Cưới vợ chậm bị cuỗm, khôn ba năm dại một giờ, vợ đẹp bắt nạt chồng... Kịch đời lúc nào cũng diễn quanh ta, chỉ việc mở mắt mở tai là tha hồ thưởng thức... Khán giả Khái Hưng xem kịch đến chỗ hài cũng cười y như mọi người. Nhưng ông lại còn cười thêm, cười cả người kể kịch: “Hai bà ạ”, “Hai bà tính”, “Hai bà ạ”, “Hai bà tính”, “Hai bà ngẫm xem”, “Hai bà tính”, “Hai bà ạ”... Cái cười hóm mà hiền, dễ mến. (Thu Tứ)



Khái Hưng, “Bến Hồng Gai”




Bến Hồng Gai chìm dần trong đêm tối.

Phía trước mặt, những cù lao đủ các hình quái dị cắt trên nền trời đông sắc xám. Những con vật khổng lồ ấy, những con gấu, sư tử, phượng hoàng, cá sấu ấy như vừa từ dưới nước nhô lên nhe nanh, quắp mỏ, hùng hổ bơi sấn vào bến mà nuốt chửng đàn thuyền gỗ nhỏ nối nhau nằm chúc đầu vào bờ, xòe ra như cái đuôi công xòe múa.

Trên phố, trong dãy nhà tranh lụp xụp, lấp ló những ánh lửa mời. Riêng một hàng cơm nổi bật lên, sáng trưng, ngọn đèn bập bùng trên cái ống đồng cao, thẳng. Cạnh cái bàn phản, và sau cái lao màn treo lủng lẳng những miếng thịt bò, thịt trâu, những bộ lòng lợn, lòng chó, một người đứng băm xương ròn rã.

Bỗng một người đàn bà không biết ẩn ở chỗ nào lớn tiếng gào thét rồi kể lể trách móc và luôn luôn phân vua với mọi người: “Ðấy các ông các bà coi, thế thì có tệ không?”.

Bên địch cố nhịn nhưng lâu lâu lại phát cáu chửi lên mấy câu tục tằn, văng ra đủ các thứ bẩn thỉu, hay ngộ nghĩnh khiến từng dịp cười đáp lại liền. Người đàn bà im rồi lại nói, rồi lại im, chừng để tìm những lời mỉa mai, độc địa, những câu phương ngôn, tục ngữ chua cay.

Về sau, người đàn ông phẫn uất vùng vằng ra đường. Tôi đương ngồi chờ tầu ở trong một chiếc thuyền thuê buổi sáng để đi thăm vịnh Hạ Long. Anh lái thuyền trẻ tuổi có tính đùa nghịch cười bảo tôi:

- Thưa ông, anh chồng đấy.

Anh chồng chạy sầm sầm xuống một chiếc thuyền con, chở vội ra xa. Tôi lo lắng, tưởng anh ta đi tự tử. Bỗng anh ta cất tiếng gọi:

- Vịt vịt, vịt vịt!

Thì ra anh chồng đi tìm vịt và vợ chồng anh cãi nhau vì con vịt. Lúc bấy giờ, người vợ cũng đã tiến ra gần bờ, như để ném câu mắng nhiếc xuống biển, đuổi theo chồng:

- Ai lại mình bận cho con đi ngủ, bảo xua mấy con vịt về, thế mà lười chẩy thây chẩy xác ra, để lạc mất hai con... Thôi, nó ăn thịt rồi còn đâu mà tìm... Rõ làm cỗ sẵn cho người ta ăn, khổ sở quá, chồng với con!...

Tiếng người chồng trả lời:

- Vịt! Vịt, vịt, vịt! Vịt vịt vịt.

Người vợ gào theo:

- Còn tìm à! Tìm mớ lông!

