Tàu xưa ở Hoa Bắc ít sông nhiều ngựa nên cưỡi ngựa, đi xe ngựa. Ta xưa ở châu thổ Bắc bộ nhiều sông và không có ngựa nên đi bộ, đi thuyền.

Cưỡi voi, sao người ở đất “nước” mà lại…? Vì ta là “con Rồng cháu Tiên”, là Lạc nhưng cũng là Âu, vẫn còn một bộ phận đáng kể ở đất rừng nơi có nhiều voi.

Bắc “lên xe xuống ngựa”, Nam “lên voi xuống thuyền”: “Nước Việt ta (...) vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác...”
(Thu Tứ)



Phạm Lý Hương, “Giao thông thời Ðông Sơn”




Phương tiện giao thông quan trọng nhất của người Ðông Sơn (và cả tổ tiên của họ) là thuyền bè, đường (...) chủ yếu là (...) sông.

Ðiều này được chứng thực bằng chính việc chọn lựa nơi lập làng xóm (...) bao giờ cũng ở rất gần các con sông lớn hoặc các chi lưu của chúng. (Những) địa điểm có dấu vết khai mỏ luyện quặng có thể đã hoạt động từ thời Ðông Sơn mà chúng ta biết (...) cũng nằm sát bờ sông, mép suối (...)

Tài liệu khảo cổ học (cũng) cho thấy rõ sự gắn bó của thuyền bè với đời sống người Ðông Sơn. Những chiếc thuyền lớn chở được nhiều người là mô-típ hoa văn không thể thiếu trên những chiếc trống, thạp tiêu biểu nhất (...) Có giả thiết cho rằng, thuyền này là thuyền vượt biển, cảnh thuyền trên trống thạp là cảnh vượt biển mang hàng đi trao đổi với các vùng xa xôi. Nhưng (chúng tôi nghĩ) coi đó là cảnh lễ hội hóa trang để cầu mưa, mừng hội mùa... thì (...) hợp lý hơn (...)

Thuyền (có thể) dùng để đánh cá trên sông, hồ, đầm, nhưng có lẽ chức năng là phương tiện giao thông còn quan trọng hơn đối với con người thời ấy. Bởi vì cư dân Ðông Sơn trước hết là người trồng lúa. Ðối với họ cá không phải là nguồn sống chính. Nguồn đạm thủy sản của họ (...) còn gồm cả tôm, cua, ốc hến... là những loài đánh bắt không cần đến thuyền bè.

(Thuyền đặc biệt quan trọng) ở những vùng đồng bằng trũng quanh năm ngập úng (...) Với những dụng cụ nghề mộc làm bằng kim loại, với trình độ làm đồ mộc tiến bộ, với gỗ, tre, nứa... rất sẵn, người Ðông Sơn chắc hẳn đã chế tạo ra được nhiều loại thuyền bè thích hợp (...) từ loại thuyền độc mộc (hình ảnh cụ thể là những chiếc quan tài hình thuyền) đến những chiếc thuyền lớn có trang trí cầu kỳ dùng trong những dịp lễ hội trọng đại. Các loại thuyền thúng đan bằng tre nứa rồi quét sơn ta (thích hợp cho việc đi lại) ở vùng đồng trũng (...) hẳn (cũng) rất phổ biến.

(Trong) giao lưu văn hóa (...) giữa văn minh Ðông Sơn với các nền văn hóa, văn minh láng giềng (...) (với phương bắc) các dòng chảy trong hệ thống sông Hồng đóng vai trò là con đường thông thương quan trọng nhất. Ðường thủy chạy ven bờ biển đông cũng được sử dụng nhiều trong mối quan hệ này (...) đối với các mối giao lưu của Ðông Sơn với các văn hóa phương nam, giao thông đường biển (...) còn có ý nghĩa lớn hơn (vì) địa hình miền Trung hiểm trở, nhiều núi lắm đèo, đi lại bằng đường bộ hẳn rất khó khăn (...)

(Về) các phương tiện giao thông khác (...) (dĩ nhiên trước tiên có) đi bộ và gánh gồng, mang vác trên vai, trên lưng (...) Chúng ta chưa có tài liệu nào để có thể nói về sự có mặt của các loại xe hai bánh hay bốn bánh ở thời Ðông Sơn (...) Chúng ta mới biết chắc rằng người Ðông Sơn đã thuần dưỡng voi, dùng voi để chuyên chở. Hình voi chở trên lưng một chiếc trống đồng trang trí trên đồ đồng tìm thấy ở Làng Vạc nói lên điều đó. Và còn một thực tế lịch sử rất nổi tiếng là việc sử dụng voi trong chiến trận thời khởi nghĩa Hai Bà Trưng (...) (rõ ràng) voi đã được thuần dưỡng từ lâu.


(Phạm Lý Hương, “Văn hóa vật chất của người Ðông Sơn”, tức chương VIII trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)