏe đâu, làm chuyên vô nghề này đâu đủ ăn. Mấy đứa nhỏ đây tại nó thích, nó qua làm vậy chớ tới mùa cấy mùa gặt, tụi nó phải về, lo ra đồng. Nghề này làm phụ thêm vậy thôi.

Lộc tinh nghịch:

- Phụ thêm vậy đặng để dành tiền kha khá một chút, chừng có chồng đem về làm vốn, phải không Lài?

- Thằng quỷ sứ!

Bà cụ mắng Lộc, trong khi cô con gái tên Lài, ngồi trên khung cửi, cúi gầm cái mặt đã ửng đỏ xuống bàn dệt, tay lính quýnh, giựt thoi lia lịa. Bà cụ phải kêu lên:

- Ơ cái con Lài! Ðứt hết tơ còn gì...

*

Bẵng đi hai năm, tôi lại có dịp về ngang xóm cũ. Một buổi chiều nắng dìu dịu. Bóng tre rợp mát đường làng.

Tôi đi qua hàng xương rồng xanh cao vút. Cũng như ngày nào, tôi chậm bước lại đưa mắt nhìn vào. Không có bóng người và cũng vắng hẳn những âm thanh quen thuộc trước kia. Không còn e ngại nữa, qua ngang cổng, tôi quay đầu hướng thẳng vào bên trong.

Vẫn sân vẫn nhà, nhưng cảnh đìu hiu như đã chết tự bao giờ. Chỉ có một mình bà cụ đang chậm chạp quét lá khô ở mé vườn.

Con chó vàng xô ra sủa ăng ẳng khi tôi vào đến sân nhà. Bà cụ ngừng chổi, ngẩng mặt lên. Ðôi mắt nhấp nhem, cố giương lên nhìn người khách lạ:

- Con kiếm ai?

Tôi ngập ngừng:

- Nghỉ hè năm nay anh Lộc không về đây chơi sao bà?

- Ờ thằng Lộc năm nay không về con à.

Tôi đưa mắt nhìn những khung cửi đã được tháo ra nằm xếp đống ở hè nhà và mấy cái xa quay bám đầy mạng nhện, lòng bùi ngùi như tiếc thương một cái gì thân yêu đã mất.

- Lóng này ở nhà không dệt lụa nữa hay sao bà?

- Dẹp lâu rồi con.

Bà cụ im lặng, đứng thẳng lưng, đôi mắt lờ đờ, tê dại.

- Vắng tiếng thoi, tiếng quay chỉ, tiếng mấy đứa con gái buồn quá! Mà biết làm sao bây giờ hả con?

Tôi lặng thinh, buồn rầu đưa mắt nhìn ra sau nhà.

Những hàng dâu xanh mướt ngơ ngác đợi chờ, nhớ thương những lứa tằm đã chết. Lài ơi! Bao giờ tôi sẽ mặc áo bằng lụa do đôi tay xinh xắn của cô dệt nên?

Tôi từ giã bà cụ ra về.

Sân nhà vắng vẻ lạnh tanh.

Ðường chiều lung linh ánh nắng. Lá tre thưa thớt rơi buồn.