Theo liền, tiếng sào đập mặt nước và tiếng quàng quạc của hai con vịt. Tôi bật cười, mừng cho anh chồng thoát cái nạn vợ mắng. Quả thực khi biết tìm được hai con vịt rồi, người đàn bà im hẳn. Nhưng một lát sau, thấy chồng loanh quanh mãi vẫn không sao lừa nổi hai con vịt vào bờ, chị vợ lại lên tiếng:

- Giời ơi! Có hai con vịt ranh mà đuổi mãi không được.

Người chồng cáu hẳn:

- Mày giỏi xuống đây mà săn này!

- Chả phải thách!

- Thấy người ta nhịn lại cứ lên nước mãi!

Ở các thuyền tiếng cười cùng phá lên.

Cứ thế, trong khoảng một giờ đồng hồ, tiếng gọi vịt khi ở phía trên, khi ở phía dưới, khi ra ngoài xa, khi vào gần bờ. Bọn người ngồi trong thuyền vui thích coi như được xem một trò khôi hài trên sân khấu, mải miết đến nỗi không ai để ý đến đám đánh nhau ở trong một hàng cơm.

- Bác Bê ơi, vụt cho nó chết quách rồi làm thịt ăn, tội gì mà săn mãi.

- Phải đấy, anh Bê ạ.

- Rồi cho tôi đánh chén với nhé!

Tức thì người vợ the thé:

- Vụt chết thì sống mà ở với tôi.

Người chồng cũng chẳng vừa:

- Tao đánh chết thì phỏng mày làm gì tao, hử con Ðông?

Người ngoài xúi vào:

- Phải, thì làm gì bác!

- Ðến ăn thịt là cùng, thôi chứ gì!

Lần này tôi trông rõ hai con vịt vì chúng bơi gần thuyền tôi, hai con vịt mà từ nãy tôi cố tìm nhưng không nhìn thấy đâu, tuy vẫn nghe tiếng kêu quạc quạc. Tôi hết lòng mong mỏi cho nó lên bờ, vì tấn hài kịch kéo đã khá dài... Bỗng từ ngoài biển xăm xăm tiến vào một cái thuyền bồng, đèn thắp sáng trưng. Tức thì hai con vịt lại vừa kêu vừa vỗ cánh bơi ra xa.

Tôi không cười được nữa, vì tôi thương hại người chồng quá. Nhưng trên chiếc thuyền mới tới, người ta lại không nghĩ như tôi. Nghe tiếng cười trong trẻo, tôi nhìn sang. Ngồi ở đằng mũi là hai thiếu nữ mặc quê nhưng rất gọn gàng dễ coi và lịch sự nữa, đang hơ tay sưởi trên lửa đóm. Ánh hồng chiếu hai gương mặt khá xinh. Tôi khẽ hỏi anh lái:

- Thuyền ai đấy?

Anh ta thì thầm đáp:

- Thuyền cụ chánh đi tuần.

- Ði tuần mà mang cả gia đình đi theo?

- Vâng. Kia là hai cô con gái cụ chánh. Ði đông thế cho vui. Cái thuyền của cụ chứa nổi ba mươi người mà vẫn rộng rãi.

Lúc bấy giờ, chừng thấy tôi đứng tò mò ngắm nghía, hai người thiếu nữ dập tắt lửa, lui vào trong khoang. Tôi khen:

- Ðẹp đấy chứ, anh nhỉ, hoa khôi Hồng Gai đấy phải không?

- Thưa ông bảo gì?

- Tôi bảo hai cô ấy chừng đẹp nhất Hồng Gai.

- Thưa ông thấm vào đâu! Ông chưa thấy chị Bê đấy. Cái chị mắng nhiếc chồng ấy mà. Chị mới đẹp nhất Hồng Gai.

Một tiếng còi tàu ở đằng xa. Trên bến dưới thuyền, hành khách nhao nhao, kẻ gồng gánh, người xách đội. Những ngọn đèn bão nhấp nhô ven bờ. Tiếng gọi nhau xuống thuyền.

Năm phút sau, chiếc tàu từ trong đêm tối tiến ra, lừ lừ đi tới, ngọn đèn báo hiệu trên nóc lấp lánh như ngôi sao. Thuyền xô đẩy nhau, tranh giành ra đón khách vì tàu đỗ tận ngoài xa.

*

Lách giữa hai bì gạo, len qua một đám người, tôi lên được từng trên tàu. Trong phòng, cái phòng độc nhất, bốn hàng ghế đều chật ních hành khách. Tôi xách va-li ra mũi tàu, ngồi trước buồng lái. Thấy người mại bản bấm đèn điện chiếu xuống bến, tôi lại gần. Vẫn còn nghe thấy tiếng con vịt, tôi bảo người ấy thử chiếu đèn xem con vật bơi ở chỗ nào. Nhưng tàu đã huýt còi quay mũi.

Một lúc sau chỉ còn tiếng máy đều đều và tiếng kẽo kẹt của cái khung mái tàu đã cũ.

Gió lạnh thổi dữ quá. Tôi kéo cổ áo tơi dạ cho kín tai, sụp mũ xuống gần mắt mà vẫn không thấy đỡ rét, liền đứng dậy xách va-li vào phía trong, ngồi trên ghế dài, tựa lưng vào bức bình phong tàu. Một người đứng tuổi trong ba người đàn bà ngồi cạnh, hỏi tôi:

- Thưa ông, ở ngoài ấy rét lắm?

- Phải, rét lắm.

- Chị em chúng tôi cũng lên ở bến Hồng Gai như ông.

Tôi vui vẻ đáp:

- Thế à?

- Có phải sáng nay ông thuê thuyền của chú Bốn đi chơi Hạ Long không?

- Chính thế. Nếu các bà ở Hồng Gai lên thì hẳn biết chuyện đuổi vịt nhỉ,

Cả ba cùng cười. Một người nói:

- Vợ chồng anh Bê thì ngày nào cũng cãi nhau một trận. Anh ấy thương chị ấy lắm. Họ là người làng tôi đấy. Chính nhà tôi rủ họ lên đây... Cũng là một sự bất đắc dĩ...

Tôi đoán câu chuyện có nhiều uẩn khúc ở trong, nhất là ban nãy tôi lại được nghe anh lái Bốn cho biết rằng chị Bê là một người có nhan sắc. Tôi liền gợi:

- Sao lại là bất dắc dĩ?

- Vì không ra đây cũng không xong.

Tôi sung sướng sắp được nghe một câu chuyện trên tàu. Những chuyện người ta kể trên tàu bao giờ cũng lý thú. Tôi toan hỏi thì người đàn bà như không để ý đến tôi nữa, quay sang phía hai bạn, kể:

- Hai bà ạ, chị Ðông ấy mà, chị ta đẹp nhất làng tôi đấy. Năm chị ấy mười hai tuổi, ông lý cựu làng tôi hỏi chị ấy cho con. Ấy chính anh Bê đấy. Giá cứ cưới ngay đi thì xong: hỏi vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày lắm kẻ gièm pha. Ðây thì không có kẻ gièm pha nhưng có kẻ cuỗm mất.

Tôi mỉm cười:

- Cuỗm mất?

- Thưa ông vâng. Năm ấy chị ta mười sáu, nhà giai vẫn chưa xin cưới. Rồi sau chị ấy phải lòng cái ông giáo ở làng bên. Hai người mê nhau quá đi mất cơ. Ông kia cũng nhất định đòi lấy chị Ðông, nhưng nhà không cho lấy. Mà chị Ðông, chị ấy giữ gìn cũng khéo, hai bà ạ. Hai bà tính có nghén đến bốn tháng...

- Có nghén với ông giáo?

- Vâng. Có nghén đến bốn tháng mà chị ấy thắt bụng khéo quá, chả ai biết sốt. Mà từ khi chị ấy có nghén, chị ấy càng chăm chỉ làm lụng, cắt cỏ, tát nước, vớt bèo, xay lúa, giã gạo, cả ngày, chẳng lúc nào ngơi. Làm thế để người ta khỏi ngờ vực, hai bà ạ, khỏi ngờ vực rằng mình có nghén.

“Thấy hơi khác ý, nhà giai xin cưới, nhưng chị ấy nằng nặc không bằng lòng. Hai bà tính, mê tít cậu giáo đi rồi còn gì. Cậu kia lại khéo tán tỉnh, nên chị ấy vẫn cứ chờ.

Mãi sau ông giáo đổi lên tỉnh, không đi lại thăm nom chị ấy nữa, chị ấy mới ngã ngửa người ra, ngày đêm than khóc. Thế mà hai bà ạ, chị ấy vẫn giữ kín, chẳng tiếng tai gì cả. Ðến ngày mãn nguyệt khai hoa, ra đẻ giấu vào ruộng lúa chín, rồi đứng lên đi về như ta đi đồng thôi ấy mà...”.

Cả hai người đàn bà và tôi cùng cười ồ.

- Hai bà ạ, thế mới biết giời sinh giời dưỡng. Người ta sống chết có số cả. Nửa giờ sau bác xã Vọng đi chợ qua đấy nghe tiếng khóc, tìm thấy thằng bé liền bế về nuôi. Thực giời cho bác ta, hai bà ạ. Bác ta chưa có con giai lại vừa ở cữ một đứa con gái.

“Thằng bé kháu quá đi mất thôi, hai bà ạ. Mà nó giống ông giáo như hệt, từ cái miệng, cái mắt, cho chí cái tai. Ai biết ông giáo thoạt trông thấy cũng nhận ra ngay. Bác Vọng đặt tên cho nó là thằng Ruộng Lúa. Thế mà hai bà ạ, năm nó lên ba đã biết bảo bác ta: “Thầy bu đừng gọi con là thằng Ruộng Lúa, gọi con là thằng Ðược cơ.”

Hai bà ạ, những của đẻ rơi gớm lắm cơ đấy, giời để sống thì không biết sau này làm nên đến gì...”

Tôi tò mò hỏi:

- Nhưng sao chị Ðông lại lấy anh Bê và đưa nhau ra đây?

- Ấy hai người lấy nhau ngay. Anh Bê cũng biết vợ chẳng ra gì, nhưng say mê lắm. Cứ kể thì cũng chả đến nỗi phải bỏ đi, tuy trong làng nhiều người biết chuyện. Nhưng vì cái cậu giáo kia cứ nhì nhằng về làng đòi bắt đứa con. Hai bà ngẫm xem, làm hại một đời người ta chưa đủ, lại còn bêu xấu bêu nhuốc người ta nữa. Hai bà tính, cậu ta dám há mồm ra nói trước mặt mọi người, trước mặt cả hội đồng rằng cậu ta là bố thằng bé mà mẹ nó là chị Ðông.

"Ðã đến nước ấy thì còn mặt mũi nào ở làng nữa. Hồi ấy nhà tôi nghỉ phép về thăm nhà, thương tình anh chị ấy liền rủ ra ngoài này rồi đưa vào sở xin việc cho. Anh chị ấy ngày nay nhờ giời cũng khá. Anh Bê anh cứ bảo tôi rằng cố để dành ít vốn chuộc lấy thằng bé, vì hai bà ạ anh chị ấy cũng chưa có con giai.

- Vậy ra thằng bé vẫn ở với bác xã Vọng?

- Phải. Nó hay quá cơ hai bà ạ.

*

Mười hai giờ đêm tôi lên bến Quảng Yên đến thuê phòng phủ ở một khách sạn. Tới nơi tôi gặp một thiếu niên âu phục sánh vai cùng một cô gái quê đương hấp tấp bước lên thang gác. Tôi mỉm cười nghĩ thầm:

- Biết đâu lại sẽ không có một thằng Khách Sạn ra đời?